Kỳ 1: Đường dây buôn lậu 'hàng đặc biệt' quy mô lớn, tổ chức chặt chẽ
Sau khi trùm buôn lậu đường cát Vi Ngươn Thạnh (tức Tỉ đường) bị bắt thì Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường, SN 1969, ngụ xã Đa Phước, H.An Phú, An Giang) trở thành 'trùm' điều hành đường dây buôn lậu vàng, USD, đường cát,… với số lượng 'khủng'.
"Cánh tay nối dài" buôn lậu vàng, USD cho hàng loạt tiệm vàng
Năm 1999, Nguyễn Thị Kim Hạnh bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang bắt về tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; bị tạm giam 3 tháng nhưng sau đó được tha về. Từ năm 2003, Mười Tường đã nổi lên là một tay mua bán hàng qua biên giới lớn nhất tại xã Đa Phước, huyện An Phú.
Lúc đó, Mười Tường có trong tay một đội quân cửu vạn khoảng 100 người chuyên vận chuyển hàng lậu, chủ yếu là ĐTDĐ. Đến năm 2005, Mười Tường bị Công an TPHCM bắt khẩn cấp khi đang lưu trú tại một khách sạn. Trước khi “bủa lưới” bà trùm này tại TPHCM, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp 7 đối tượng trong đường dây buôn lậu khoảng 30.000 ĐTDĐ. Đến tháng 1-2007, Mười Tường bị TAND Tối cao tại TPHCM xử phạt 3 năm tù về tội buôn lậu.
Vài năm gần đây, Mười Tường bất ngờ giàu lên, có rất nhiều nhà mặt tiền, khách sạn, bất động sản ở TP.Châu Đốc và huyện An Phú. Từ đó người này đi làm từ thiện, phát quà cho các gia đình khó khăn. Tuy nhiên theo cơ quan chức năng đó là hoạt động hòng che giấu hành vi phạm pháp và thao túng hoạt động buôn lậu.
Với việc quy tụ được nhiều “đàn em” và có kế hoạch hoạt động tinh vi, móc nối với nhiều cán bộ nên đường dây buôn lậu của “bà trùm” Mười Tường đã được các chủ tiệm vàng ở nhiều tỉnh, thành tin tưởng thuê vận chuyển USD, vàng lậu từ Việt Nam qua Campuchia và ngược lại.
Quá trình điều tra xác định, Trần Thị Thảo Trang (tiệm vàng Thảo Kim Thành), Dương Công Cường, Nguyễn Thị Tuyết Vân (tiệm vàng Vân An), Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa (tiệm vàng Kim Ngọc Mai), Trương Văn Liêm (tiệm vàng Trương Liêm), Trương Thái Nguyên (tiệm vàng Trương Hưng) có thỏa thuận chuyển tiền USD từ Việt Nam sang Campuchia và mua vàng của Tuốt, Hía, Pha Na, thuê Mười Tường thực hiện việc vận chuyển tiền USD, vàng giao cho Vân, Nghĩa, Cường, Nguyên để giao lại cho Trang. Ký hiệu trên mỗi gói tiền USD, vàng cụ thể: Trương Hưng (Vh), Vân An (số 9), Trương Liêm (Vl), Kim Ngọc Mai (số 2), Trịnh Công Cường (Kk).
Huy động đội quân canh đường hùng hậu để "hàng" đi thông suốt
Để vận chuyển tiền USD, vàng qua lại biên giới Việt Nam – Campuchia, Hạnh phân công Mai Ngọc Phấn, Phạm Tấn Lộc, trực tiếp liên hệ với Nguyên, Cường, Vân, Nghĩa nhận tiền USD, giao vàng và nhận tiền công vận chuyển. Cụ thể là khoảng 6 giờ 30 ngày 30-10-2020, Nguyễn Hoàng Út điều khiển tắc ráng chạy từ bến sông cạnh hầm nuôi cá của Nguyễn Thị Kim Hạnh (chị ruột Út) đến khu vực cột mốc 263/2 (thường gọi cột mốc 50, biên giới Việt Nam - Campuchia) để canh đường cho việc vận chuyển USD từ Việt Nam sang Campuchia và vận chuyển vàng từ Campuchia về Việt Nam cho Hạnh.
