Kênh truyền hình quốc phòng Nga Zvezda hôm nay công bố video về hoạt động tác chiến của một đơn vị tên lửa phòng không "rồng lửa" S-300V tại Ukraine, cũng như lời kể về những cuộc đối đầu với tên lửa đạn đạo chiến thuật và máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.
"Với bán kính theo dõi 300 km, hệ thống S-300 có trách nhiệm giám sát bầu trời không ngừng nghỉ. Mục tiêu của họ là tên lửa đạn đạo Tochka-U ra đời từ thời Liên Xô, chúng được nhồi thuốc nổ mạnh và nhiều loại đinh ốc để tăng tối đa sát thương, cũng như nhiều mẫu UAV tự sát", kênh truyền hình Nga cho hay.
Dmitry, chỉ huy khẩu đội S-300V, cho biết họ đã bắn rơi nhiều UAV Bayraktar TB2 và một UAV tự sát siêu thanh Tu-141 Strizh của Ukraine.
"Đài radar dẫn bắn đa kênh bám bắt chiếc Tu-141 từ khoảng cách 80 km, nó đạt tốc độ gần 1.800 km/h. Mục tiêu bị đánh chặn chỉ với một quả đạn" Dmitry nhớ lại.
"Quân đội Ukraine cài nhiều chất nổ và mảnh văng sát thương trên UAV. Chúng tôi không được phép mắc sai lầm, nó phải bị bắn hạ trước khi nó hạ độ cao", Dmitry cho biết thêm.
Hiệu suất chiến đấu cao của những hệ thống S-300 Nga khiến họ trở thành mục tiêu hàng đầu của quân đội Ukraine.
Điều này buộc các khẩu đội S-300V thay đổi vị trí triển khai nhiều lần trong ngày, tránh nguy cơ bị phát hiện trận địa và hứng đòn tập kích.
"Trong quá trình cơ động, việc giám sát không phận sẽ được bàn giao cho đơn vị đồng đội gần đó. Kíp vận hành phải di chuyển nhiều km, tuyến đường và trận địa không được lặp lại", phóng viên Zvezda cho hay.
"Đài radar dẫn bắn là khí tài đầu tiên đến trận địa mới, họ sẽ phải làm nhiệm vụ ngay lập tức để có thể chuyển dữ liệu mục tiêu cho đơn vị bạn nếu cần thiết, trong khi các xe bệ phóng vào vị trí chiến đấu và tổ chức ngụy trang", phóng viên Zvezda nhấn mạnh.
S-300V là tổ hợp phòng không lục quân tầm xa được Liên Xô phát triển tối ưu cho nhiệm vụ chống tên lửa đạn đạo, bảo vệ các đội hình bộ binh cơ động trên chiến trường. Mỗi hệ thống thông thường gồm một xe chỉ huy, ba đài radar cảnh giới, 6 xe chở đạn kiêm bệ phóng và radar (TELAR), cùng các xe hậu cần kỹ thuật.
Với khả năng cơ động nhanh và tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu, S-300V được đánh giá rất cao vào thời kì cuối Chiến tranh Lạnh.
Hệ thống này chủ động tiêu diệt các loại máy bay tác chiến điện tử và trinh sát tầm cao như E-3 Sentry, E-8 JSTARS và U-2, cũng như máy bay gây nhiễu điện tử chiến thuật EF-111A Raven hay EA-6B Prowler.
Dù chia sẻ nhiều công nghệ với phiên bản S-300P, nhưng do được phát triển theo yêu cầu riêng của Lực lượng Phòng không Lục quân Liên Xô nên S-300V mang nhiều điểm khác biệt có thể nhận thấy.
Đầu tiên là việc toàn bộ hệ thống đặt trên khung gầm xe bánh xích có sức cơ động cao thay vì bánh lốp như các phiên bản khác.
Radar của phiên bản S-300V được thiết kế đặc biệt để có thể phát hiện được các mục tiêu bay ngay cả khi chúng có tiết diện phản hồi sóng radar rất nhỏ.
S-300V trang bị 2 loại tên lửa chính là Novator 9M82/SA-12B Giant cùng 9M83/SA-12A Gladiator, chúng có ngoại hình khá giống nhau nhưng khác biệt nhiều ở kích thước cũng như công nghệ bên trong.
Đạn tên lửa 9M83 Gladiator nhỏ hơn với trang bị 4 quả trên xe mang phóng được dùng để tiêu diệt các mục tiêu hàng không ở mọi độ cao, trong đó có cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Tên lửa 9M83 có chiều dài 7.898 mm; đường kính thân (lớn nhất) 915 mm; trọng lượng 3.500 kg; vận tốc trung bình/tối đa 1.200/1.700 m/s; tầm bắn tối đa/tối thiểu 75/6 km; trần bay/sàn bay 25/0,0025 km.
Với khả năng chịu quá tải 20G và mang theo đầu đạn nặng 150 kg, xác suất tiêu diệt mục tiêu của 9M83 vào khoảng 50% - 65% đối với tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 70% - 90% đối với máy bay.
Trong khi đó đạn tên lửa 9M82 Giant lớn hơn chỉ trang bị 2 quả trên xe mang phóng có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa không đối đất siêu thanh, thậm chí cả máy bay gây nhiễu ở tầm xa.
Tên lửa 9M82 Giant có chiều dài 9.913 mm; đường kính thân (lớn nhất) 1.215 mm; trọng lượng 5.800 kg; vận tốc trung bình/tối đa 1.800/2.400 m/s; tầm bắn tối đa/tối thiểu 100/13 km; trần bay/sàn bay 30/1 km.
9M82 Giant cũng mang theo đầu đạn 150kg và chịu tải trên 20G, vì thế xác xuất tiêu diệt mục tiêu là 40% - 60% đối với tên lửa đạn đạo tầm trung, 50% - 70% đối với tên lửa tấn công phóng từ máy bay kiểu AGM-69.
Xét về năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo, các loại đạn trang bị cho S-300V được đánh giá cao hơn hẳn 5V55 hay 48N6 của S-300PS/PMU.
Ưu thế trên khiến cho S-300V thêm nguy hiểm, máy bay đối phương sẽ có rất ít thời gian để thực hiện các biện pháp phòng vệ hay né tránh khi lọt vào tầm hỏa lực.
Do vậy, dù S-300V có giá thành đắt và rất phức tạp nhưng thực sự cũng rất ”đáng giá” trong việc đối phó với đối phương.
Việt Hùng