Kỳ 1: Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc là hành động tự vệ chính đáng của Nhân dân Việt Nam

ĐTO - Việt Nam - Campuchia, hai quốc gia láng giềng hữu nghị, thân thiện, Nhân dân sớm có quan hệ đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng vượt qua nhiều thăng trầm trong lịch sử. Mối quan hệ này là tài sản vô giá của hai dân tộc.

Đoàn công tác của Quân tình nguyện Việt Nam đến thăm, cứu trợ đồng bào Campuchia ngay sau khi đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng (Nguồn: Quân đội nhân dân Online)

Đoàn công tác của Quân tình nguyện Việt Nam đến thăm, cứu trợ đồng bào Campuchia ngay sau khi đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng (Nguồn: Quân đội nhân dân Online)

BỐI CẢNH TÌNH HÌNH

Trong kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam sẵn sàng đưa quân tình nguyện sang giúp nước bạn. Thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Campuchia ngày 17/4/1975 là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa ba nước Đông Dương.

Thế nhưng, ngay sau khi lên cầm quyền tháng 4/1975, tập đoàn Pôn Pốt-Yêng Sary lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội Nhân dân Campuchia; chúng lập cái gọi là “Nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người vô tội, phá hủy hàng trăm ngàn trường học, bệnh viện, chùa chiền... Đối với Việt Nam, chúng xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc; từ năm 1975 - 1977, chúng điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới, gây ra những tội ác đẫm máu đối với Nhân dân ta, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

DIỄN BIẾN CUỘC CHIẾN TRANH

Đêm 30/4/1977, lợi dụng quân và dân ta kỷ niệm 2 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt mở cuộc tiến công xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới thuộc tỉnh An Giang; chúng tàn phá xóm làng, trường học, cơ sở sản xuất, những nơi đông dân cư, tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam.

Trước hành động xâm lược trắng trợn đó, các lực lượng của ta đã anh dũng chiến đấu, buộc chúng rút về bên kia biên giới. Ngày 23/5/1977, thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương: “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Campuchia vào lãnh thổ ta; đồng thời tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia”, các đơn vị quân chủ lực, hậu cần chuẩn bị mọi lực lượng sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 25/9/1977, quân Pôn Pốt tập trung 9 sư đoàn cùng lực lượng địa phương tiến công xâm lược lần thứ 2 tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, gây nhiều tội ác với Nhân dân Việt Nam. Trước diễn biến mới của cuộc chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu quyết định đánh lui các cuộc tiến công của địch, giành lại những khu vực bị lấn chiếm, sau đó lui về củng cố lực lượng.

Ngày 15/11/1977, quân Pôn Pốt tiếp tục mở cuộc xâm lược thứ 3 đánh chiếm thị xã Tây Ninh. Từ ngày 5/12/1977 - 5/1/1978, ta mở đợt phản công trên các hướng, làm thiệt hại 5 sư đoàn và làm thất bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch.

Với âm mưu, thủ đoạn “vừa ăn cướp, vừa la làng”, ngày 31/12/1977, tập đoàn Pôn Pốt ra tuyên bố vu khống Quân đội Việt Nam “tiến công xâm lược Campuchia dân chủ” nhằm cô lập ta trên trường quốc tế. Ngay trong ngày 31/12/1977, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố: Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; luôn luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, làm hết sức mình để bảo vệ tình đoàn kết chiến đấu và hữu nghị Việt Nam - Campuchia; vạch trần âm mưu, thủ đoạn, những tội ác man rợ của tập đoàn Pôn Pốt đối với đồng bào ta ở các tỉnh biên giới Tây Nam.

Tuy bị thiệt hại nặng nề, nhưng được hỗ trợ về vũ khí, trang bị và cố vấn quân sự từ bên ngoài, tháng 1/1978, Pôn Pốt đưa thêm 2 sư đoàn tiếp tục lấn chiếm, bắn phá, gây nhiều tội ác với đồng bào ta. Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu; ra lệnh cho các đơn vị trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nâng cao cảnh giác, phòng ngự tích cực để hỗ trợ Đảng, Nhà nước ta thực hiện đấu tranh chính trị và ngoại giao. Ngày 5/2/1978, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố 3 điểm: Hai bên chấm dứt mọi hoạt động quân sự, rút lực lượng vũ trang cách biên giới 5km; Hội đàm tiến tới ký hiệp ước hữu nghị và không xâm lược, ký hiệp ước về biên giới; Thỏa thuận về một hình thức thích hợp bảo đảm thông lệ quốc tế và giảm sát quốc tế.