Lúc này, canh đường cùng với Út có Phan Văn Bồ điều khiển tắc ráng như của Út chạy dọc tuyến sông Châu Đốc – An Phú và Vô Minh Tâm canh đường trên đường bộ khu vực chốt liên ngành cầu Chắc Ry (thuộc khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, TP.Châu Đốc); Huỳnh Công Minh điều khiển tắc ráng giả dạng người giăng câu, giăng lưới bắt cá, canh đường ở khu vực cánh đồng ngập nước phía sau phường đội Vĩnh Ngươn; Nguyễn Văn Sĩ điều khiển xe máy canh đường khu vực cầu Cồn Tiên; Võ Văn Kha điều khiển xe máy canh đường trên đường bộ (đoạn từ phường đội Vĩnh Ngươn chạy theo đường Tuy Biên đến giáp ranh xã Vĩnh Hội Đông); Trần Hoàng Yên canh đường tại khu vực hầm cá Tỷ Na (thuộc ấp Phước Quản, xã Đa Phước).
Nếu phát hiện lực lượng chức năng đi tuần tra thì Bồ, Tâm, Minh, Sĩ, Kha, Yên có trách nhiệm kịp thời thông báo cho Út hoặc Phạm Tấn Lộc biết để tránh, sao cho việc vận chuyển USD, vàng không bị chặn bắt.
Cùng thời gian trên, Lê Thị Tú Trinh (nhân viên tiệm vàng Vân An) điện thoại kêu đến nhận USD thì Lộc diện thoại kêu Võ Văn Trung xuống bến sông gần nhà Hạnh (thuộc ấp Phước Thọ, xã Đa Phước) lấy xuống gỗ có gắn động cơ, sau đó Trung điều khiển chở Trần Văn Hải đến bến lên cá khu vực chợ cá Châu Đốc; còn Lộc điều khiển xe máy đến chợ cá Châu Đốc, đến nơi điện thoại gặp Nguyễn Thị Tuyết Vân (chủ tiệm vàng Vân An) kêu mang USD ra chợ cá Châu Đốc để Lộc nhận. Vân kêu nhân viên mang 3 bọc nilon màu đen bên trong chứa USD đến điểm hẹn giao cho Lộc. Sau đó, Lộc xách 1 bọc nilon, Hải xách 2 bọc nilon mang xuống xuồng gỗ để Hải và Trung mang về nhà Hạnh.
Tiếp đến, Lộc tiếp tục đến nhà của Nguyễn Thị Điệp (chủ tiệm vàng Kim Ngọc Mai, địa chỉ: số 123, đường Trưng Nữ Vương nối dài, khóm Châu Thới 2, phường Châu Phú B, TP.Châu Đốc), chạy xe máy ra cửa sau nhà gặp Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa (con ruột Điệp) nhận 1 bọc nilon màu đen bên trong chứa 2 gói USD (mỗi gói khoảng 200.000 USD) mang về nhà Hạnh. Sau đó, Lộc cùng Lê Thị Bạch Vân kiểm đếm số lượng, chia nhỏ ra rồi cùng Hải, Trung và Nguyễn Hữu Phước, mỗi người điều khiển xe máy mang các bọc USD đến phủ thờ Nguyễn Mai của gia đình Hạnh (ấp Phước Quản, xã Đa Phước).
Đối với tiệm vàng Trương Hưng, khoảng 2 giờ ngày 30-10-2020, Trang giao cho Nguyễn Hồng Cam và Trương Văn Báo, mỗi người giữ 1.600.000 USD (32 gói, mỗi gói 100.000 USD, tổng số 3.200.000 USD). Sau đó, Cam đi xe taxi, còn Báo cùng Đoàn Minh Phước và Trần Thanh Liêm đi xe ô tô Honda CRV màu trắng, BS: 51H-158.67 của Trang mang USD xuống Châu Đốc giao cho Trương Thái Nguyên.
Sau khi nhận được USD từ Báo và Cam mang đến, Nguyên kiểm đếm số gói USD, bỏ vào 1 giỏ xách nhựa màu xanh, rồi kêu nhân viên tên Trang Thái Tây Đông điều khiển xe máy BS: 67E1-104.88 mang đến phủ thờ Nguyễn Mai. Trước khi vận chuyển tất cả số USD này sang Campuchia, Lộc nhắn tin số lượng đã kiểm đếm được cho Mai Thị Ngọc Phấn và Hạnh biết để theo dõi, quản lý số lượng USD, vàng vận chuyển.
Phi vụ... cuối cùng
7 giờ 30 phút ngày 30-10-2020, Lộc điện thoại kêu Nguyễn Văn Minh điều khiển tắc ráng từ bến sông cạnh kho Hạnh Phát (ấp Phước Thọ, xã Đa Phước) đến bến sông gần phủ thờ Nguyễn Mai của gia đình Hạnh.
