Kon Tum: Phát hiện nhiều loài động vật hoang dã 'siêu' quý hiếm tại rừng Kon Plông
Chà vá chân xám, Vượn má vàng Trung Bộ, Cầy vằn, Gấu ngựa, Cu li nhỏ, Rái cá, Mèo rừng và nhiều loài động vật quý hiếm khác của Việt Nam vừa được phát hiện tại rừng Kon Plông (Kon Tum).
Loài Trĩ sao. Ảnh: TL.
Tổ chức Fauna & Flora International (FFI) vừa tiết lộ nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng được xác nhận đang cư ngụ ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Đây được xem là một trong những khu rừng có giá trị bảo tồn lớn nhất của Việt Nam.
Một số loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng được phát hiện đợt này bao gồm Chà vá chân xám, Vượn má vàng Trung Bộ, Cầy vằn, Gấu ngựa, Cu li nhỏ, Rái cá, Mèo rừng và nhiều loài động vật quý hiếm khác của Việt Nam.
Chà vá chân xám chỉ được tìm thấy ở Việt Nam và là loài được xếp hạng “Cực kỳ nguy cấp”, mức cao nhất trong Sách Đỏ IUCN. Ảnh: TL
Trong đó, chà vá chân xám chỉ được tìm thấy ở Việt Nam và là một trong số các loài được xếp hạng “Cực kỳ nguy cấp”, mức cao nhất trong Sách Đỏ IUCN. Quần thể ở Kon Plông và quần thể tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có khả năng là hai quần thể lớn nhất còn lại của loài này.
Bên cạnh đó, khảo sát này cũng ghi lại được hình ảnh của 121 loài động vật có vú và chim, trong đó có một số loài cực kỳ nguy cấp và đặc hữu.
Cu li nhỏ tại Kon Plông. Ảnh: TL.
Điển hình như quần thể Cầy vằn đã được tìm thấy một cách đáng ngạc nhiên ở nhiều nơi tại Kon Plông. Đây là loài thú ăn thịt nhỏ, xếp loại “Nguy cấp” trong Sách Đỏ IUCN và có tầm quan trọng quốc tế.
Loài này đã bị tuyệt chủng hoặc bị bẫy bắt tại nhiều nơi, ngay cả tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn của Việt Nam.
Loài Cầy vằn - xếp hạng "Cực kỳ nguy cấp" tại Kon Plông. Ảnh: TL.
Bên cạnh đó, Kon Plông cũng là nơi sinh sống của nhiều loài chim đặc hữu của Việt Nam và khu vực như Khướu Kon Ka Kinh, Khướu Ngọc Linh và một số loài thực vật đặc hữu khác.
Những kết quả này cho thấy rừng Kon Plông là một trong những khu vực có giá trị lớn nhất cho bảo tồn không chỉ ở Kon Tum mà cả Việt Nam và khu vực.
Được biết, FFI và chính quyền địa phương đang thực hiện các chương trình bảo tồn với hy vọng phần rừng còn lại của khu rừng nguyên sinh này có thể được bảo vệ, duy trì và phát triển cho thế hệ tương lai.