Phớt lờ thiện chí của ta, Pôn Pốt tiếp tục đưa quân áp sát biên giới, tiến công xâm nhập nhiều điểm trên đất nước ta. Từ ngày 26/3/1978, các đơn vị quân đội ta chuyển sang tiến công, đẩy quân Pôn Pốt lùi xa biên giới, dồn đối phương vào thế bị động. Đồng thời hỗ trợ lực lượng cách mạng Campuchia phát triển, đỉnh cao là cuộc nổi dậy ngày 26/5/1978 ở Quân khu Đông, làm suy yếu lực lượng quân Pôn Pốt. Ngày 15/6/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phát động chiến tranh nhân dân, kiên quyết phản công địch, đã tiêu diệt và làm tan rã bộ phận quan trọng sinh lực địch.

Sau cuộc nổi dậy của lực lượng cách mạng Campuchia, quân Pôn Pốt vừa ráo riết thanh trừng nội bộ, vừa đối phó lực lượng cách mạng Campuchia. Để hỗ trợ lực lượng cách mạng Campuchia phát triển và tạo thế hoạt động của ta vào mùa khô năm 1979, từ ngày 14/6 - 30/9/1978, ta mở đợt tiến công lớn trên các hướng giáp biên giới nhằm tiêu diệt và làm suy yếu lực lượng địch. Bị bất ngờ về thời gian, quy mô và phương thức, quân Pôn Pốt rơi vào thế bị động. Cuộc tiến công của ta đã hỗ trợ kịp thời lực lượng cách mạng Campuchia; đồng thời, ta đã đẩy lùi hầu hết quân Pôn Pốt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Từ tháng 5 đến tháng 11/1978, Việt Nam giúp lực lượng cách mạng Campuchia phát triển tổ chức và bộ máy lãnh đạo. Ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra mắt Nhân dân Campuchia và công bố cương lĩnh cách mạng với 11 điểm, trong đó nêu rõ quyết tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn ác, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân; khẳng định tăng cường tình đoàn kết với Nhân dân Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới; kêu gọi Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân Campuchia.

Ngày 6 và 7/12/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm tổng phản công; đồng thời hỗ trợ cách mạng Campuchia giành chính quyền về tay Nhân dân. Phát hiện sự chuẩn bị của ta, ngày 23/12/1978, Pôn Pốt huy động 10/19 sư đoàn tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Trước hành động xâm lược của địch và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23/12/1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công trên toàn tuyến biên giới. Ngày 26/12/1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của địch bị phá vỡ. Đến ngày 31/12/1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôn Pốt, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Ngày 5 - 6/1/1979, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia truy kích, tiến sát Thủ đô Phnôm Pênh. Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng.

Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc là hành động tự vệ chính đáng và cần thiết của Nhân dân Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn Pôn Pốt - Yêng Sary gây ra. Đồng thời khẳng định ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của Nhân dân Việt Nam là nguồn sức mạnh to lớn, đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ Nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, cứu dân tộc thoát khỏi họa diệt vong. Đó là hành động phù hợp pháp lý và đạo lý, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, sẵn sàng hy sinh cả xương máu vì mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước.

Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt góp phần giữ vững hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới; đấu tranh, vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài.

Chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng Nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt để lại nhiều bài học quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là: Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kè thù. Quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, nhất là ở những nơi địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo. Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao. Nhạy bén nắm bắt tình hình thế giới, khu vực, tăng cường hợp tác, đối ngoại với các nước, nhất là các nước láng giềng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định: “Nếu không có ngày 7/1/1979, Nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”.

Phú Trọng

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/ky-1-chien-thang-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-tay-nam-to-quoc-la-hanh-dong-tu-ve-chinh-dang-cua-nha-119434.aspx