Kon Tum: Khắc phục tình trạng lò sấy nông sản tự phát gây ô nhiễm

Tại huyện Đăk Hà, vựa cà phê của tỉnh Kon Tum, phần lớn lò sấy nông sản đều tự phát, nhỏ lẻ, do người dân tự lắp đặt, thiếu quy hoạch đồng bộ dẫn đến tình trạng khói bụi, ô nhiễm môi trường.

Một lò sấy nông sản tự phát gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh trong bài: PV)

Một lò sấy nông sản tự phát gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh trong bài: PV)

Để bảo đảm chất lượng tốt nhất, có giá trị cao nhất cho cà phê; ngoài việc phơi nắng thủ công như trước đây, trên địa bàn huyện Đăk Hà thời gian gần đây xuất hiện nhiều lò sấy cà phê. Tuy nhiên, đa phần những lò sấy này đều được xây theo kiểu tự do, tự phát, không có các phương án bảo vệ môi trường, không được giấy phép. Mỗi mùa cà phê, khi các lò sấy hoạt động cả ngày lẫn đêm, cũng là lúc người dân xung quanh phải hứng chịu cảnh khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ các lò sấy phát ra.

Tại thôn 7, xã Ngọk Wang, một lò sấy có công suất hàng trăm tấn mỗi ngày nhưng không có giấy phép hoạt động, giấy phép về môi trường, thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường khiến khói bụi, ô nhiễm “tấn công” nhiều hộ dân lân cận.

Ngoài ra, anh Lưu Minh Vũ (SN 1980) có vườn gần lò sấy này, cho rằng vì ảnh hưởng khói bụi, nhiệt độ cao từ lò sấy nên gần đây sản lượng cà phê vườn nhà anh giảm sút từ trung bình 25 tấn/năm xuống còn 20 tấn/năm. Tương tự, vườn nhà ông Huỳnh Văn Kỷ (SN 1965) có gần 100 cây cà phê có dấu hiệu bị chết, hoặc không cho thu hoạch; mà ông Kỷ cho rằng do ảnh hưởng từ nhiệt độ cao, khói bụi lò sấy phát ra.

Theo ghi nhận của PV, trên địa bàn xã Ngok Wang còn một số lò sấy tự phát, gây ô nhiễm như lò sấy tại thôn 8, thôn 4, thôn 1… Trong đó, lò sấy tại thôn 4 có công suất rất lớn, bị các hộ dân phàn nàn nhiều nhất.

Ông Ngô Tấn Khoa, Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang cho biết, xã đã nhận được đơn kiến nghị liên quan đến sự việc nói trên. UBND xã cũng đã có văn bản yêu cầu cơ sở kinh doanh dừng hoạt động lò sấy để hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết. Ông Khoa xác nhận một số lò sấy không có giấy phép hoạt động, chưa được cấp phép môi trường, phần đất sử dụng xây dựng lò sấy chưa được chuyển đổi mục đích. Mặc dù xã đã có văn bản yêu cầu chủ lò sấy dừng hoạt động khi chưa bảo đảm thủ tục điều kiện, nhưng một số lò sấy vẫn hoạt động.

Tại xã Đăk Ui, ông Trần Trình, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, tại xã có 2 lò sấy công suất lớn đã có giấy phép đăng ký kinh doanh về hoạt động lò sấy; còn đa phần là các lò sấy nhỏ của hộ gia đình tự xây dựng để tự sấy cho cà phê nhà mình.

Ông Huỳnh Anh Khoa, Phó phòng TN&MT huyện cho biết, qua quá trình kiểm tra theo khiếu nại của người dân, xác định trên toàn huyện có khoảng gần 10 lò sấy có công suất lớn thường xuyên hoạt động, còn lại đa phần là các lò sấy nhỏ của người dân tự xây dựng để tự phục vụ cho gia đình. Đa phần các lò sấy đều chưa hoàn thiện các thủ tục về môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ông Huỳnh Anh Khoa - Phó phòng TN&MT huyện cho biết sẽ tham mưu lập đoàn kiểm tra tất cả các cơ sở lò sấy nông sản trên địa bàn.

Ông Huỳnh Anh Khoa - Phó phòng TN&MT huyện cho biết sẽ tham mưu lập đoàn kiểm tra tất cả các cơ sở lò sấy nông sản trên địa bàn.

Về phương án khắc phục, Phó phòng TN&MT cho biết, trong năm 2025 sẽ tham mưu cho UBND huyện lập đoàn kiểm tra tất cả các cơ sở lò sấy nông sản trên địa bàn huyện. Từ đó, sẽ hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện các thủ tục về môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng quy định. Khi cơ quan chức năng đã kiểm tra, hướng dẫn rồi mà các cơ sở lò sấy vẫn cố tình không thực hiện sẽ có các biện pháp xử lý nghiêm.

Nguyễn Luật

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kon-tum-khac-phuc-tinh-trang-lo-say-nong-san-tu-phat-gay-o-nhiem-post536962.html