Kon Tum tăng cường nâng cao nhận thức và kỹ năng nhận biết tiền giả
Thời gian gần đây, tình hình vận chuyển và tiêu thụ tiền giả diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Kon Tum tích cực triển khai các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nhận biết tiền giả và hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như hoạt động giao dịch của ngành ngân hàng.
Theo NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum, mặc dù số lượng tiền giả thu giữ tại địa bàn không lớn, nhưng đây là tín hiệu cảnh báo về hoạt động tội phạm tiền giả vẫn tiếp diễn. Đáng chú ý, các vụ việc bị phát hiện gần đây cho thấy phương thức, thủ đoạn của các đối tượng làm và tiêu thụ tiền giả ngày càng tinh vi.
Ông Dương Thanh Tùng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum thông tin, các đối tượng thậm chí ngang nhiên quảng cáo bán tiền giả trên mạng xã hội như: Facebook, diễn đàn trực tuyến. Nhiều đường dây làm tiền giả quy mô lớn do người Việt Nam thực hiện đã bị triệt phá tại Đắk Nông, An Giang và Cần Thơ. So với trước đây, khi tiền giả thường có mệnh giá thấp để dễ lưu hành, song hiện nay, số lượng tiền giả mệnh giá lớn (200.000 VNĐ và 500.000 VNĐ) ngày càng gia tăng.
Tiền giả không chỉ được làm từ nước ngoài với công nghệ cao mà còn áp dụng các kỹ thuật phức tạp để “qua mặt” cả máy kiểm tra thông thường. Một số loại tiền giả được xử lý hóa chất để tạo cảm giác là tiền cũ, thậm chí có khả năng phát quang dưới máy soi. Điều này đòi hỏi các cán bộ ngân hàng và lực lượng chức năng phải được trang bị máy móc hiện đại cũng như kỹ năng nghiệp vụ tốt mới có thể phát hiện.
Trước thực trạng trên, NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum chủ động phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc Học viện Ngân hàng và Cục Phát hành và Kho quỹ NHNN tổ chức khóa bồi dưỡng “Kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả”. Khóa học thu hút 104 học viên, bao gồm cán bộ NHNN, nhân viên các tổ chức tín dụng (TCTD), lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đại lý đổi ngoại tệ tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Theo ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum, khóa bồi dưỡng được xây dựng trên cơ sở các phương pháp chuẩn quốc tế như "Look - Feel - Tilt - Check" (Quan sát - Cảm nhận - Nghiêng - Kiểm tra). Phương pháp này giúp nhận diện tiền giả hiệu quả, đồng thời nâng cao trách nhiệm, ý thức tự giác của đội ngũ cán bộ làm công tác kho quỹ.
Tại khóa bồi dưỡng, các diễn giả đã nhấn mạnh sự phức tạp trong các thủ đoạn mới của tội phạm tiền giả. Ngoài việc sản xuất và tiêu thụ tiền giả trong nước, một số đối tượng còn nhập khẩu tiền giả từ nước ngoài với công nghệ in ấn hiện đại. Những loại tiền siêu giả này áp dụng kỹ thuật tiên tiến, yêu cầu phải sử dụng máy móc chuyên dụng để kiểm tra.
Khóa bồi dưỡng không chỉ trang bị kỹ năng nhận biết tiền giả mà còn góp phần nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của công tác phòng, chống loại tội phạm này trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để đối phó hiệu quả với tội phạm tiền giả, NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum tiếp tục phối với với các đơn vị chuyên môn để xây dựng các chương trình đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu hơn trong những năm tới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng nhằm giám sát và ngăn chặn các hành vi sản xuất, tiêu thụ tiền giả. Ông Tân khẳng định, việc nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các cán bộ ngân hàng, lực lượng chức năng và cả người dân là yếu tố cốt lõi giúp ngăn chặn hiệu quả các loại tiền giả lưu hành, bảo vệ sự ổn định của hệ thống tiền tệ và nền kinh tế quốc gia.
Với những nỗ lực này, Kon Tum không chỉ đảm bảo an toàn trong giao dịch tiền mặt mà còn góp phần giữ vững niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng và tài chính.