KTS Đào Ngọc Nghiêm: Hà Nội không 'ngủ quên' sáng tạo

KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, trong suốt chiều dài lịch sử, thủ đô Hà Nội đã không hề 'ngủ quên' trên những giá trị tuyền thống mà tiếp tục sáng tạo để tạo nên hình ảnh và diện mạo mới cho mình.

KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam

Hà Nội đã chính thức tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO hiện có 246 thành phố, phủ khắp tất cả châu lục. Theo ông, việc được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo có ý nghĩa đặc biệt gì với thủ đô?

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo và coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Đó là đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị để đưa các thành phố phát triển an toàn, năng động, toàn diện và bền vững, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới này là minh chứng cụ thể để nhận diện được những giá trị nổi bật của Hà Nội về mặt sáng tạo theo các mục tiêu nêu trên. Phải khẳng định đây không chỉ là niềm vinh dự và tự hào, mà còn là động lực để thủ đô chúng ta tiếp tục phát triển.

Thực tế là nhiều người vẫn ngạc nhiên và chưa hiểu rõ vì sao Hà Nội được vinh danh sáng tạo ở mặt thiết kế. Ông có thể giải thích thêm?

Hiện có bảy lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.

Việc thành phố Hà Nội lựa chọn lĩnh vực thiết kế là một quyết định rất sáng suốt bởi thủ đô của chúng ta có truyền thống về sáng tạo, xuyên suốt từ thời kỳ An Dương Vương, trải qua giai đoạn phong kiến, Pháp thuộc cho đến thời đại Hồ Chí Minh và ngày hôm nay.

Cần nhìn Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử ấy và ở thời kỳ nào thủ đô cũng thể hiện được sự sáng tạo riêng biệt. Cụ thể, kinh đô Cổ Loa cũng là một minh chứng sáng tạo nổi bật của thời An Dương Vương, rồi Hoàng thành Thăng Long vào năm 2010 đã được UNESCO được công nhận là di sản thế giới với giải pháp sáng tạo vượt bậc trong thiết kế kinh thành.

Đến thời Pháp thuộc, kiến trúc Hà Nội dù không còn sắc màu thời phong kiến nhưng cũng không phải của một nước châu Âu nào khác. Nét đặc biệt của chúng ta là có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và nét hiện đại để tạo nên một Hà Nội rất đặc thù với phong cách kiến trúc Đông Đương như công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và các biệt thự cổ... Các chuyên gia đều nhận định đây là một giải pháp kiến trúc rất phù hợp với Hà Nội, thể hiện được bản sắc của một thủ đô không hề đơn điệu.

Cầu Nhật Tân là công trình mang tầm vóc hiện đại thế giới.

Với những giá trị sáng tạo về thiết kế ngày nay, Hà Nội đã phát huy được ưu thế nổi bật gì, thưa ông?

Cần thấy rõ Hà Nội đã không hề “ngủ quên” trên những giá trị truyền thống mà tiếp tục sáng tạo và đổi mới. Nếu như năm 1954, Hà Nội chỉ có khoảng 152 km2, nhưng qua bốn lần điều chỉnh địa giới và bảy lần quy hoạch thì đến nay Thủ đô đã mở rộng 3.344 km2, gấp tới 22 lần. Chính sự mở rộng như vậy đã mang lại Hà Nội bản sắc mới, những khu đô thị mới cùng những công trình mang tầm vóc hiện đại thế giới như Cầu Nhật Tân, Bảo tàng Hà Nội, Tòa nhà Quốc hội... và nhiều công trình được công nhận kiến trúc xanh.

Bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống cùng với hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội đang trở thành “vườn ươm” cho sáng tạo trên khắp đất nước và thu hút đặc biệt với giới trẻ. Có thể nói, Hà Nội luôn nhận biết được giá trị truyền thống và giá trị hiện đại để tạo hình ảnh và diện mạo mới cho chính mình.

Từng là kiến trúc sư trưởng của Hà Nội, ông có lời khuyên cho việc quy hoạch và phát triển thủ đô hiện nay?

Phải nói rằng về mặt quy hoạch kiến trúc, chúng ta đang có những tầm nhìn rộng và xa. Thế nhưng, muốn có quy hoạch tốt, cần phải có sự sáng tạo của những người làm quản lý và thực hiện nghiêm túc mới có thể đưa ý tưởng thành thực tiễn. Với đội ngũ sáng tạo trẻ rất cần nhận diện được giá trị truyền thống và sự hấp dẫn của thời kỳ hội nhập để kết hợp hài hòa, tạo nên những tác phẩm mới chứ không đơn thuần là sao chép hoặc chỉ học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.

Danh hiệu đã được công nhận, nhưng Hà Nội phải làm gì để có thể phát huy giá trị sáng tạo ấy?

Theo tôi, niềm tự hào cần được chuyển hóa thành động lực, thước đo để Hà Nội tiếp tục phát triển. Ngay lúc này, chúng ta cần các chương trình hành động cụ thể như xây dựng thêm các trung tâm, không gian sáng tạo, có thêm các quỹ để tôn vinh và thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Mặt khác, việc lan tỏa các giá trị sáng tạo của Hà Nội ra cả nước và thế giới hiện vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, cần phải có những chính sách mới, đặc biệt các chiến dịch truyền thông hấp dẫn hơn để quảng bá về hình ảnh mới của Hà Nội – thủ đô của sự sáng tạo.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kts-dao-ngoc-nghiem-ha-noi-khong-ngu-quen-sang-tao-104489.html