Kon Tum, Bạc Liêu quyết tâm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trước bão Noru
Để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4 (Noru), trong đó đặt mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là trên hết, tối 27/9, UBND tỉnh Kon Tum đã ra văn bản hỏa tốc yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Theo văn bản số 3221/UBND-NNTN, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị có liên quan tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão; tập trung chỉ đạo, triển khai ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng nhân dân.
Tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (công văn số 865/CĐ-TTg ngày 27/9) cùng các Trung ương, Tỉnh ủy… về tập trung ứng phó với cơn bão số 4. Theo đó, Kon Tum tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đình hoãn các cuộc họp chưa cần thiết, cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai chống bão số 4. Các địa phương phân công cụ thể từng thành viên Ban Thường vụ, lãnh đạo trực tiếp xuống từng địa bàn trọng điểm ứng trực để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu di dời tất cả người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là trên thuyền bè, lồng bè, chòi canh thủy sản, trong các nhà yếu, không đảm bảo an toàn, nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu trước khi bão đỗ bộ vào. Trong đó, các địa phương cần tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn người dân di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế; đảm bảo lương thực, nước uống, an toàn phòng, chống dịch cho người dân tại nơi đến. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương huy động lực lượng hỗ trợ dân, chằng chồng nhà cửa, kho tàng, cơ sở sản xuất… để hạn chế thiệt hại; kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồn, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đỗ bộ vào bờ để đảm bảo an toàn…
Đến tối 27/9, tỉnh Kon Tum đã di dời được 519/613 hộ dân. Hiện, công tác di dời vẫn được các địa phương triển khai. Cụ thể, tại huyện Đăk Glei, các hộ dân hiện đã di chuyển tài sản đến nơi an toàn, lực lượng chức năng đang tiếp tục vận động các hộ còn lại di dời. Huyện Kon Plông đã di dời 169 hộ. Tại huyện Tu Mơ Rông, 20 hộ ở hai xã Văn Xuôi và Đăk Rơ Ông đã được di dời. Riêng 50 hộ ở thôn Tam Rin xã Ngọk Yêu mưa nhỏ, điểm dân cư hiện vẫn an toàn nên di dời trước 65 em học sinh trong thôn về ở trường bán trú thôn Tam Rin. Ngoài ra, với các tuyến giao thông có nguy cơ cao bị ảnh hưởng, chính quyền cử người trực 24/24 giờ, triển khai cắm cọc và biển cảnh báo cho người dân qua lại.
* Dù không phải là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 4, tuy nhiên, để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo đó, hiện Bạc Liêu có 388 phương tiện với 2.476 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 244 phương tiện đánh bắt xa bờ với 1.832 thuyền viên. Thông qua hệ thống liên lạc, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Bạc Liêu và Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kêu gọi 493 phương tiện hoạt động trong vùng biển có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão số 4 vào bờ và tìm nơi tránh trú an toàn.
Đồng thời, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã bố trí trực ban 24/24h và chuẩn bị sẵn các phương tiện ứng cứu để chủ động thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện và ngư dân.