Kỳ 1: 60 phút gặp Bí thư Tỉnh ủy
Với vai trò là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, đồng chí Lê Minh Hoan – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (người dân quen gọi là ông Sáu Sen) đã dành cho chúng tôi 60 phút trò chuyện. Câu chuyện của đồng chí nói về vai trò, định hướng của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Các Nghị quyết của Đảng bộ, bộ máy Nhà nước được cải cách, đổi mới hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với chủ trương đột phá, đổi mới, sáng tạo
>> Kỳ 2: Dám làm, dám chịu trách nhiệm
>> Kỳ 3: Đảng, Nhà nước dân chủ trong tổ chức, Nhân dân phát huy quyền làm chủ
Phóng viên (P.V): Thưa đồng chí, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện những chủ trương đột phá, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo mang lại hiệu quả tích cực. Với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí có thể cho biết cấp ủy Đảng, chính quyền, đã kiến tạo những điều đó như thế nào?
Đồng chí Lê Minh Hoan (đ/c.L.M.H.): Tôi xin nói về sự kiến tạo: Trước giờ nếu nói về lãnh đạo thì là lãnh đạo cấp trên, cấp dưới, Đảng lãnh đạo Nhân dân, muốn lãnh đạo phải có sự thấu hiểu, lắng nghe, tương tác chứ không phải là mệnh lệnh 1 chiều, huấn thị 1 chiều. Bác Hồ đã từng nói Đảng của dân, do dân, vì dân, từ Nhân dân mà ra, hòa mình vào Nhân dân, cùng lắng nghe tâm tư nguyện vọng, thấu hiểu thì chúng ta mới thuyết phục được người dân.
Chúng ta phải luôn nghĩ lãnh đạo là một quá trình học, gặp người dân để học họ, bản thân tôi nhận thấy nhiều người dân rất hay. Trong hệ thống Đảng, chúng ta nên nhớ, có thể chúng ta ngồi đây, chúng ta hội đủ những điều kiện hơn những người khác vì lý do nào đó người ta thiếu điều kiện này, điều kiện kia nhưng năng lực người ta giỏi, người ta rất tâm huyết. Chúng ta hiểu như vậy, chúng ta hiệu triệu, tập hợp họ, chúng ta cần có cộng sự, người dân là người kiến tạo cho sự phát triển cho địa phương chứ không phải chỉ là người lãnh đạo. Chúng ta hiểu vậy thì phương thức lãnh đạo của chúng ta sẽ khác đi. Đảng lãnh đạo bằng Nghị quyết, tạo ra sự phát triển. Lãnh đạo là người kết nối ý tưởng từng giai tầng của xã hội, biến điều này thành tư duy chung, cùng vì sự phát triển của xã hội, của địa phương.
P.V.: Dù Đồng Tháp là nơi “khuất nẻo”, nhưng với những giải pháp đột phá, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã góp phần thay đổi tư duy của cán bộ, lãnh đạo, chung tay xây dựng chính quyền thân thiện, thu hút doanh nghiệp, cải thiện đời sống người dân. Đồng chí có thể nói về động lực trong hành trình thay đổi đó?
