Kon Tum: Tuyên án các đối tượng trong vụ 'trộm cây gỗ trắc'

Ngày 12/8, TAND tỉnh Kon Tum đã tuyên án vụ 'Trộm cắp gỗ trắc' trong rừng đặc dụng Đăk Uy gây xôn xao dư luận cũng như tại Nghị trường Quốc hội trong thời gian vừa qua.

Trước đó, vụ án đã được TAND các cấp đã nhiều lần mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm. Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 22/2018/KN-HS ngày 26/7/2018 của TANDTC đã đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Tuy nhiên, qua phân tích tình tiết vụ án, Hội đồng giám đốc thẩm nhận thấy mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt với đối với Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Ngọc Bình và Nguyễn Văn Thụ là có phần nghiêm khắc. Vì vậy, để giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, áp dụng mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội và vai trò của từng bị cáo, cần hủy toàn bộ bản án hình sự phúc thẩm số 07/2018/HS-PT ngày 1/6/2018, chuyển hồ sơ cho TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

 Các bị cáo trước tòa

Các bị cáo trước tòa

Theo cáo trạng, vào khoảng 16h ngày 11/4/2016 Phan Tiến Dũng (SN 1977, trú tại thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) cán bộ kiểm lâm thuộc BQL rừng đặc dụng Đăk Uy gọi điện thoại rủ Lê Quốc Khánh (SN 1979, trú lại xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) uống cà phê và trao đổi việc. Sau khi trao đổi xong, Khánh hỏi Dũng “bữa nay trong lán có gì làm không anh”, Dũng nói “không có, nếu muốn làm thì vào trạm 1, trong đó có cây khô”.

Nghe vậy Khánh tiếp tục hỏi “anh có quản lý lán số 3 không?”, Dũng trả lời “Không, bữa nay anh Hải Đăk Tô tăng cường” Khánh hỏi tiếp “cho em làm cây khô ở đó được không”, Dũng nói “được. Anh Hải hay đi tập thể dục buổi sáng”. Nghe Dũng trả lời như vậy Khánh nói “có gì sáng mai em vào làm”.

Đến 18h cùng ngày, Khánh gặp Nguyễn Văn Bảy (SN 1981, trú tại xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) và rủ Bảy vào rừng cưa gỗ. Rạng sáng ngày 12/4/2016, Bảy gọi điện cho Nguyễn Ngọc Bình (tức Đấu, SN 1980) và Nguyễn Văn Thụ (SN 1977) cùng trú tại xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà cùng vào rừng lấy gỗ trắc. Khoảng 20 phút sau, bốn người tập trung tại nhà Bình mang theo một số phương tiện như cưa tay, đèn pin, xe tự chế (xe cộ), dây cao su vào rừng đặc dụng Đăk Uy.

Đến khoảng 5h, Dũng đang ở lán bảo vệ rừng đặc dụng gọi điện móc nối với Khánh và đồng bọn để xử lý cây gỗ trắc. Cụ thể, Dũng canh gác, 4 đối tượng còn lại tập trung cưa cây gỗ trắc đã chết khô, không có lá, cách lán số 3 khoảng 25m. Cưa khoảng 15 phút, thì cây đỗ gây ra tiếng động lớn, nên bị nhân viên bảo vệ rừng phát hiện, truy hô đồng thời thông báo với lãnh đạo Ban.

Lúc này, nhóm của Khánh đã cưa xong khúc gỗ trắc dài 2,07m và vác đưa ra chỗ để xe. Bị truy đuổi gắt gao, nhóm của Khánh tiếp tục dùng xe, kéo khúc gỗ trắc đã cưa cất giấu cách vị trí gốc cây bị cưa khoảng 700m.

 Khu vực Báo chí tác nghiệp tại phiên tòa

Khu vực Báo chí tác nghiệp tại phiên tòa

Ngày 12/4/2016, Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy làm báo cáo gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà đề nghị điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa gỗ trắc. Chiều cùng ngày Khánh, Bảy, Bình đến Cơ quan điều tra khai báo về hành vi của mình. Sáng ngày 13/4/2016, Thụ cũng đến Cơ quan điều tra khai báo về hành vi như trên.

Tại phiên tòa, qua phân tích tình tiết vụ án VKSND tỉnh Kon Tum không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản sơ thẩm số 38/2017/HSST của TAND huyện Đăk Hà, về hình phạt đề nghị giữ nguyên bản án đối với bị cáo Khánh và Dũng, các bị cáo Bảy, Bình, Thụ từ 8 đến 12 tháng tù cho hưởng án treo về tội “trộm cắp tài sản”.

Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo: Lê Quốc Khánh 12 tháng tù, Phan Tiến Dũng 10 tháng tù; riêng ba bị cáo Nguyễn Văn Bảy mức án 8 tháng tù, Nguyễn Văn Thụ và Nguyễn Ngọc Bình cùng mức án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “trộm cắp tài sản”.

Tây Nguyên

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-dinh/toa-tuyen-an/kon-tum-tuyen-an-cac-doi-tuong-trong-vu-trom-cay-go-trac-309090.html