Kỳ 1: Cuba - những gương mặt
Tôi từng đến Cuba năm 2017 nên có những người quen ở đó. Lần này, đến Cuba trong Đoàn đại biểu cấp cao T.Ư Đoàn, tôi gặp lại họ. Và gặp những người mới.
Bác Yoel Diaz Gutieres - người thiết kế công trình tượng đài Bác ở La Habana
Bác Yoel Diaz Gutieres - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam, kiến trúc sư, người thiết kế công trình tượng Bác Hồ ở La Habana.
Rời Cuba, tôi cứ nghĩ những người như bác Yoel Diaz Gutieres, chị Magaly Del Rio Aguilera, bà Isabel chính những hạt ngọc kết tinh từ tình yêu Việt Nam khác thường của nhân dân Cuba. Họ là những người dù đang chạy ở chặng đường cuối của cuộc đời mình nhưng vẫn gắng sức chìa lên phía trước cây gậy tiếp sức mà tuổi trẻ hai nước phải đón lấy.
Năm 2017, Đoàn đại biểu cấp cao thanh niên Việt Nam thăm Cuba đã đến dâng hoa tại tượng Bác ở công viên Hòa Bình thuộc quận Reparto Nuevo Vedado trung tâm La Habana nên tôi đã được gặp bác Yoel Diaz Gutieres ở đó. Từ câu chuyện của bác, tôi đã viết thành kỳ 2 “Bên tượng đài Bác ở La Habana” trong phóng sự 3 kỳ “Chuyện chép ở Cuba” đăng trên báo Tiền Phong.
Lần này, tôi lại đến tượng đài Bác ở La Habana để dự một sự kiện rất quan trọng là Lễ đổi tên công viên Hòa Bình - nơi có tượng Bác, thành Công viên Hồ Chí Minh.
Buổi lễ quan trọng, lại có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Cuba Ana Maria Mari Machado và nhiều lãnh đạo cao cấp khác của hai nước nên rất đông người, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra cái dáng cao, gầy, tóc bạc của bác Yoel.
Sau buổi lễ, hầu hết mọi người đều nhanh chóng rời công viên từ nay mang tên Hồ Chí Minh để đi dự các sự kiện khác theo một chuỗi chương trình được thiết kế chặt về mặt thời gian, riêng tôi ở lại cùng vài du học sinh Việt Nam để hỏi chuyện những người Cuba có mặt ở đó.
Dĩ nhiên là bác Yoel không về ngay. Bác cùng vợ vẫn thẩn tha bên tượng đài đầy kỷ niệm. So với 5 năm trước, bác không già đi mấy, chẳng biết có phải do đã ở cái tuổi ít già thêm (5 năm trước, bác đã hơn 80 tuổi).
Tôi giới thiệu cho các sinh viên ta biết bác là ai rồi đề nghị bác kể cho họ nghe câu chuyện tôi đã nghe 5 năm trước. Đó là những chi tiết mà các bạn trẻ dù đã học ở La Habana vài năm, đã đến tượng Bác nhiều lần cũng còn chưa biết.
Năm 2002, Việt Nam dựng tượng người Anh hùng dân tộc Cuba José Marti ở Hà Nội. Trung ương Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam bàn bạc và quyết định đề xuất lên lãnh đạo hai nước dựng tượng đài Bác Hồ ở La Habana. Đề xuất đó nhanh chóng được lãnh đạo hai nước thông qua. Riêng phần tượng bán thân Bác bằng đồng thì do các nghệ nhân Việt Nam đúc, và trong chuyến thăm chính thức Cuba tháng 10/2002, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao bức tượng này cho phía Cuba.
Bác Yoel Diaz là một kiến trúc sư giàu kinh nghiệm lại là Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nan nên được phân công thiết kế công trình tượng đài Bác. Và bác đã dày công suy nghĩ để công trình tượng đài có đa tầng ý nghĩa.
Chị Magaly Del Rio Aguilera - người chăm sóc tượng đài Bác
Trong số những người Cuba còn ở lại tượng đài sau buổi lễ, tôi chú ý một phụ nữ rõ ràng đã có tuổi nhưng giữ được dáng người thon thả và toát vẻ tinh nhanh. Bắt chuyện thì té ra chị là Magaly Del Rio Aguilera - thành viên tích cực của Hội hữu nghị Cuba - Việt Nam quận sở tại, trưởng nhóm tình nguyện viên chăm sóc tượng đài Bác.
Chị Magaly nguyên là chuyên viên quan hệ quốc tế một trường đại học đã nghỉ hưu, vì yêu Việt Nam nên tình nguyện tham gia các hoạt động hữu nghị.
Nhóm chăm sóc tượng đài Bác của chị có 10 người, trong đó có 3 người trẻ tuổi để có sự chuyển tiếp thế hệ. Công việc của nhóm là dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực, chăm sóc tượng, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho lớp trẻ.
Chị Magaly bày tỏ một nguyện vọng là có ai đó dạy cho một nhóm thiếu nhi của quận bài Quốc ca Việt Nam. “Để khi có khách quý từ Việt Nam sang thì các cháu sẽ hát khi chào cờ” - chị Magaly nói.
