Kpop vật lộn với thử thách

Các công ty giải trí Hàn Quốc đang đào tạo nhiều nhóm nhạc theo mô hình Kpop ở nước ngoài. Nước đi này được nhận định là nhiều rủi ro.

Sau thành công toàn cầu của Kpop trong những năm gần đây, các ông trùm âm nhạc đang phải vật lộn với câu hỏi làm thế nào để duy trì đà phát triển. Họ đồng ý rằng nội địa hóa (tức áp dụng phong cách Kpop vào quá trình khám phá và đào tạo tài năng cho các thị trường nước ngoài khác nhau) là chiến lược then chốt.

Chiến thuật của Kpop

Người sáng lập SM Entertainment Lee Soo Man giới thiệu khái niệm này vào năm 2016. Kế hoạch của ông bao gồm việc ra mắt nhóm nhạc không giới hạn số lượng thành viên và các nhóm nhỏ có trụ sở tại nhiều thành phố khác nhau trên khắp thế giới.

Tầm nhìn này đã khai sinh ra NCT (Neo Culture Technology), một nhóm nhạc nam đông đảo với 26 thành viên được chia thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau. Nhóm nhạc được thành lập với tham vọng phát triển ra toàn cầu và tập trung vào Nhật Bản, Trung Quốc. Thế nhưng, NCT chỉ có độ nhận diện cao ở Hàn Quốc.

 NCT có đội hình đông đảo, hướng tới nhiều thị trường khác nhau. Ảnh: SM Entertainment.

NCT có đội hình đông đảo, hướng tới nhiều thị trường khác nhau. Ảnh: SM Entertainment.

Sau bước đi chậm chạp của NCT, thành công toàn cầu đầy bất ngờ của BTS đã tạo động lực cho các nhà lãnh đạo Kpop khôi phục tham vọng của họ.

WayV, nhóm nhạc trực thuộc SM Entertainment và là nhóm nhỏ của NCT ở Trung Quốc hay &Team của HYBE tại Nhật Bản đang cố gắng duy trì hoạt động.

NiziU, nhóm nhạc nữ gồm toàn thành viên người Nhật Bản được thành lập bởi JYP Entertainment và Sony Music Entertainment Japan vào năm 2020. Họ có nhiều đĩa đơn lọt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng ở Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, trên quy mô toàn cầu, sức ảnh hưởng của NiziU vẫn khiêm tốn.

Tuy vậy, các cường quốc Kpop như JYP Entertainment, HYBE và SM Entertainment vẫn tiếp tục tin tưởng vào việc bản địa hóa Kpop. Nhưng lần này, họ hợp tác với các công ty giải trí địa phương để thử nghiệm hệ thống đào tạo và phát triển phong cách Kpop ở thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

JYP đã ra mắt nhóm nhạc nữ đa quốc gia VCHA tại Mỹ vào đầu năm nay với sự hợp tác của Republic Records, một hãng thu âm của Mỹ. VCHA có một thành viên gốc Việt là Kendall Ebeling. Công ty này còn có nhóm NEXZ gồm 6 thành viên người Nhật và một người Hàn. Họ vừa ra mắt đồng thời ở 2 thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và nhắm tới quy mô toàn cầu.

 NiziU gồm tất cả thành viên người Nhật. Ảnh: JYP Entertainment.

NiziU gồm tất cả thành viên người Nhật. Ảnh: JYP Entertainment.

Ngày 28/6, HYBE dự kiến ra mắt Katseye, nhóm nhạc nữ Kpop hoạt động trên phạm vi toàn cầu và chỉ có một thành viên người Hàn Quốc. Nhóm sẽ ra mắt tại Mỹ và do Geffen Records đồng quản lý. SM Entertainment cũng chuẩn bị ra mắt nhóm nhạc nam toàn người Anh hợp tác với nhà sản xuất Moon&Back Media vào cuối năm nay.

Xuất hiện trên chương trình You Quiz on the Block, Chủ tịch HYBE Bang Si Hyuk nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng thị trường để đảm bảo tính bền vững lâu dài của Kpop.

