Kit test Việt Á và phép thử với 2 vị bộ trưởng
Đó là đương kim Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng KH-CN, những người vừa bị Bộ Chính trị đề nghị Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật.
Đề nghị này được Bộ Chính trị đưa ra sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 13 vào cuối tháng 3, vi phạm của 2 ông đều liên đến vụ việc tại Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế.
Cụ thể, với ông Chu Ngọc Anh, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Việt Á và một số cá nhân.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
Còn ông Nguyễn Thanh Long được xác định là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Việt Á.
Ngoài ra, hai ông còn chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: “Những vi phạm của 2 ông đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ KH-CN và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.
Tại kỳ họp 15 vào giữa tháng 5 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long.
Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 4/6 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị chưa đưa ra mức kỷ luật đối với hai ông mà đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật.
Vi phạm của Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long theo kết luận của Bộ Chính trị có nhiều điểm mới so với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trước đó.
Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh
Cụ thể, ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long “đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ KH-CN, Bộ Y tế”.
Nếu như trước đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm của hai ông “gây hậu quả nghiêm trọng”, “làm thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước” thì ở kết luận của Bộ Chính trị, vi phạm của ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước”.
Đáng chú ý là trong các lý do khiến hai ông bị Bộ Chính trị đề nghị Trung ương kỷ luật, có nhiều vi phạm liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như: “Đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương”.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, Trung ương đã thảo luận và ban hành Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp Trung ương đưa ra để thực hiện mục tiêu này là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.
Và rõ ràng, trong lúc đất nước đối mặt với vô vàn thách thức, người dân cả nước đang lâm vào cảnh dịch bệnh hoành hành vô cùng khốn khó nhưng 2 vị tư lệnh ngành lại có những hành vi “gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19…” là điều khó có thể biện hộ.
Và tất nhiên quyết tâm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị không chỉ dừng lại ở Nghị quyết, kết luận trên giấy mà tới đây Trung ương sẽ họp để xem xét thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long theo đề nghị của Bộ Chính trị.
Kit test Việt Á ra đời với mục đích thật thiêng liêng cao cả là để tìm ra con virus gây ra dịch bệnh, để từ đó tìm cách cứu chữa người dân vượt qua dịch bệnh. Nhưng cũng chính kit test Việt Á là que thử sự suy thoái đạo đức, lối sống của hàng loạt cán bộ, đảng viên trong đó có chính 2 vị tư lệnh ngành Y tế và ngành Khoa học Công nghệ.
Thật sự đến giờ phút này, người dân vẫn chưa thể biết kit test Việt Á góp phần chống dịch hiệu quả đến đâu nhưng rõ ràng nó đã trở thành một phép thử hữu hiệu về đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kit-test-viet-a-va-phep-thu-voi-2-vi-bo-truong-2026971.html