Kỳ 1: Cần thiết để xóa bỏ hình thức thuế khoán

Tháng 6/2025, việc xóa bỏ hình thức thuế khoán, thay thế bằng hình thức kê khai doanh thu thực tế đối với cá nhân, hộ kinh doanh được xem là một trong những cải cách quan trọng nhất trong lĩnh vực thuế những năm gần đây.

Chính sách thuế mới – minh bạch để phát triển

Cửa hàng tạp hóa của anh Nguyễn Quang Trung đã trang bị máy tính tiền kết hợp phần mềm quản lý thu chi, máy in hóa đơn... Ảnh: Duy Linh

Cửa hàng tạp hóa của anh Nguyễn Quang Trung đã trang bị máy tính tiền kết hợp phần mềm quản lý thu chi, máy in hóa đơn... Ảnh: Duy Linh

LTS: Hộ kinh doanh cá thể là bộ phận kinh tế năng động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế do phương thức quản lý còn lỏng lẻo. Trước đây, nhiều hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán doanh thu ước tính, thiếu minh bạch và dễ dẫn đến việc khai man doanh thu thực tế. Chuyên trang Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế & Đô thị có loạt bài phản ánh.

Bước đi tất yếu để giải quyết những bất cập

Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/5/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quản lý thuế đối với hộ cá thể, chuyển từ cơ chế thu thuế khoán sang kê khai theo doanh thu thực, góp phần nâng cao tính minh bạch và công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

Hộ kinh doanh cá thể là bộ phận kinh tế năng động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế do phương thức quản lý còn lỏng lẻo. Trước đây, nhiều hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán doanh thu ước tính, thiếu minh bạch và dễ dẫn đến việc khai man doanh thu thực tế.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP yêu cầu triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc từ 2022, trước tiên áp dụng cho DN. Tiếp đó, Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ (Nghị định 70) được ban hành nhằm mở rộng đối tượng bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử sang khu vực hộ, cá nhân kinh doanh lớn.

Cụ thể, từ ngày 1/6/2025, hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên và thuộc các lĩnh vực bán lẻ, ăn uống, dịch vụ phải xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền kết nối thời gian thực với cơ quan thuế. Việc này đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quản lý thuế đối với hộ cá thể, chuyển từ cơ chế thu thuế khoán sang kê khai theo doanh thu thực.

Lộ trình này là bước khởi đầu, tiến tới mục tiêu chấm dứt hoàn toàn hình thức thuế khoán cho toàn bộ hộ kinh doanh vào năm 2026. Điều này phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, yêu cầu hoàn tất cải cách thuế đối với hộ kinh doanh cá thể trong thời hạn sớm nhất.

Theo Tổng cục Thuế, từ ngày 1/6/2025 sẽ có khoảng 270.000 hộ kinh doanh trên cả nước thuộc diện phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Việc tích hợp hộ kinh doanh vào hệ thống hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu, phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia và thông lệ quốc tế. Trên thế giới, có đến 55 quốc gia đã áp dụng hoặc đang xem xét áp dụng chế độ hóa đơn điện tử bắt buộc nhằm tăng cường minh bạch thuế. Tại Việt Nam, Nghị định 70 được đánh giá là bước tiến mạnh mẽ về pháp lý, hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài: Nhà nước tăng thu ngân sách, hộ kinh doanh được bảo vệ quyền lợi và thuận tiện tiếp cận tín dụng do có sổ sách rõ ràng.

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc bãi bỏ thuế khoán là chủ trương đúng đắn, là bước đi căn cơ để minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, đồng thời, tạo sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa hộ kinh doanh và DN. Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình DN, mở rộng khu vực kinh tế chính thức.

Minh bạch hóa các giao dịch

Một trong những nguyên nhân khiến việc cải cách thuế hộ kinh doanh trở thành vấn đề cấp thiết là thực trạng nhiều hộ có doanh thu rất lớn nhưng vẫn áp dụng hình thức thuế khoán.

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2024, Việt Nam có 3,6 triệu hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số hộ kinh doanh ổn định là 2,2 triệu hộ. Trong đó, số hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm trở lên, thuộc diện phải nộp thuế là 1,3 triệu hộ, chiếm 59%.

Số thu từ hộ, cá nhân kinh doanh vào ngân sách Nhà nước năm 2024 là 25.953 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Số hộ nộp thuế khoán là 2,15 triệu hộ (trong đó có 1,22 triệu hộ với mức trung bình 686.000 đồng/tháng/hộ). Số hộ nộp thuế theo phương pháp kê khai là 84.499 hộ với số thuế phải nộp trung bình 3,29 triệu đồng/tháng/hộ.

Đáng chú ý, trong năm 2024, có 860 hộ kinh doanh đạt doanh thu từ 30 tỷ đồng trở lên, bao gồm 121 hộ nộp thuế khoán và 739 hộ kê khai. Đặc biệt, có 5 hộ kinh doanh ghi nhận doanh thu kê khai trên 200 tỷ đồng/năm, hoạt động trong các lĩnh vực bán lẻ thủy sản, thực phẩm, dược phẩm, dụng cụ y tế, giáo dục và nông sản.

Ngành thuế cũng xác định có 653 hộ đang nộp thuế khoán có doanh thu đủ điều kiện chuyển sang phương pháp kê khai, bao gồm 221 hộ trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp, xây dựng có doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm và 430 hộ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm.

Thực tế này cho thấy, việc duy trì thuế khoán quá lâu không chỉ gây thất thu cho ngân sách mà còn khiến môi trường kinh doanh thiếu công bằng. Các DN nhỏ đang phải nộp thuế, đóng bảo hiểm đầy đủ, trong khi hộ kinh doanh lớn chỉ nộp một khoản thuế khoán tượng trưng. Điều này gây tâm lý so bì và làm nản lòng các DN chính thức. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc kéo dài thuế khoán sẽ khiến hộ kinh doanh không muốn lớn lên, bởi “lớn lên là phải đóng thuế đúng, phải minh bạch sổ sách”.

Từ góc độ quản lý, khi hộ kinh doanh kê khai thuế theo doanh thu thực tế, Nhà nước sẽ có số liệu rõ ràng để hoạch định chính sách. Việc hộ kinh doanh tự khai, tự nộp còn giúp giảm thiểu tình trạng tiêu cực ở khâu xác định mức khoán - vốn từng là “điểm nóng” gây bức xúc giữa người nộp thuế với cán bộ thuế ở nhiều nơi.

Việc bắt buộc hóa đơn điện tử cũng là một bước đi mang tính cách mạng. Với việc sử dụng hóa đơn điện tử, các giao dịch sẽ được minh bạch hóa. Trước đây, nhiều hộ kinh doanh chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt để tránh bị cơ quan thuế phát hiện doanh thu thực tế. Dữ liệu hóa đơn sẽ tự động truyền về cơ quan thuế, giúp tăng hiệu quả quản lý và phòng chống gian lận.

(Còn nữa)

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-can-thiet-de-xoa-bo-hinh-thuc-thue-khoan-425651.html