Kỳ 1: Chuyên gia động vật hoang dã dùng rắn độc gây án

Trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, kết quả GDP/người, tỉ lệ đô thị hóa, yếu tố kinh tế - xã hội và lực lượng lao động có tác động không nhỏ đến tỉ lệ tội phạm khiến Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng an ninh trật tự ngày càng phức tạp. Trong đó, các thẩm phán nước này từng cảnh báo về thủ đoạn và xu hướng phạm tội mới đáng lo ngại trong nước: rắn độc ngày càng được sử dụng làm công cụ giết người nhiều hơn hoặc kiểu 'giết người vì danh dự', chôn sống vợ do mâu thuẫn...

Rắn được xem là loài vật linh thiêng ở Ấn Độ, nhưng một số loài mang nọc độc đã trở thành công cụ để đối tượng dùng gây án nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.

Thả rắn giết vợ để chiếm đoạt của hồi môn

Vụ án gây xôn xao dư luận bang miền Nam Ấn Độ Kerala được tòa án địa phương này đưa ra xét xử hôm 11/10/2021 đã kết án một chuyên gia về động vật hoang dã tội giết vợ bằng rắn hổ mang gây xôn xao dư luận.

Hồ sơ vụ án cho thấy, vào tháng 5/2020 Sooraj Kumar (SN 1993, chuyên gia về động vật hoang dã) đã bỏ đói con rắn trên suốt một tuần để nó trở nên hung dữ hơn, trước khi chuốc thuốc an thần cho người vợ là Uthra (SN 1995) để cô này thiếp đi, rồi thả con rắn vào nhằm tránh bị kết tội mưu sát.

Đây không phải lần đầu tiên Sooraj gây án bằng rắn độc. Trong lần ra tay trước đó 2 tháng, người chồng nhẫn tâm này đã sử dụng con rắn lục Russell, nhưng Uthra đã may mắn thoát chết nhờ được cứu chữa kịp thời.

Uthra trước khi bị chồng (bên trái ảnh) thả rắn sát hại

Uthra trước khi bị chồng (bên trái ảnh) thả rắn sát hại

Vì những trường hợp tử vong do rắn cắn xảy ra khá phổ biến ở Ấn Độ, nhất là các bang Kerala, Rajasthan, nên cảnh sát ban đầu không nghi ngờ đây là vụ án mạng, cho đến khi cha mẹ Uthra nghi ngờ, trình báo cảnh sát việc con họ liên tục bị chồng dọa nạt để đòi thêm của hồi môn. Ban đầu, chuyên gia về động vật hoang dã đã chối bay chối biến hành vi phạm tội của mình, nhưng tại tòa, các chuyên gia môi trường phân tích vết rắn cắn tự nhiên hoặc do tai nạn thường dài khoảng 1,8cm; trong khi vết rắn cắn trên người nạn nhân dài 2,8cm, điều này cho thấy Sooraj đã kích động con rắn khiến nó trở nên hung dữ hơn mức bình thường. Ngày 11/10/2021, Tòa án quận Kollam, bang Kerala tuyên bố Sooraj Kumar phạm tội giết người và đầu độc vợ, với tình tiết tăng nặng trước đó là âm mưu sử dụng rắn lục để hãm hại Uthra, tuyên hai án chung thân đối với bị cáo này.

Trước đó, năm 2019 nạn nhân Subodh Devi ở bang Rajasthan cũng bị sát hại bằng 1 con rắn. Sau khi phát hiện con dâu là Alpana ngoại tình khi chồng cô là sĩ quan quân đội nhận nhiệm vụ ở tuyến đầu, bà Devi đã yêu cầu cô chấm dứt ngay hành vi đáng xấu hổ trên. Nhưng chẳng những không biết hối lỗi, Alpana và nhân tình đã cùng 1 người bạn của cả hai mua con rắn với giá 10.000 rupee thả vào giường để cắn chết mẹ chồng. Vụ mưu sát chỉ bị vạch trần khi cảnh sát phát hiện Alpana và người tình gọi tới 124 cuộc điện thoại cho nhau vào ngày bà Devi qua đời.

Lo ngại xu hướng dùng rắn độc giết người

Theo nghiên cứu mới nhất được công bố trên Tạp chí eLife, do các chuyên gia hàng đầu Ấn Độ và quốc tế thực hiện, khoảng 1,2 triệu người đã chết do rắn cắn ở Ấn Độ trong vòng 20 năm qua. Trung bình 1 người dân Ấn có nguy cơ bị rắn cắn khoảng 0,004%; nhưng ở một số khu vực nguy hiểm, tỉ lệ này là 0,01%. Một nửa số ca tử vong xảy ra trong đợt gió mùa, từ giữa tháng 6 đến tháng 9 - thời gian rắn xuất hiện nhiều. Trong số 216 loài rắn xuất hiện ở Ấn Độ có đến 52 loại độc, đặc biệt là 4 loài: rắn hổ mang Ấn Độ, rắn cạp nia Ấn Độ, rắn lục Russell và rắn lục vảy cưa (rắn lục hoa cân). Đối với người Ấn Độ, rắn là loài vật linh thiêng, chính vì thế giết rắn có chủ đích hay tình cờ đều bị xem là có tội. Ở miền Nam nước này nếu rắn bị giết, phải tiến hành nghi lễ mai táng với vải lụa trang trí đúng nghi thức, đặt vào một thân cây và hỏa thiêu sau đó.

Nhiều người Ấn Độ tin rằng loài bò sát này nắm được bí ẩn của những cây cỏ có khả năng chữa bệnh, nhưng chúng chỉ "bật mí” cho một số người được chọn, chính là các "thầy phù thủy".

Mỗi "thầy" đều có bí quyết của riêng mình để thu phục những con rắn nguy hiểm, nhưng chỉ truyền lại cho con trai. Người Ấn Độ không coi điều khiển rắn là một nghề mà là "phong cách sống".

Mới đây, trung tuần tháng 8 vừa qua tại TP.Alappuzha, bang Kerala (Ấn Độ) sôi động bầu không khí lễ hội với cuộc đua thuyền rắn nổi tiếng Nehru Trophy lần thứ 66. Năm nay có tổng cộng 72 thuyền tham dự, gồm 19 thuyền rắn. Đây là phương tiện đi lại truyền thống ở địa phương, được gọi "thuyền rắn" do chiều dài cũng như hình dáng đuôi thuyền dựng lên khỏi mặt nước trông rất giống đuôi rắn.

(Còn tiếp...)

NGUYỄN XUÂN (theo India TV, The Times of India)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-1-chuyen-gia-dong-vat-hoang-da-dung-ran-doc-gay-an_152401.html