Kon Tum và Gia Lai tăng cường bảo vệ rừng vùng giáp ranh
Tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vùng giáp ranh vẫn chưa được giải giải quyết triệt để. Đây là nhận định của UBND tỉnh Kon Tum và Gia Lai tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh 2 tỉnh tổ chức chiều 2/4, tại thành phố Kon Tum.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản tại vùng giáp ranh được 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai xác định còn nhiều khó khăn. Điển hình là lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng mỏng; vùng giáp ranh kéo dài, địa hình chia cắt, một số khu vực không có đường giao thông thường bị các đối tượng lén lút vào phá rừng, săn bắt động vật trái pháp luật; đa số người dân cuộc sống gắn liền với rừng, nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng tăng; việc điều tra xử lý các đối tượng chưa kịp thời, khi bị phát hiện đối tượng vi phạm di chuyển từ vùng rừng tỉnh này sang tỉnh kia một thời gian quay lại tiếp tục vi phạm…
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định, để bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và lực lượng chức năng 2 tỉnh: “Không có sự phối hợp không làm được. Một số vụ việc trên sông bên này chạy sang bên kia. Ra giữa sông là của Gia Lai rồi, rất khó xử lý. Cái chính là sự phối hợp của lực lượng kiểm lâm hai bên, lực lượng bộ đội biên phòng liên quan tới vùng quản lý biên giới, rồi là các xã giáp ranh. Quyết liệt về việc tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các lực lượng”.
Hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai có ranh giới liền kề gồm 9 huyện, thành phố tổng chiều dài trên 183 km. Vùng giáp ranh 2 tỉnh tập trung nhiều diện tích rừng tự nhiên, có trữ lượng gỗ lớn, tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu, do đó dễ bị tác động bởi các đối tượng xâm hại đến rừng. 5 năm qua, thực hiện quy chế phối hợp, lực lượng chức năng 2 tỉnh tổ chức trên 1.300 đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng; Phát hiện lập biên bản vi phạm 275 vụ việc, trong đó xử lý hành chính 242 vụ, xử lý hình sự 27 vụ với gần 16 ha rừng bị thiệt hại; Tịch thu hơn 815 m3 gỗ quy tròn các loại, 20 kg sản phẩm động vật hoang dã. Tổng số tiền thu, nộp vào ngân sách nhà nước trên 2 tỷ 500 triệu đồng.