Kurash - 'Mỏ vàng' của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31

Các vận động viên Kurash là những người đã khởi đầu 'cơn mưa vàng' cho đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ SEA Games 31. Mặc dù đem về những vinh quang cho đất nước, song đối với nhiều người, đây vẫn là một môn thể thao mới mẻ.

Kurash đem về những tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: Fox Sports Asia

Kurash đem về những tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: Fox Sports Asia

Hành trình từ “quốc võ” của Uzbekistan vươn ra thế giới

Kurash là môn vật truyền thống của người Uzbekistan. Khác với các môn võ hiện đại ra đời sau này, Kurash có một lịch sử lâu đời và được cho là đã xuất hiện từ cách đây 3.500 năm tại khu vực là quốc gia Uzbekistan ngày nay. Từ 2.500 năm trước, nhà triết gia, sử học Herodotus đã đề cập tới môn võ Kurash khi nhắc tới đất nước Uzbekistan trong tác phẩm có tên “History” của mình.

Thế kỷ IX bắt đầu đánh dấu giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Kurash khi môn võ này được tập luyện rộng rãi, biểu diễn hoặc thi đấu trong các lễ hội truyền thống. 5 thế kỷ sau, dưới thời Hoàng đế Tarmelame (1336-1405) của đế quốc Timur (vùng lãnh thổ rộng lớn gồm Trung Á và Iran ngày nay), Kurash được dùng để huấn luyện cho quân lính.

Đến thời hiện đại, Kurash tổ chức giải đấu chính thức đầu tiên vào năm 1928. Tuy nhiên, phải đến những năm 1990, võ sư lừng danh người Uzbekistan Komil Yusupov mới luật hóa cho Kurash, kết hợp những yếu tố truyền thống, lịch sử của môn võ cổ truyền này với những giới luật quy ước để biến nó thành một môn thể thao hiện đại. Những quy định chặt chẽ về võ phục, luật thi đấu, thời gian thi đấu... được đưa ra để giúp cho Kurash có sự lan tỏa mạnh mẽ hơn trên phạm vi toàn thế giới.

Liên đoàn Kurash thế giới AIK được thành lập tại Thủ đô Tashkent, Uzbekistan, năm 1998. Ngay sau đó, Giải quốc tế Kurash lần đầu tiên được tổ chức ở Tashkent với các võ sĩ đến từ 30 quốc gia. Tháng 5-1999, Tashkent cũng là nơi đăng cai tổ chức Giải vô địch thế giới Kurash lần thứ nhất, quy tụ võ sĩ từ 50 quốc gia. Hiện nay, Giải vô địch thế giới Kurash vẫn được tổ chức 2 năm một lần.

Về luật và kỹ thuật thi đấu, Kurash có nhiều đặc điểm giống với môn Judo. Các võ sĩ Kurash có 3 cách ghi điểm, tên gọi là các đòn Halal, Yonbosh và Chala. Theo đó, một võ sĩ thực hiện thành công đòn Halal (vật qua lưng với tốc độ và lực được trọng tài chấp nhận) sẽ lập tức giành chiến thắng. Nếu chưa được công nhận, kỹ thuật này sẽ được chấm là đòn Yonbosh. Hai đòn Yonbosh thành công sẽ được tính thành một đòn Halal. Cuối cùng là đòn Chala, luật không quy định một võ sĩ cần bao nhiêu đòn Chala để giành thắng cuộc.

Khi lên đài, các võ sĩ mặc võ phục là quần áo màu xanh dương và xanh lá, đi chân trần. Trận đấu bắt đầu bằng việc hai đấu thủ chào nhau theo một động tác được gọi là Tazim. Về thời lượng thi đấu, các võ sĩ nam sẽ thượng đài trong vòng 4 phút, các võ sĩ nữ thi trong vòng 3 phút. Hai võ sĩ chỉ tranh tài trong 1 hiệp duy nhất.

Sự đón nhận của Việt Nam

Đầu tháng 7-2006, Ủy ban Olympic của Uzbekistan trong buổi làm việc với Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam đã đề nghị được gặp ông Nguyễn Hữu An, khi đó là Trưởng bộ môn Judo của Tổng cục và đề xuất mong muốn phát triển Kurash ở Việt Nam. Sau khi nghiên cứu về điều luật và kỹ thuật của môn võ này, ông An đã đồng ý “tích hợp” Kurash vào các môn thi đấu của võ thuật Việt Nam.

Một trong những thuận lợi để Việt Nam tiếp nhận Kurash là môn võ này có nhiều nét tương đồng với bộ môn Judo, vốn là một “mũi nhọn” của thể thao Việt Nam tại đấu trường khu vực và quốc tế. Vì lẽ đó, sau khi Tổng cục Thể dục thể thao đồng ý cho phát triển Kurash thì từ năm 2007, rất nhiều vận động viên Judo Việt Nam đã chuyển sang tập Kurash và không gặp nhiều khó khăn để thích nghi với môn võ mới. Năm 2009, chỉ sau một thời gian ngắn tập Kurash, võ sĩ Văn Ngọc Tú đã giành Huy chương Vàng tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2009 và bảo vệ thành công danh hiệu này năm 2013.

Kể từ khi môn võ mới được đưa vào phát triển, các võ sĩ Kurash của Việt Nam đã giành được nhiều thành tích đáng nể. Năm 2013, tại giải vô địch thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ, võ sĩ Đào Lê Thu Trang giành Huy chương Vàng hạng dưới 48kg. Năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Giải vô địch các câu lạc bộ Kurash toàn quốc, dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của môn thể thao này. Cũng trong năm 2019, tại SEA Games 30 được tổ chức ở Philippines, Kurash cũng có mặt lần đầu với tổng cộng 10 bộ huy chương được trao. Đoàn thể thao Việt Nam xuất sắc xếp đầu toàn đoàn khi giành được tới 7 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.

Môn Kurash tại SEA Games 31 có tổng cộng 10 bộ huy chương được trao, thi đấu từ ngày 10 đến ngày 13-5. Các võ sĩ tranh tài ở 5 hạng cân dành cho nam (60kg, 66kg, 73kg, 81kg, 90kg) và 5 hạng cân dành cho nữ (48kg, 52kg, 57kg, 70kg, 87kg). Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, Kurash đã giành 4 tấm Huy chương Vàng cho thể thao Việt Nam. Đến ngày thi đấu thứ 2 (11-5), Kurash lại có thêm 2 tấm Huy chương Vàng nữa. Trong ngày thi đấu cuối cùng (13-5), Kurash có thêm một tấm Huy chương Vàng và khép lại SEA Games 31 với tổng cộng 7 tấm Huy chương Vàng, vượt chỉ tiêu đề ra trước đại hội (5 Huy chương Vàng).

Hoàng Hải

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kurash-mo-vang-cua-the-thao-viet-nam-tai-sea-games-31-post450829.html