Krông Pa ngăn chặn nạn tảo hôn

Tại huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn tồn tại. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Để ngăn chặn tình trạng này, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

Nhiều hệ lụy

Vừa mới sinh con trai đầu lòng được hơn 1 tháng, Nay H'Burin (SN 2006, trú tại buôn Nu B, xã Ia Rsươm) đã phải tự mình làm mọi công việc trong gia đình. Tháng 4-2022, khi đang học lớp 9 nhưng lỡ có bầu nên em phải bỏ học lấy chồng. Ngồi bên cạnh vợ, bế đứa con trai đang say giấc nhưng người chồng không rời chiếc điện thoại lướt Facebook. Mọi gánh nặng gia đình giờ đây đổ lên vai bố mẹ H'Burin. Ruộng rẫy vỏn vẹn 2 sào, cả gia đình phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. H'Burin chia sẻ: “Chồng em đi làm thuê được hơn 200 ngàn đồng/ngày nhưng bữa có bữa không. Do 2 vợ chồng chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn nên khi làm giấy khai sinh cho con chỉ lấy tên mẹ”.

Cách đó không xa, trường hợp em Rô H'Nhai (SN 2006) cũng tương tự. Quen chồng lớn hơn 1 tuổi, học trên 1 lớp, cả 2 bỏ học về chung một nhà. Bà Rô H'Moar (mẹ H'Nhai) cho hay: Ngày xưa, đời sống khó khăn nên bà cũng “bắt chồng” từ năm 15 tuổi. Không có điều kiện học hành, 6 đứa con đều lấy chồng sớm, cuộc sống vất vả nên chúng chẳng giúp gì nhiều. Căn nhà bà xây cách đây hơn chục năm giờ vẫn còn nợ ngân hàng hơn 50 triệu đồng. H'Nhai là con út và chăm học nhất nhà. Tuy nhiên, đến tháng 5-2022, H'Nhai bỏ học lấy chồng. “Biết chuyện, tôi ngăn cản nhưng con rể cứ tới lui miết. Sợ nhà xa, đi lại nhiều, đêm hôm nguy hiểm rồi sợ con cái nghĩ quẩn nên tôi đành ưng thuận. Cả hai chưa đủ tuổi nên không đăng ký kết hôn được. Nhà có hơn 1 ha mì mới bán chỉ được 15 triệu đồng, trả tiền phân bón xong chẳng dư là bao, lũ trẻ không có việc làm. Thời gian tới, gia đình không biết sống sao nữa”-bà H'Moar buồn bã nói.

Em Rô H'Nhai (bìa trái, SN 2006) cùng mẹ buồn rầu khi nghĩ về tương lai khó khăn trước mắt. Ảnh: Vũ Chi

Em Rô H'Nhai (bìa trái, SN 2006) cùng mẹ buồn rầu khi nghĩ về tương lai khó khăn trước mắt. Ảnh: Vũ Chi

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Rah Lan Baih-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rsươm-cho biết: Năm 2022, trên địa bàn xã có 13 cặp tảo hôn, giảm 2 trường hợp với năm 2021 và không có tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Nhằm giảm thiểu tình trạng này, thời gian tới, cùng với việc thành lập tổ tuyên truyền, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể, UBND xã sẽ quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm răn đe, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương.

Trong khi đó, năm 2022, xã Ia Rsai có 5 cặp tảo hôn. Theo ông Đinh Đức Tư-Phó Chủ tịch UBND xã, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các cặp vợ chồng mà con cái sinh ra có nguy cơ dị tật bẩm sinh, hay ốm đau, suy dinh dưỡng. Rồi không có việc làm ổn định dẫn đến đời sống kinh tế khó khăn, vợ chồng trẻ dễ xảy ra mâu thuẫn. Chính vì vậy, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính quyền địa phương chú trọng triển khai chính sách phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, người có uy tín đưa các quy định của pháp luật về hôn nhân vào hương ước, coi đây là một tiêu chí xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho hay: Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 về “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”, năm 2022, UBND huyện đã tổ chức 11 lớp tập huấn, cấp phát 1.500 tờ rơi tuyên truyền, thành lập 5 mô hình điểm tại 5 làng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn tại xã Uar, Chư Gu, Chư Rcăm, Ia Rsai và Ia Rsươm. Nhờ vậy, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện được kéo giảm. Mặc dù không còn tình trạng kết hôn cận huyết thống, song toàn huyện vẫn còn 71 cặp tảo hôn. Việc giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xét cho cùng phụ thuộc vào chính người dân. Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh, đổi mới phương pháp tuyên truyền, lựa chọn nội dung trọng tâm, sát với nhận thức của đồng bào, tập trung vào nhóm phụ nữ, thanh-thiếu niên cũng như vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để tuyên truyền; duy trì và nhân rộng các mô hình phù hợp nhằm thay đổi hành vi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong hôn nhân; đồng thời tranh thủ nguồn lực hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12403/202301/krong-pa-ngan-chan-nan-tao-hon-5800712/