Kon Tum siết chặt cách ra đề kiểm tra giữa/cuối kỳ để ngăn 'nạn' làm đẹp học bạ
8 điểm của trường vùng ven với 8 điểm trường có chất lượng, con số bằng nhau nhưng độ vênh về kiến thức và năng lực học sinh sẽ khác nhau rất nhiều.
8 điểm của trường vùng ven và 8 điểm của trường chất lượng tốt là khác nhau
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đoàn Thành Nhân - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, việc kiểm tra đánh giá, đảm bảo chất lượng giáo dục tại tỉnh Kon Tum được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, thực hiện việc tăng cường phân cấp quản lý, hiệu trưởng các trường phổ thông sẽ chủ động trong việc tổ chức đánh giá, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát và quản lý đảm bảo chất lượng.
Việc thực hiện kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.
Việc quản lý về mặt nhà nước, vào đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc kiểm tra, đánh giá của các nhà trường.
“Ngoài ra, đề kiểm tra giữa kỳ hay cuối kỳ của các cơ sở đều phải đưa lên office 365 do Sở Giáo dục và Đào tạo thiết lập; Sở cũng giám sát đầy đủ các quá trình tổ chức thi, chất lượng đề thi, điểm số học sinh,... Sau các kỳ kiểm tra, Sở chỉ đạo nhà trường phải có tổ chức, phân tích đánh giá kết quả để có biện pháp quản lý dạy học, nâng cao chất lượng.
“Qua theo dõi, nếu trường nào có chất lượng đề không đảm bảo, tổ chức không bài bản khoa học thì Sở sẽ biện pháp phê bình, kiểm định trong các buổi giao ban hàng quý, hàng tuần”, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum khẳng định.
Đánh giá về hiệu quả khi tổ chức thi, đánh giá định kỳ theo toàn trường, thầy Nguyễn Hải Nam - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Lê Lợi (Kon Tum) cho biết:
Việc tổ chức thi đánh giá định kỳ chung trong toàn trường sẽ giúp hiệu quả hơn về mặt quản lý, đồng thời đảm bảo tính khách quan, công bằng cho tất cả học sinh; nếu mỗi lớp tự ra đề tự chấm thi sẽ rất khó kiểm soát về độ vênh của đề thi, như vậy sẽ không công bằng cho các em học sinh.
Đồng thời, kiểm tra chung như vậy cũng giúp nhà trường đánh giá được năng lực của các em học sinh, có cơ sở để đối sánh kết quả học tập giữa các lớp”.
Thầy Nam cũng nhấn mạnh thêm, việc kiểm tra chung cũng là cách hiệu quả để tránh tính trạng làm đẹp học bạ, vì khi để giáo viên tự dạy, tự kiểm tra thì trường sẽ khó hơn trong việc kiểm soát, điểm thi cũng không đảm bảo được tính khách quan, trung thực tuyệt đối.
Theo đó, khi đối sánh các đầu điểm định kỳ và điểm kiểm tra thường xuyên, thầy hiệu trưởng thừa nhận sẽ có độ chênh lệch nhất định: “Thường điểm kiểm tra cuối kỳ sẽ thấp hơn các đầu điểm thường xuyên, vì ở lớp giáo viên có thể kiểm tra nhiều lần và lấy điểm tốt nhất, đó là quyền của giáo viên đã được cho phép trong quy chế; còn kiểm tra cuối kì thì chỉ được làm 1 lần và không có cơ hội sửa chữa, do vậy có sự chênh lệch cũng là điều dễ hiểu”.
Đây cũng là lý do điểm học bạ khi so sánh với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông có độ vênh nhất định.
“Điểm học bạ của học sinh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó có điểm đánh giá thường xuyên do giáo viên thực hiện, còn điểm cuối kỳ và giữa kỳ do trường tổ chức. Về độ vênh, tôi nghĩ rằng đó không phải là đánh giá không đúng, chúng ta không nên nghĩ tiêu cực như vậy.