Sau đó, Lộc cùng Trần Văn Hải, Lê Thị Bạch Vân và Võ Văn Trung chuyển 4 bọc nilon màu đen, 1 giỏ xách nhựa màu xanh bên trong chứa USD xuống để vào khoang tắc ráng. Sau đó, Minh điều khiển tắc ráng chở Lộc qua kênh Chắc Ry (hướng lên xã Vĩnh Hội Đông), theo kênh Ông Tổng chạy sang Campuchia giao cho ông Tuốt, bà Hía và bà Pha Na (người Campuchia).
Sau khi giao tiền xong, Minh điều khiển xuồng chở Lộc quay trở về Việt Nam. Khi đến khu vực cột mốc biên giới 263/2 thì gặp Út đang đậu tắc ráng canh đường. Lộc bước sang xuồng của Út, còn Minh điều khiển vỏ theo hướng cầu Chắc Ry ra sông Châu Đốc đến khu vực sông gần cửa hàng vật liệu xây dựng Phương Nga (ấp Phước Quản, xã Đa Phước) gặp Hải điều khiến chở Phước đậu chờ, trong khoang mũi vỏ giấu 3 bọc USD do Trung, Phước mang từ phủ thờ của gia đình Hạnh xuống.
Khoảng 9 giờ cùng ngày, Minh đổi xuồng với Hải và điều khiển chở Phước mang theo USD vào khu vực cột mốc biên giới 263/2 gặp Lộc và Út. Lúc này, Út điều khiển tắc ráng cặp sát vào xuồng của Minh, để Lộc bước sang. Sau đó, Minh chở Lộc, Phước sang Campuchia để giao USD, Út ở lại khu vực cột mốc biên giới 263/2 tiếp tục canh đường.
Khoảng 11 giờ cùng ngày, Lộc ở lại Campuchia để nhận vàng, còn Minh điều khiển tắc ráng với tốc độ cao chở Phước quay trở về Việt Nam, qua chốt liên ngành đóng gần khu vực cầu Chắc Ry, nhằm thăm dò tình hình để thông báo cho Út biết chuẩn bị cho việc vận chuyển vàng về Việt Nam.
Khi đi ngang chốt liên ngành, Minh và Phước bị lực lượng chức năng chặn lại. Lúc này, Võ Minh Tâm điện thoại thông báo cho Út biết thì Út nói: “Chặn thì chặn đi, nó chạy xuồng không mà”. Sau khi lực lượng liên ngành kiểm tra không có hàng hóa thì cho Minh và Phước đi. Sau đó, Minh điều khiển chở Phước đến bến sông gần phủ thờ cho Phước lên bờ, rồi về bến sông kho Hạnh Phát đậu.
Khoảng 12 giờ cùng ngày, Lộc điện thoại kêu Minh điều khiển vỏ tác ráng từ bến sông kho Hạnh Phát đến phủ thờ rước Hải, Phước, Trung đến hầm cá của Hạnh lấy 1 xe Dream, BS: 67G1-049.42 và 1 xe Airblade BS: 67U1-3439 chạy lên đường Tuy Biên (đối diện hầm cá của Hạnh) để chờ nhận vàng.
Đến khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày, Út điều khiển vỏ tắc ráng đến gặp Lộc. Lộc đưa sang xuồng của Út 2 bao nilon màu trắng và 1 bọc ni lon màu đen đựng vàng tại khu vực cột mốc 263/2, rồi Lộc quay lại Campuchia. Sau đó, Út chạy đến cặp vào bờ sát đường Tuy Biên (đố diện hầm cá Hạnh cho Võ thuê) thì Hải, Minh, Phước, Trung xuống xách các bao vàng mang đặt lên xe máy để chở đi. Cùng lúc này, lực lượng Công an phát hiện vây bắt được Hải cùng 3 bao nilon đựng vàng (tổng trọng lượng gần 51kg), còn Minh bỏ chạy về kho Hạnh Phát. Riêng Phước, Trung nhảy lên vỏ tắc ráng do Mạnh điều khiển bỏ chạy sang Campuchia.
Sau đó, Minh, Tâm, Bồ đến Công an TP.Châu Đốc đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Ngày 6-7-2021, Cơ quan CSĐT bắt được bị can Hạnh, còn các bị can Vân, Phước, Lộc, Trung, Lê, Phấn cũng ra công an đầu thú.
Ngoài bị khởi tố về tội buôn lậu 51kg vàng, Mười Tường còn bị khởi tố 5 tội danh khác, gồm: buôn lậu đường cát năm 2018, vận chuyển trái phép 470.000USD qua biên giới năm 2019, vận chuyển trái phép 200.000USD qua biên giới năm 2020, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài năm 2020, rửa tiền năm 2021. Đối với vụ án vận chuyển trái phép 470.000USD qua biên giới, Mười Tường vừa bị TAND tỉnh An Giang tuyên phạt 8 năm tù.
(Còn tiếp...)