Sẵn có sinh viên Nguyễn Duy Quang là Phó bí thư Ban cán sự Đoàn ta tại Cuba đang phiên dịch cho tôi, hai người đã trao đổi số điện thoại để Quang giúp chị Magaly thực hiện ý nguyện ấy.
Cảm động trước tình cảm của chị Magaly và nhóm tình nguyện viên Cuba đối với Bác Hồ và Việt Nam, tôi đã tặng nhóm số tiền tương đương 5 triệu đồng nhưng bằng ngoại tệ mạnh có giá trị khá lớn ở Cuba để bổ sung vào kinh phí hoạt động.
Bà Isabel - người yêu sinh viên Việt Nam như con
Sinh viên Việt Nam đang học tập tại Cuba có hơn 60 người. Các bạn được bố trí ở ký túc xá nhưng hầu hết ra ngoài thuê nhà ở để được gần trường hơn và có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.
Phạm Nguyễn Minh Vũ, sinh viên năm thứ 3 Đại học Tổng hợp La Habana, người dẫn và phiên dịch cho nhóm chúng tôi trong mấy ngày ở thủ đô Cuba cũng ra ngoài thuê. Tôi kinh ngạc khi biết Vũ cùng một bạn nữa thuê 1 tầng nhà có 2 phòng ngủ, có bếp trong phòng lót đặt được bàn ăn, có nhà vệ sinh riêng mà giá mỗi tháng chỉ tương đương 100 đô la Mỹ (khoảng 2,3 triệu đồng Việt Nam). Mà trong giá thuê đã có tiền điện nước và bà chủ còn tự nguyện giúp giặt quần áo và tuần dọn lau phòng cho một lần không lấy thêm công.
Tôi tò mò hỏi nếu Vũ dẫn tôi về nhà thì có gì bất tiện không, bà chủ có ý kiến không thì Vũ nói thoải mái, bà ấy rất tốt tính.
Căn hộ bà chủ trọ của Vũ ở tầng 2 và 3 của một khu nhà tập thể đã khá cũ xây theo lối nhà chung tường, mỗi căn có cầu thang riêng rất hẹp. Bà Isabel là một phụ nữ trên 60 tuổi người nhỏ nhắn, gương mặt rất đôn hậu, tươi cười chào đón tôi. Đường lên phòng Vũ phải đi qua phòng khách của bà Isabel. Khi tôi nhầm tầng bước vào phòng ngủ của bà để xem thì bà vẫn không có vẻ gì khó chịu, luôn miệng nhắc lại không sao, không sao.
Chỗ trọ của Vũ và bạn thật lý tưởng cho sinh viên. Hai phòng ở ước lượng rộng khoảng 10 mét vuông mỗi cái, đầy đủ bếp công trình phụ, và như người ta thường nói, điện đóm nước nôi đầy đủ. Kinh ngạc là trong phòng Vũ, tôi thấy có gắn một cái điều hòa nhỏ, lại gần thì đọc được nhãn hiệu Liên Xô, ngoài bếp có một tủ lạnh LG cũ. Tủ lạnh thì đương nhiên chạy còn cái điều hòa Vũ nói nếu muốn thì có thể bật thoải mái nhưng cậu không bao giờ bật vì bà Isabel không chịu nhận thêm tiền. “Bọn em nài bà ấy nhận thêm tiền khi thấy bà ấy giặt giũ, lau dọn phòng giúp nhưng bà ấy không chịu, nói bấy nhiêu là đủ rồi” - Vũ nói.
Khi quay xuống để về, thấy bà Isabel với vẻ mặt hiền hậu, tươi cười đứng đó, tôi đột nhiên thèm trò chuyện với bà. Tôi kéo bà ngồi xuống ghế nói: “Em muốn nói chuyện với chị”.
Chồng bà Isabel mất đã khá lâu. Bà có hai người con. Một người con trai đang ở cùng nhà với bà, làn nghề bán kem. Vợ chồng một người con khác đang sang làm việc ở Uruguay. Biết tôi sắp qua Uruguay, bà nhắc: Nhớ mang áo ấm nhé, bên đó trời sang đông, lạnh rồi”.
Tôi hỏi hai cháu sinh viên Việt Nam ở với bà thế nào, chăm ngoan không, bà nói “rất ngoan” với nét mặt mãn nguyện của một bà mẹ. Tôi để ý thấy lúc mới về, Vũ nói điều gì đó với bà rồi hai người hôn má nhau thân thương như hai mẹ con.
Rời Cuba, tôi cứ nghĩ những người như bác Yoel Diaz Gutieres, chị Magaly Del Rio Aguilera, bà Isabel chính những hạt ngọc kết tinh từ tình yêu Việt Nam khác thường của nhân dân Cuba. Họ là những người dù đang chạy ở chặng đường cuối của cuộc đời mình nhưng vẫn gắng sức chìa lên phía trước cây gậy tiếp sức mà tuổi trẻ hai nước phải đón lấy.
(Còn nữa - xem tiếp các kỳ sau)
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ky-1-cuba-nhung-guong-mat-post1529980.tpo