Kỳ 1: Hiện trạng các công trình vệ sinh công cộng cũ xuống cấp
Với tốc độ đô thị hóa, dân cư đông, số lượng nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội dù đã được đầu tư, cải tạo mới nhưng vẫn tồn tại không ít bất cập.
“Gỡ” bài toán thiếu nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội

Nhà vệ sinh công cộng số 5 phố Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có nhiều hạng mục xuống cấp, bồn rửa tay bị hỏng. Ảnh: Mộc Miên
LTS: Hà Nội từng được trao giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” và top 100 điểm đến TP hấp dẫn nhất thế giới năm 2024, tuy nhiên theo kết quả khảo sát xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 TP du lịch trên thế giới (Nikkei Asia), hai TP lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đứng top cuối bảng xếp hạng về chỉ số điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng cho du lịch quốc tế. Trước thực trạng một số nhà vệ sinh xuống cấp, gây mất thiện cảm cho mỗi du khách, Hà Nội đã có nhiều giải pháp nâng cấp, cải tạo, xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng… Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội có loạt bài ghi nhận.
Ám ảnh cảnh nhếch nhác, lạc hậu
Nằm ở vị trí ngã tư đường Nguyễn Thái Học và Lê Duẩn, công trình nhà vệ sinh công cộng (số 5 Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đáp ứng một phần nhu cầu cần thiết của người dân và khách quốc tế. Ghi nhận lúc 14h ngày 4/4/2025, số lượt khách du lịch và người dân sử dụng dịch vụ nhà vệ sinh công cộng khá lớn. Theo chia sẻ của nhân viên vệ sinh môi trường tại đây, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt khách đến, công trình đã được xây dựng cách đây khoảng 50 năm nên khó tránh khỏi sự xuống cấp, lạc hậu.
Tại công trình vệ sinh cũ vẫn còn sử dụng bồn cầu vệ sinh ngồi xổm, các hạng mục bồn rửa tay bị hỏng đã lâu chưa được thay mới gây khó khăn cho người dân và du khách khi sử dụng. Một nhân viên vệ sinh môi trường tại đây cho biết, dù trải qua nhiều lần duy tu, sửa chữa nhưng hiện trạng công trình nhà vệ sinh công cộng tại địa chỉ số 5 Lê Duẩn do được xây dựng lâu nên khó tránh khỏi xuống cấp.
Chung hình ảnh nhếch nhác, công trình nhà vệ sinh công cộng tại địa chỉ ngõ 62 Trần Quý Cáp (quận Đống Đa, Hà Nội) với diện tích hơn 40m2, chia thành 2 khu nam, nữ cũng lộ rõ sự xuống cấp. Các cửa gỗ hư hỏng nặng, một số hạng mục không được sử dụng được trở thành nơi chứa đồ, rác thải nhựa. Mặc dù nhân viên vệ sinh môi trường trực tiếp “gác cổng” tại khu nhà vệ sinh công cộng, thường xuyên dọn dẹp, cọ rửa sạch sẽ song do hiện trạng công trình xuống cấp ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và du khách.
Bà Trần Thị Xuân (quê Nghệ An) đã có 25 năm làm dọn dẹp vệ sinh tại công trình nhà vệ sinh công cộng ở địa chỉ ngõ 62 Trần Quý Cáp bày tỏ mong muốn công trình sớm được cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của mỗi người dân. Do ở khu vực ngõ chợ, phía sau Ga Hà Nội nên lượng người dân qua lại đông đúc, trước đại dịch Covid-19 khu vực này tập trung rất nhiều du khách Trung Quốc lưu trú và sử dụng dịch vụ nhà vệ sinh. Hiện nay, công trình nhà vệ sinh chủ yếu phục vụ cho các lao động buôn bán gần khu vực.
Một tài xế xe ôm công nghệ chia sẻ, anh thường sử dụng nhà vệ sinh công cộng, tuy nhiên nhiều nhà vệ sinh dù được lắp đặt mới nhưng quá trình sử dụng bị thiếu nhiều thiết bị như bồn rửa tay, vòi xịt, khu vực vệ sinh thiếu kín đáo.