"Tôi nghĩ Kpop đang khủng hoảng. Chúng ta nên nghĩ về 10 năm tới chứ không chỉ ngày mai. Để Kpop bền vững, khả năng mở rộng là cần thiết. Kpop không còn bị giới hạn ở các khu vực cụ thể mà nên mở rộng ra toàn cầu bằng cách khám phá các nghệ sĩ được bản địa hóa cho từng khu vực thông qua hệ thống đào tạo và phát triển của Kpop", Bang Si Hyuk nói.

Nước đi mạo hiểm

Theo The Korea Herald, hướng đi này gây tranh luận. Khán giả đặt câu hỏi liệu một nhóm nhạc gồm toàn thành viên người nước ngoài thì có được gọi là Kpop không. Chưa kể, cơ hội thành công của những nhóm kể trên, đặc biệt là ở phương Tây, rất mong manh.

Theo nhà phê bình nhạc pop Lim Hee Yun, chính sự khác biệt của các nghệ sĩ Kpop từ ngoại hình, phong cách trình diễn trên sân khấu tới tính cách đã thu hút khán giả phương Tây.

 VCHA được đào tạo theo mô hình Kpop nhưng hoạt động tại Mỹ và hát tiếng Anh. Ảnh: JYP Entertainment.

VCHA được đào tạo theo mô hình Kpop nhưng hoạt động tại Mỹ và hát tiếng Anh. Ảnh: JYP Entertainment.

"Khi Kpop lần đầu tiên trở nên phổ biến ở Mỹ và châu Âu, mọi người ở đó còn xa lạ với các thần tượng, những người trang điểm đậm và mặc trang phục sân khấu theo phong cách phù hợp. Các thần tượng cũng rất thân thiện, nhưng khác biệt khi biểu diễn trên sân khấu. Khán giả phương Tây thấy ở thần tượng Kpop khía cạnh mới mẻ, kỳ lạ nhưng hấp dẫn. Đồng nghĩa, các nghệ sĩ phương Tây khi được đào tạo, hoạt động theo mô hình Kpop sẽ ít hấp dẫn hơn với khán giả nơi đây. Khán giả sẽ thấy những nghệ sĩ này quá quen thuộc với họ về ngoại hình, văn hóa", ông Lim Hee Yun chỉ ra.

Nhà phê bình nhạc pop khác, Lim Jin Mo cũng cho rằng thành công của Kpop là nhờ các nghệ sĩ mang quốc tịch Hàn Quốc.

"Nếu có một hoặc hai thành viên người nước ngoài trong nhóm nhạc, họ có thể nhận được sự chú ý từ người hâm mộ ở quốc gia đó. Nhưng nếu một nhóm chỉ gồm những người đồng hương, người hâm mộ có thể sẽ mất hứng thú. Tôi từng hỏi người hâm mộ ở Thái Lan liệu họ có thích một nhóm nhạc Kpop chỉ có thành viên người Thái hay không và câu trả lời của họ là ‘không’", chuyên gia cho biết.

Grace Kao, giáo sư Đại học Yale chuyên về sắc tộc, chủng tộc và di cư, đồng thời giảng dạy về Kpop, chỉ ra nhiều người hâm mộ thích Kpop vì họ đến từ Hàn Quốc.

"Tôi nghĩ các nhóm nhạc Kpop có thành viên không phải người Hàn Quốc có thể thành công, nhưng một phần sức hấp dẫn của Kpop đối với người hâm mộ Mỹ là đến từ Hàn Quốc. Nhiều người trong chúng tôi thích hương vị độc đáo của các nghệ sĩ, bài hát và vũ đạo của Kpop. Nếu các nhóm không đến từ Hàn Quốc và bài hát của họ không phải bằng tiếng Hàn, người hâm mộ sẽ khó nhận ra đó là Kpop hơn”, Kao nói với The Korea Herald.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://znews.vn/kpop-vat-lon-voi-thu-thach-post1482951.html