Đ/c L.M.H.: Có thể nói động lực trong hành trình thay đổi đó chính là sự thấu hiểu, chia sẻ, sự kết nối. Người dân được đặt ở trung tâm của sự phát triển, tất cả các nghị quyết, chương trình hành động của Đảng đều đặt người dân ở vai trò trung tâm trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta đi học người dân, kết nối tâm huyết, hoài bão, ý tưởng người dân và cụ thể hóa điều này trở thành 1 sức mạnh. Chúng ta gần dân, có xúc cảm, đồng hành, gần gũi, thông qua bàn trà, bàn nước, chúng ta lắng nghe, chia sẻ, truyền cho họ lòng tin trong cuộc sống, để người dân bước ra không gian cộng đồng. Người có kinh nghiệm truyền lại cho người chưa có kinh nghiệm, người có vốn chia sẻ cho người không vốn, chúng ta chia sẻ với nhau để bớt đi sự đố kị, so đo. Lãnh đạo phải đứng trong cuộc suy nghĩ bằng suy nghĩ người dân. Đảng bộ có hơn 59.000 đảng viên, người dân có sức mạnh của 1,6 triệu dân. Lãnh đạo cần phải hiểu, tại sao cũng trên 1 mảnh đất này, mà người giàu, người nghèo, tất cả do niềm tin, khát vọng, ý chí, kiên trì, nhẫn nại. Chúng tôi học người dân, học những bài học trong cuộc sống, làm phong phú thêm kiến thức. Lãnh đạo gặp dân nghĩa là đi học, cả 1 đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta có ý thức chúng ta học từ dân chứ không phải chúng ta nghĩ chúng ta làm lãnh đạo thì chúng ta ra vẻ…
P.V: Thưa đồng chí, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng chính quyền, đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo giữ vai trò rất quan trọng. Đồng chí nghĩ như thế nào về việc học đối với cán bộ, càng làm chức vụ cao thì có cần phải học càng nhiều hay không?
Đ/c L.M.H.: Thế giới phát triển biến đổi từng giờ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã biến những điều không thể thành có thể. Vì vậy, chúng ta đừng cố hữu những cái hôm qua, khái niệm, phạm trù, chúng ta không lặp đi lặp lại những cái bất biến. Cách đây nhiều năm Bác Hồ nói: Ai không học thì lùi. Giờ đây có cái mới chưa kịp định hình, thì đã có cái mới hơn. Chúng ta đưa sự thay đổi vào quỹ đạo đúng với sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên có ý thức việc học, việc học không phải từ bằng cấp, quy hoạch chức vụ này kia, mà là học cho chính chúng ta, chúng ta làm giàu kiến thức cho chính mình. Các hoạt động kết nối, nghe chuyên gia nói chuyện, từng địa phương, ngành bản thân lãnh đạo phải tiếp cận với những tri thức vô giá của nhân loại.
Đ/c L.M.H.: Đối với tỉnh Đồng Tháp, hiện nay chúng tôi tự tin về việc học của cán bộ lãnh đạo, đội ngũ công, viên chức có những sự thay đổi. Chúng tôi đoàn kết xây dựng chính quyền thân thiện, thu hút nguồn lợi đem về cho người dân Đồng Tháp. Ví dụ ở Đồng Tháp 1 cán bộ, công, viên chức không suy nghĩ đơn thuần là 1 ông cán bộ địa chính chỉ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho dân mà họ đang giúp cho nhà đầu tư có giấy CNQSDĐ. Nhà máy sớm hình thành, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Tự thân cán bộ, công, viên chức cảm thấy bản thân không phải là một công, viên chức quèn, mà hiểu rằng mình đang góp phần cho sự phát triển của địa phương. Ngay cả anh bảo vệ cũng là người tiếp cận đầu tiên cho người dân, tạo hình ảnh tốt đẹp đối với người dân về cơ quan. Chúng ta tự hào về giá trị bản thân, mỗi người đóng góp cho quê hương, xứ sở, điều này giúp chúng ta vượt qua những chuyện vặt vãnh đời thường. Đồng Tháp là một địa phương mới phát triển, đằng sau tấm huy chương chúng ta phải ngồi lại, luôn suy nghĩ về những vấn đề. Tôi luôn nghĩ tất cả đều có vấn đề, chúng ta có dám nhìn vấn đề hay không, ngay cả trong từ “ổn” cũng tự chứa vấn đề. Vì đặt trong sự phát triển thì từ ổn nghĩa là không ổn. Lãnh đạo cần phải hoạch định, kích thích sự sáng tạo, nếu chúng ta xem nó không hoàn hảo thì chúng ta mới để tâm tới sự sáng tạo, nếu mọi thứ đã tốt rồi thì chúng ta thường không để tâm đến nó, đã hoàn hảo rồi thì chúng ta thường bỏ qua sự sáng tạo. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho địa phương ngày càng phát triển.
Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/ky-1-60-phut-gap-bi-thu-tinh-uy-87324.aspx