Cửa gỗ xập xệ tại nhà vệ sinh công cộng ngõ 62 Trần Quý Cáp (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Mộc Miên
Băn khoăn “cửa đóng then cài”
Ghi nhận thực tế tại trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Yên Phụ, quận Ba Đình, Hà Nội) có 2 nhà vệ sinh công cộng nhưng một chiếc đã bỏ hoang từ lâu, không có người dọn dẹp. Mặc dù có nhà vệ sinh ngay sát bên cạnh, nhưng nhiều người vẫn phóng uế bừa bãi.
Một bảo vệ trông coi dịch vụ giữ xe tại khu vực này cho biết, nhiều người dân thắc mắc công trình vệ sinh không hoạt động, thường xuyên “cửa đóng then cài”. Nếu không sử dụng thì có thể di dời vị trí khác để trả lại cảnh quan đô thị. Hơn nữa, cần đặt biển báo cấm gần khu vực công trình vệ sinh không hoạt động nhằm tránh tình trạng người dân tùy tiện phóng uế bừa bãi. Cách đó chừng 50m, nhà vệ sinh công cộng có thu phí được một nhân viên môi trường tại đây dọn dẹp, trông coi.
Theo tìm hiểu, mức phí phụ thu khoảng 3.000 đồng/lượt. Do nằm ngay sát khu vực chờ xe buýt tại trạm trung chuyển xe buýt Long Biên nên số lượt người sử dụng dịch vụ lớn. Điều đáng bàn ngay sát khu vực nhà vệ sinh bày bán quán nước vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị. Với hình thức phục vụ nhà vệ sinh miễn phí 24/24h nhưng qua khảo sát một số nhà vệ sinh công cộng trên phố Yên Phụ (quận Ba Đình, Hà Nội), nhiều khung giờ từ 11h -14h, một số nhà vệ sinh khóa chặt cửa, người dân và du khách không ít lần ái ngại khi không thể sử dụng dịch vụ. Anh Nguyễn Văn Hiếu - lái xe ôm công nghệ cho biết, anh phải chạy xe từ khu Phúc Xá về địa điểm nhà vệ sinh công cộng trên phố Trần Quang Khải để giải quyết nhu cầu.
Từng được quảng cáo là nhà vệ sinh thông minh với thiết bị hiện đại công nghệ theo tiêu chuẩn nhà vệ sinh ASEAN và được ứng dụng công nghệ tự động hóa (Tự động đóng, mở, xả và rửa bồn cầu) nhưng thực tế, nhà vệ sinh thông minh (“ToiletSmartPublic) tại vườn hoa Bác Cổ (đoạn giao cắt giữa phố Tràng Tiền – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư) hiện rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài”. Nhiều người dân có nhu cầu đi vệ sinh đành bất lực rời đi vì không sử dụng được.
Theo tìm hiểu, các công trình nhà vệ sinh công cộng được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), đơn vị được giao tiếp nhận, vận hành nhà vệ sinh từ phía Công ty Cổ phần Vinasing Group. Tuy nhiên, sau khi bàn giao một số công trình nhà vệ sinh còn nhiều lỗi kỹ thuật như thiết bị vệ sinh bị rò rỉ, cửa mắc kẹt, thiếu điện, nước… gây khó khăn cho công tác vận hành.
(Còn nữa)
Thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 351 nhà vệ sinh công cộng, trong đó 176 nhà vệ sinh được xây dựng bằng gạch, 91 nhà vệ sinh kết cấu vỏ thép (inox), 84 nhà vệ sinh công cộng do Công ty Cổ phần Vinasing Group lắp đặt. Theo dự án “Đổi 1.000 nhà vệ sinh công cộng lấy quảng cáo” được Công ty Cổ phần Vinasing Group thực hiện từ năm 2016 đến nay, dự án 1.000 nhà vệ sinh vẫn chưa đạt mục tiêu ban đầu. Số lượng các nhà vệ sinh công cộng ít ỏi phân bố tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa cho thấy sự thiếu hụt nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt đối với đô thị xấp xỉ 8,7 triệu dân tại Hà Nội.