Kon Plông, Kon Tum: Xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với phát huy bản sắc đồng bào DTTS

Thực hiện Cuộc vận động 'Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững', Ủy ban MTTQ huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum bước đầu đã mang lại thành công. Qua đó, địa phương đã phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo.

Ẩm thực của nhân dân Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.

Ẩm thực của nhân dân Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.

Huyện Kon Plông nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, có tổng diện tích tự nhiên là 137.124,6 ha. Toàn huyện có 09 đơn vị hành chính, với hơn 7.600 hộ; hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 85%, hộ nghèo trên 36%; hộ cận nghèo trên 11%.

Huyện nằm ở độ cao trung bình 1.200 - 1.500m so với mực nước biển; khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm từ 18 - 24 độ; nguồn tài nguyên rừng với hệ sinh thái đa dạng, phong phú; có nhiều hồ thác, suối đá và cảnh quan đẹp...đây là tiềm năng thuận lợi để nơi đây phát triển trở thành trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phía đông của tỉnh Kon Tum. Bên cạnh đó, địa phương còn có nhiều hệ động vật, thực vật quý hiếm sinh sống; nhiều hồ thác như: Đắk Ke, Pasih, Lô Ba, hồ Toong Đam, Toong Zơri, Toong Pô… thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với nghiên cứu khoa học. Đến nay tại khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đã thu hút được các nhà đầu tư xây dựng các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… mang tầm quốc gia.

Từ những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế của huyện như trên, trong khi xuất phát điểm của huyện còn thấp, là thách thức không nhỏ đối với cả hệ thống chính trị. Với những trăn trở đó, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Kon Plông thường xuyên nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, một trong những giải pháp mà địa phương đã áp dụng bước đầu mang lại thành công, đó là thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về chủ trương phát động Cuộc vận động (CVĐ) “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Toàn cảnh Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.

Toàn cảnh Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.

Qua đó phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện, trong công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với liên kết nâng cao chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản của địa phương. Đặc biệt, triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ của Trung ương, tỉnh trong công tác giảm nghèo bền vững trong vùng DTTS, vừa thể hiện sự sáng tạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đó là triển khai xây dựng “mô hình phát triển kinh tế gắn liền với phát triển du lịch và bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Thấy rõ tiềm năng lợi thế, xác định rõ mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ phải giúp nhân dân có sự thay đổi đột phá, từ việc chỉ nghĩ “trồng lúa, làm rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm”, huyện đã giúp nhân dân tiếp cận cái mới, cái tiến bộ, những cách làm kinh tế mới đem lại hiệu quả cao. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, Đảng ủy xã, thị trấn tập trung tuyên truyền và hướng dẫn bà con nhân dân đăng ký xây dựng mô hình “kinh tế gắn liền với phát triển du lịch và bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”; quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái;…

Với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp trên, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động trên địa bàn huyện đã thổi luồng sinh khí mới, làm thay đổi nhận thức của người dân tộc thiểu số; tạo đòn bẩy giúp người dân phát huy những tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, đặc biệt trong xây dựng mô hình giảm nghèo gắn liền với phát triển du lịch và bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã có nhiều khởi sắc ở tại địa bàn một số xã, thị trấn trong huyện như: làng du lịch cộng đồng thôn Vi Rơ Ngheo, xã Đắk Tăng; làng du lịch cộng đồng làng Kon Pring, làng Kon Vơng Kia thị trấn Măng Đen; làng Kon Chênh, xã Măng Cành…

Cổng Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.

Cổng Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.

Đối với xã Đăk Tăng đã xây dựng thành công và ra mắt điểm du lịch, Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, Hợp tác xã du lịch Vi Rơ Ngheo có 18 hộ gia đình đã cải tạo, tu sửa ngôi nhà của mình thành homestay. Ngoài việc giữ nguyên kiến trúc và khuôn viên của ngôi nhà truyền thống, người dân còn đầu tư trang trí nội thất và đảm bảo điều kiện vệ sinh. Qua thời gian hoạt động, làng du lịch Vi Rơ Ngheo không chỉ được người dân trong nước biết đến, mà đã lan tỏa đến khách quốc tế, đến nay đã có trên 4500 lượt du khách đến Vi Rơ Ngheo tham quan, trải nghiệm, nhờ sự thay đổi nhận thức, bước đầu đem lại nguồn lợi kinh tế cho nhân dân.

Như vậy, có thể thấy, thông qua các mô hình gắn kết giữa phát triển kịnh tế với du lịch cộng đồng và bảo tồn di sản văn hóa, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Plông có thêm việc làm và thu nhập từ chính những giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ đó nâng cao hơn ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị đó trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Đây là hướng đi đúng đắn, hiệu quả để phục hồi, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện gắn kết với phát triển ngành du lịch văn hóa trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Mô hình này có thể nhân rộng ra các địa phương khác của tỉnh Kon Tum.

Để tiếp tục thực hiện CVĐ “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trong những năm tiếp theo, Đảng bộ huyện tiếp tục đề ra các giải pháp chỉ đạo thực hiện như thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về phát triển mô hình kinh tế gắn với du lịch và bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, Đảng ủy các xã, thị trấn, trong việc tập trung tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của bà con nhân dân, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các CVĐ, gắn với xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp với du lịch cộng đồng... trên địa bàn khu dân cư...

Nguyễn Thị Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kon-plong-kon-tum-xay-dung-mo-hinh-giam-ngheo-gan-voi-phat-huy-ban-sac-dong-bao-dtts-10288366.html