Kon Tum vào cuộc tìm diện tích sâm Ngọc Linh của Công ty sâm Việt Nam
Sau khi TTXVN liên tiếp có nhiều tin, bài phản ánh tình trạng Công ty cổ phần đầu tư sâm Việt Nam (Công ty sâm Việt Nam) trồng sâm trên… giấy, miệng; Công ty sâm Việt Nam công bố có liên kết trồng sâm Ngọc Linh với dân, doanh nghiệp… Những ngày qua, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã vào cuộc kiểm tra, truy tìm diện tích. Đến ngày 7/1, kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty sâm Việt Nam không trồng 8 ha sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông.
Liên kết được… vài luống
Tại biên bản làm việc kiểm tra xác minh thông tin báo chí phản ánh, đoàn kiểm tra của huyện Tu Mơ Rông gồm: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Đảng ủy, chính quyền xã Ngọc Lây và công an xã Ngọc Lây xác định, ông A Ngao ở thôn Mo Za, xã Ngọc Lây có xác nhận ký hợp đồng với Công ty sâm Việt Nam, nhưng không đọc rõ nội dung được thể hiện trong hợp đồng gồm: nội dung hợp tác, số lượng cây, hạt giống sâm Ngọc Linh, vị trí và diện tích trồng.
Đối với số lượng cây, hạt, hợp tác trồng, chăm sóc, ông A Ngao xác nhận năm 2020 có bán cho công ty số lượng 500 cây sâm Ngọc Linh với tổng số tiền 200 triệu đồng. Số cây này công ty hiện gửi ông A Ngao trồng tại tiểu khu 226 xã Ngọc Lây. Năm 2021, 500 cây này cho thu hoạch số lượng gần 1.000 hạt sâm. Ông A Ngao đã gieo số hạt này tại vườn. Tiền công A Ngao được trả là 100 nghìn đồng/ngày công.
Ngoài ra, ông A Ghôi ở làng Lộc Bông, xã Ngọc Lây có bán cho Công ty sâm Việt Nam 50 cây sâm Ngọc Linh với giá 100 triệu đồng. Số cây này ông A Ghôi đang trồng tại tiểu khu 225, xã Ngọc Lây. Đây là 2 người duy nhất Công ty sâm Việt Nam có cung cấp hợp đồng liên kết trồng sâm và diện tích rất nhỏ, chỉ vài luống.
Đối với 3 ha sâm Ngọc Linh trồng liên kết với Công ty sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum, bà Nguyễn Thị Duyên, Giám đốc Công ty sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum cho biết, công ty chỉ có hợp đồng Công ty cổ phần Dược liệu Núi Ngọk (tiền thân là Công ty sâm Việt Nam).
"Tôi hợp đồng liên doanh, liên kết đầu tư trồng cây dược liệu, dự án rộng 3 ha. Từ năm 2019 đến nay họ không thực hiện. Hiện diện tích đó tôi đã thu hồi và đang trồng cây ngủ vị tử, sa nhân tím và một số cây rừng để lấy bóng mát trồng cây dược liệu dưới. Với 3 ha trên chỉ trồng được cây dược liệu, không thể trồng sâm Ngọc Linh vì không có rừng", bà Nguyễn Thị Duyên chia sẻ.
Kiểm tra qua… điện thoại
Công ty sâm Việt Nam công bố vườn sâm Ngọc Linh 10 ha trồng trên… giấy, giới thiệu hàng nghìn sản phẩm được chế tạo từ sâm Ngọc Linh trong ngày ra mắt trụ sở công ty (29/11), nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được vụ việc.
Cụ thể, dù phóng viên TTXVN đã nhiều lần liên hệ làm rõ thông tin nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác hàng nghìn sản phẩm được Công ty sâm Việt Nam công bố trong ngày ra mắt trụ sở công ty, có hình ảnh kèm theo nhưng Cục Quản lý thị trường Kon Tum vẫn chưa xác minh được vụ việc.
Ông Trần Kiều Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Kon Tum liên tục viện dẫn lý do công ty đóng cửa nên không kiểm tra được.
Ông Dương Quang Vinh, đội Quản lý thị trường số 1 cho biết đã gọi điện cho bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty sâm Việt Nam đến làm việc, nhưng bà này viện lý do để không gặp. "Tôi chỉ nắm tình hình sản phẩm chưa ra thị trường", ông Vinh nói.
Trong khi đó, đến ngày 7/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum mới có văn bản yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh (công văn số 51/SNN-KH) và báo cáo kết quả trước ngày 9/1.
Trước đó, từ ngày 22/12/2021 đến 4/1/2022, TTXVN liên tiếp có nhiều tin, bài phản ánh Công ty sâm Việt Nam trồng 10 ha sâm; trong đó, có 8 ha ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông và 2 ha ở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei đều trồng trên… giấy, miệng.
Tại các địa điểm trồng sâm, lãnh đạo chính quyền xã, huyện đều khẳng định không biết công ty, chính quyền chưa giới thiệu Công ty trồng sâm Ngọc Linh. Không những vậy, trong tháng 4/2021, Công ty sâm Việt Nam đã có đơn gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của công ty với số lượng 500.000 cây.
Theo quy trình trồng sâm, với số lượng này, công ty có diện tích đã trồng 50 ha. Số lượng củ đăng ký nhiều, hiện dư luận nghi vấn về nguồn gốc số lượng sâm củ trên có trồng ở vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh hay từ nơi khác đưa vào?
Dù không trồng sâm Ngọc Linh nhưng ngày ra mắt trụ sở, Công ty sâm Việt Nam vẫn tuyên bố tung ra hàng nghìn sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh.