Kỳ 1: Lần ra hung thủ từ vụ giả chết để lừa đảo

Theo thống kê của cơ quan điều tra, giả đuối nước là phương cách trốn tránh luật pháp được giới tội phạm sử dụng nhiều nhất sau vờ điên và mất trí nhớ, bởi nếu chết đuối trong nhiều trường hợp sẽ không tìm thấy xác và khi ấy, vụ án sẽ phải khép lại theo lẽ thường tình. Tuy nhiên, lưới trời bao la nên nhiều kẻ giả chết vẫn bị pháp luật 'vớt' trọn theo nhiều cách khác nhau.

Năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử pháp đình nước Anh đã diễn ra phiên tòa công khai, với báo chí tham dự, để quyết định có nên ân xá cho phạm nhân bị kết án chung thân về tội giết vợ vào năm 1996 hay không. Đây là vụ án từng gây tranh cãi với nhiều điều bất ngờ, mà lớn nhất nếu bị cáo không giả chết đuối để trục lợi bảo hiểm (BH) thì việc gây án có lẽ sẽ không bị phát hiện.

Hồi ức của con gái

Đầu tháng 11/1993, cảnh sát (CS) gõ cửa nhà Samantha Packman báo tin cha cô là ông Russell Causley mất tích ngoài khơi đảo Guernsey nằm ở eo biển giữa 2 nước Anh - Pháp. Ban đầu Samantha nghĩ họ nhầm, vì tên cha cô là Russell Packman, nhưng CS giải thích cha cô đã lấy họ của Patricia Causley - người phụ nữ đi cùng ông trong chuyến biển đêm 20/10 - làm họ của mình.

Nghe tới cái tên Patricia Causley, hồi ức về những nỗi cay đắng mà Samantha phải chịu đựng suốt 9 năm qua ùa về trong trí nhớ cô. Trước khi Patricia đến ở nhờ nhà cô vào năm 1984 với tư cách người học việc tại công ty BH mà cha cô quản lý, cuộc sống của gia đình Samantha trôi qua thật đẹp. Cha và mẹ cô - bà Carole - đều là những kỹ sư hàng không, từng làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, sau cùng quay về quê hương Anh quốc. Cũng như mẹ, Samantha tôn sùng cha, người đàn ông trẻ, đẹp, phong độ, giỏi giang - người đã mang lại cuộc sống sung túc cho hai mẹ con trong căn nhà xinh đẹp ở thị trấn nghỉ mát Bournemouth bên bờ biển Tây Nam nước Anh.

Carole Packman và Russell Causley (Packman)

Carole Packman và Russell Causley (Packman)

Chỉ vài tháng sau khi Patricia dọn tới ở chung phòng với Samantha, cô bé nhận ra rằng ban đêm, Patricia thường trốn sang phòng cha cô, khiến quan hệ giữa cha - mẹ cô ngày càng căng thẳng. Cha cô xem Patricia như người bảo trợ con gái thay mẹ ruột của cô.

Thế rồi vào giữa tháng 6/1985, trở về nhà sau chuyến đi chơi xa mùa hè, Samatha thấy trong phòng mẹ, chiếc nhẫn cưới đặt trên tờ giấy, trong đó viết rằng bà không chịu nổi nữa nên sẽ đi thật xa. Cha nói mẹ cô bỏ đi với một gã có chiếc xe hơi Porsche màu đỏ, rằng bà đang làm việc hoặc sinh sống tại Canada, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Malta và cho biết CS trả lời rằng đích thân bà Carole đã tới đồn để báo tin mình bỏ nhà đi.

Sau khi vợ biến mất, cha của Samantha thay đổi thái độ, ông buộc cô đi làm nuôi thân ở tuổi 15 và dọn ra khỏi nhà, dường như ông bực bội về tình cảm của Samantha dành cho mẹ, trong lúc ông muốn cô bé quên hẳn bà. Samantha đã nhanh chóng trở thành kẻ không nhà, cô hút ma túy, trộm cắp và bị đưa vào trại cải tạo. Rồi khi gặp tình yêu của mình, năm 1989 cô sinh con trai, người cha không chịu nhìn mặt con gái và cháu. Đáp lại, Samantha nói cô sẽ tự đi tìm mẹ, Russell tuyên bố ông sẽ không nói chuyện với cô nữa.

Vạch trần chân tướng

Các điều tra viên nghi ngờ việc ông Russell mất tích. Vào lúc nửa đêm, khi Patricia gọi điện báo tin ông này rơi xuống biển, trên thuyền còn có luật sư (LS) riêng của ông ta và chiếc thuyền được tìm thấy lúc 4 giờ sáng. Gần trưa hôm sau, khi điều tra viên tới gặp Patricia cùng LS của Russell thì 2 người đang rời khách sạn lên chuyến bay về Anh, họ từ chối nói chuyện với CS đồng thời bỏ mặc cuộc tìm kiếm người mất tích kéo dài nhiều ngày sau đó.

Tiếp theo, CS phát hiện có người dưới cái tên "ông Russell" đã mua vé tàu cánh ngầm chuyến 8 giờ 30 đêm 20/10 từ đảo Guernsey về Anh (tức 4 tiếng đồng hồ trước khi Patricia báo tin "chồng" mình mất tích). Ngay khi về tới đất liền, LS của Russell đã nhân danh Patricia đệ đơn đòi hãng BH chi trả 730.000 bảng Anh theo hợp đồng mà Russell mới ký. Phía BH cử người điều tra, biết Russell mới mua biệt thự và dùng hợp đồng BH để bảo đảm nợ. Tiến hành theo dõi Patricia và 4 tháng sau, CS đã bắt quả tang bà ta gặp Russell ở quán cà phê.

Sau đó, cuộc điều tra chuyển hướng qua việc tìm hiểu số phận bà Carole Packman theo yêu cầu của Samantha. Trong cuộc thẩm vấn Patricia, khi bị hỏi về Carole, bà ta đáp: "Các ông sẽ không bao giờ tìm thấy cô ta". Cơ quan điều tra phát hiện ngày 14/8/1985, bà Carole đã gặp LS hỏi ý kiến về việc ly dị chồng. Cảnh sát cũng xác nhận người được cho là bà Carole đến đồn CS báo tin mình vẫn còn sống đã không được nhân viên kiểm tra nhận dạng. Người ta phát hiện Patricia đã làm việc tại Canada bằng giấy phép hành nghề của bà Carole. Ngoài ra, có 2 tù nhân bị giam cùng Russell báo rằng ông ta đã thú nhận việc sát hại vợ bằng khí gas. Và trước khi Russell bị bắt vào năm 1995, CS đã tìm thấy đồ đạc cá nhân của bà Carole được giấu trong ngăn tủ gửi đồ mà chỉ Russell mới có chìa khóa.

Russell Packman (sau đổi thành Russell Causley) bị cáo buộc về hành vi giết người, nhưng ông ta nhất quyết bác bỏ. Tuy nhiên, qua 2 phiên sơ thẩm, 1 phiên phúc thẩm và sau đó là bản án của Tòa tối cao, Russell vẫn bị kết án chung thân với tối thiểu 22 năm tù giam. Cứ mỗi đợt xét ân xá, trước sự phản đối của Samantha, Russell lại đưa ra phiên bản về số phận của vợ cũ: nào là ông ta siết cổ bà bằng cà-vạt, nào là đổ tội cho Patricia là kẻ giết Carole, rằng trong cả hai trường hợp Russell đều đốt xác vợ và đem vứt... nhưng tất cả đều bị bác bỏ. Năm 2020, Russell được thả nhưng bị bắt trở lại nhà tù vào năm 2021 vì vi phạm các điều kiện quản thúc. Năm 2023 hắn lại được tha, nhưng cho đến nay vẫn không chịu khai xác Carole ở đâu.

(Còn tiếp...)

NGA NGUYỄN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-1-lan-ra-hung-thu-tu-vu-gia-chet-de-lua-dao_167346.html