Trước hết, Bộ Giáo dục cũng đã có quy định trong kiểm tra thường xuyên, giáo viên có thể tiến hành kiểm tra nhiều lần và lựa chọn lấy điểm cao nhất cho học sinh, nên chắc chắn sẽ có độ vênh so với các đầu điểm khác”, thầy Nam cho biết.
Để việc kiểm tra và đánh giá học sinh đảm bảo tính khách quan, công bằng nhất, có ý kiến cho rằng nên tiến hành kiểm tra chung trong toàn Sở. Thầy Nam cho rằng, đây cũng là một giải pháp hay, nếu tiến hành được chắc chắn sẽ đảm bảo đánh giá điểm học sinh sẽ khách quan hơn, tuy nhiên nếu triển khai cũng gây khó khăn cho nhiều đơn vị.
Kiểm tra chung toàn trường hay kiểm tra chung toàn Sở đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Hiện nay, việc kiểm tra đánh giá không cứng nhắc như ngày trước, không phải cứ hết bài này cứ hết bài hết chương theo quy định mới kiểm tra.
Dạy học phân hóa theo đối tượng, do vậy với mỗi đối tượng học sinh cần có đề thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng phù hợp riêng.
“Ví dụ, một trường vùng ven, chất lượng không cao, đầu vào không tốt thì đề kiểm tra chắc chắn sẽ có phần nhẹ nhàng hơn trường có chất lượng tốt. Do vậy, 8 điểm của trường vùng ven với 8 điểm trường có chất lượng, con số bằng nhau nhưng độ vênh về kiến thức và năng lực học sinh sẽ khác nhau rất nhiều”, vị hiệu trưởng phân tích.
Thi chung toàn Sở Giáo dục sẽ thiệt thòi cho học sinh vùng ven, dân tộc thiểu số
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo viên của trường trung học phổ thông Duy Tân (Kon Tum) cho biết, những năm gần đây Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc khoán chất lượng cho các trường, do vậy việc kiểm tra, đánh giá cũng được giao về cho các trường chủ động thực hiện để phù hợp với từng đối tượng.
“Nếu kiểm tra chung trong toàn Sở thì sẽ khó thực hiện vì có sự khác nhau giữa các nhóm đối tượng học sinh. Nếu đề thi khó, sẽ thiệt thòi cho các em học sinh ở vùng ven, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số; tuy nhiên, nếu đề thi dễ quá lại không đánh giá được chất lượng các em học sinh ở trường có chất lượng tốt”, cô giáo nói.
Theo đó, hiện nay, các kỳ thi của trường đều thực hiện theo kế hoạch chung của Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum, mọi công tác từ ra đề, tổ chức thi, chấm thi, vào điểm,... đều được thực hiện nghiêm túc giống như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chia sẻ với phóng viên, cô giáo đến từ vùng đất Tây Nguyên tự hào cho biết, dưới sự chỉ đạo của thầy hiệu trưởng, phong trào thi đua, dạy học tại trường được thực hiện nghiêm túc với tinh thần lấy chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm, không có trường hợp ngoại lệ.
“Trường chúng tôi may mắn có thầy hiệu trưởng dù tuổi còn trẻ nhưng rất có năng lực và nhiệt huyết, luôn lấy chất lượng làm đầu. Hàng năm, số học sinh các lớp 10 và 11 phải ở lại lớp cũng không phải là một con số ít.
Thầy hiệu trưởng đã quán triệt, muốn nâng tầm chất lượng giáo dục thì phải mạnh tay trong vấn đề kiểm tra, đánh giá, đảm bảo nghiêm túc khách quan và công bằng; có như vậy học sinh mới biết lo lắng, biết sợ và có thái độ học tập nghiêm túc. Tương tự, với học sinh lớp 12, đến giờ phút này bạn nào không đủ năng lực đi thi thì trường sẵn sàng để lại,
Như vậy, để thực hiện dạy thật, học thật và thi thật trong nhà trường, không chỉ từ giáo viên mà phải đi từ những người đứng đầu, phải khơi dậy phong trào thi đua lành mạnh cho giáo viên hưởng ứng, từ đó khích lệ học sinh phấn đấu vươn lên”, cô nói.