Kon Tum: Nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống lở đất, lũ quét do động đất
Trước tần suất liên tục và dày đặc của các trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum), UBND huyện này đã triển khai các biện pháp phòng chống sạt trượt, lở đất, lũ quét do động đất. Đặc biệt là hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý người dân vùng tâm chấn.
Nguy cơ sạt lỡ, lũ quét do động đất
Chỉ tính riêng trong ngày 28/7 đến sáng ngày 29/7, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra dồn dập 38 trận động đất. Trong đó, đặc biệt chú ý có trận động đất mạnh 5.0 độ. Đây cũng là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay tại địa phương này.
Mặc dù không gây thiệt hại về người, tuy nhiên đã có những thiệt hại về tài sản do ảnh hưởng tác động của động đất gây ra. Cụ thể, một điểm trường và trạm Y tế xã Đăk Ring (huyện Kon Plông) bị nứt toác các vách ngăn tường xây do động đất mạnh. Ngoài ra, tại xã Đăk Nên điểm Trường Mầm non, phòng làm việc Công an xã cũng có vết rạn nứt nhỏ ở vách ngăn.
Theo ông Nguyễn Văn Huấn - Trưởng phòng Dự báo Khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên), trong những ngày qua, cơ quan chức năng đã ghi nhận hàng loạt trận động đất xuất hiện tại tỉnh Kon Tum, trong đó đặc biệt có trận động đất 5.0 độ.
So với các năm trước, tháng 7 năm nay lượng mưa tăng đột biến. Dự báo trong tháng 8 sẽ xuất hiện thêm những đợt mưa lớn, kéo dài, tìm ẩn nhiều nguy cơ thiên tai như sạt lỡ, động đất, mưa lũ…Cùng với lượng mưa lớn kèm theo những rung chấn mạnh sẽ khiến cho nguy cơ xuất hiện sạt lở, lũ ống… càng cao. Bởi lẽ, trong đất đang tích tụ một lượng nước bão hòa và nếu xuất hiện những đợt rung chấn tiếp theo thì nguy cơ sạt lở sẽ cao hơn.
Sau trận động đất mạnh 5.0 độ vừa mới xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông, các chuyên gia dự đoán động đất sẽ còn tiếp diễn với tần suất lớn. Đặc biệt, có thể sẽ xuất hiện trận động đất 5.5 độ, cấp rủi ro lên cấp 3, đây là mức nguy hiểm và kéo theo tình trạng sạt lở, lũ ống, lũ quét từ thượng nguồn về.
“Dự báo trong thời gian tới Tây Nguyên sẽ xuất hiện lượng mưa, bão với tần suất mạnh. Cộng hưởng với động đất xuất hiện dày đặc sẽ khiến cho nguy cơ về thiên tai rất nguy hiểm. Vì vậy, cơ quan chức năng ở các địa phương cần cảnh báo sớm cho người dân bởi, các trận động đất sẽ gây ảnh hưởng rộng ra nhiều tỉnh lân cận, nhất là vùng núi, địa hình dễ sạt lở”, ông Huấn cho biết thêm.
Triển khai các biện pháp phòng chống lở đất, lũ quét do động đất
Sau khi liên tiếp xảy ra hàng chục trận động đất, UBND huyện Kon Plông cũng đã nhanh chóng chỉ đạo kiểm tra các công trình thủy điện và thủy lợi trên địa bàn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, qua kiểm tra các công trình vẫn đảm bảo an toàn không bị ảnh hưởng khi động đất xảy ra.
Tuy nhiên, đối với các công trình nhà ở, các loại công trình có kết cấu cứng khi xảy ra động đất với cấp độ lớn sẽ tạo ra hiện tượng nứt vữa, nứt bê tông…nếu cường độ động đất lớn sẽ sập đỗ. Vì vậy, trong thời gian tới UBND huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong quá trình thiết kế các công trình cần tính toán thêm tác động của động đất của công trình để đảm bảo tính ổn định của công trình.
Ông Phạm Thanh Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: “Trong 2 ngày 28-29/7 trên địa bàn huyện liên tiếp hàng chục trận động đất. Tuy nhiên, động đất chỉ xuất hiện 2 trận mạnh, các trận sau là dư chấn kéo theo. Huyện đang phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu để cập nhật thông tin tình hình động đất để kịp thời có thông báo cho bà con và đơn vị quản lý hồ đập”.
“Cùng với đó, UBND huyện cũng đã triển khai các biện pháp phòng chống sạt trượt, lở đất, lũ quét do động đất xảy ra trên địa bàn. Các xã, thị trấn, các phòng ban liên quan đang theo dõi tình hình biến động và báo kịp thời về UBND huyện để chỉ đạo, kịp thời khắc phục nếu có. Cơ quan chức năng đã rà soát, đánh giá các khu dân cư, nhà ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún để có kế hoạch sửa chữa, gia cố kịp thời”.
Trước tần suất liên tục và dày đặc của các trận động đất, UBND huyện Kon Plông cũng đã chỉ đạo các đơn vị, phòng ban chuyên môn cung cấp tờ rơi, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, phòng tránh, qua đó ổn định tâm lý người dân (đặc biệt là vùng tâm chấn). Ngoài ra, huyện Kon Plông cũng chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ các công trình hạ tầng trên địa bàn, kết cấu các công trình có chịu đựng được động đất ở cấp độ nào để đưa ra phương án xử lý phù hợp…
Như Nhà báo và Công luận đã thông tin, từ hôm qua đến sáng nay (ngày 29/7), trên địa bàn huyện Kon Plông liên tiếp hứng chịu 33 trận động đất. Trong đó chỉ tính riêng ngày 28/7 ghi nhận liên tiếp 21 trận động đất xảy. Trận động đất mạnh nhất là 5.0 độ, gây ra rung lắc mạnh tại nhiều tỉnh, thành miền Trung - Tây nguyên.