Kỳ 1: Nơi những vị thần vẫn ngự trị trên đỉnh thiêng

Hiếm miền đất nào mà thần thoại và đời thực, thần linh và người thường vẫn hiện hữu và song hành, dù đã ở thế kỷ XXI, như Hy Lạp. Cũng hiếm miền đất nào mà di chỉ khảo cổ, dấu tích rực rỡ của nền văn minh cổ đại hòa hợp đầy sống động cùng nhịp điệu đương đại gấp gáp như Hy Lạp. Lang thang trên những nẻo đường khám phá xứ sở tuyệt đẹp nép mình bên bờ Địa Trung Hải này, chúng ta có thể nghe tiếng nghìn xưa vọng về rất khẽ, từ những vàng son đổ nát sau bao biến thiên lịch sử được lưu giữ vẹn nguyên. Đặt chân tới quốc gia Nam Âu này, chúng ta như được bước lên chuyến du hành ngược thời gian, để tìm về một trong những cái nôi vĩ đại nhất của nền văn minh nhân loại.

Hiếm miền đất nào mà thần thoại và đời thực, thần linh và người thường vẫn hiện hữu và song hành, dù đã ở thế kỷ XXI, như Hy Lạp. Cũng hiếm miền đất nào mà di chỉ khảo cổ, dấu tích rực rỡ của nền văn minh cổ đại hòa hợp đầy sống động cùng nhịp điệu đương đại gấp gáp như Hy Lạp. Lang thang trên những nẻo đường khám phá xứ sở tuyệt đẹp nép mình bên bờ Địa Trung Hải này, chúng ta có thể nghe tiếng nghìn xưa vọng về rất khẽ, từ những vàng son đổ nát sau bao biến thiên lịch sử được lưu giữ vẹn nguyên. Đặt chân tới quốc gia Nam Âu này, chúng ta như được bước lên chuyến du hành ngược thời gian, để tìm về một trong những cái nôi vĩ đại nhất của nền văn minh nhân loại.

Đền Parthenon thờ Athena - Nữ thần bảo hộ Athens, điểm đến không thể bỏ qua, khi khám phá Athens.

Đền Parthenon thờ Athena - Nữ thần bảo hộ Athens, điểm đến không thể bỏ qua, khi khám phá Athens.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, không một cuốn sách nào hấp dẫn bằng Thần thoại Hy Lạp. Dù nó dày cả nghìn trang, lại kín đặc những cái tên dù đã được Việt hóa nhưng đọc lên vẫn vô cùng trúc trắc.

Tôi không thể quên ấn tượng sâu đậm về pho thần thoại dày cộp, được in nhòe nhoẹt trên giấy bã mía vàng ệch mà mình từng đọc đi đọc lại cả chục lần suốt thời thơ ấu, đến nỗi có thể kể vanh vách từng vị thần với hàng loạt thông tin phức tạp đi kèm. Nhớ cả lần đầu vừa đọc vừa phải ngó nghiêng tra cứu sơ đồ phả hệ nhằng nhịt giữa thần thánh với á thần cùng cả người thường được đính kèm như một phụ bản cuối sách. Nhớ cả những lần sau phải hì hục dùng bút chì màu khoanh tròn, đánh mũi tên loạn xạ để dễ nhập tâm về nguồn gốc của từng cái tên, dù làm bẩn sách là điều tối kỵ với tôi.

Và có lẽ đó chính là lý do khiến Thần thoại Hy Lạp trở thành tác phẩm văn học duy nhất tại Việt Nam có riêng một cuốn từ điển được tác giả Nguyễn Văn Dân biên soạn công phu, nhằm giúp độc giả không lạc lối giữa ma trận những câu chuyện hấp dẫn về thế giới của những vị thần quyền năng ngự trị trên đỉnh Olympus “cao chót vót, bốn mùa mây phủ”. Vì thế, khám phá xứ sở của những vị thần bất tử ngự trên đỉnh Olympus là giấc mơ ôm ấp từ ngày thơ bé. Khoảnh khắc ngắm Hy Lạp trải dài dưới cánh máy bay, tôi thấy mình như đang bay bổng chốn thiên đường.

Toàn cảnh thành cổ Acropolis – kỳ quan số 1 của nền văn minh Hy Lạp còn tồn tại đến ngày nay.

Toàn cảnh thành cổ Acropolis – kỳ quan số 1 của nền văn minh Hy Lạp còn tồn tại đến ngày nay.

Trước ngày khởi hành, một cô bạn từng ngao du Hy Lạp nửa tháng trời lên tiếng cảnh báo. “Chuẩn bị sẵn tinh thần để đừng thất vọng nhé. Cả hành trình toàn ngắm những hố khảo cổ, những di chỉ lổng chổng đá tảng đủ mọi hình thù, những đền đài sót lại vài cái cột, những bức tượng không mất đầu thì bay mũi trong các viện bảo tàng... Di sản văn hóa thế giới Acropolis ở Athens hay di chỉ khảo cổ Agora, đền Parthenon thờ nữ thần bảo hộ Athena hay ngôi đền lớn nhất thế giới cổ đại – nơi tỏ bày lòng cung kính tới thần Zeus, công trình tín ngưỡng thờ Thần Biển Poseidon ở vịnh Sounion hay Thần Thợ rèn Hephaestus… đều là những phế tích na ná nhau, hiếm công trình nào còn tồn tại nguyên vẹn. Ba thức cột nổi tiếng Doric – Ionic – Corinthian đặc trưng trên các công trình kiến trúc cổ nhìn cũng từa tựa nhau vì đều sứt sẹo, đều không còn nguyên vẹn hình hài. Đâu phải ai cũng nhận ra vẻ đẹp quá khứ vàng son từ những hoang tàn đổ nát, bạn có chắc mình thuộc số ít đó không?”.

Đền Erechthium – một kiệt tác nghệ thuật được coi là hiện tượng kỳ lạ trong kiến trúc cổ Hy Lạp.

Đền Erechthium – một kiệt tác nghệ thuật được coi là hiện tượng kỳ lạ trong kiến trúc cổ Hy Lạp.

Một kiến trúc hiếm hoi còn tồn tại gần như nguyên vẹn trong khu vực Thư viện Hadrian tại trung tâm Athens.

Một kiến trúc hiếm hoi còn tồn tại gần như nguyên vẹn trong khu vực Thư viện Hadrian tại trung tâm Athens.

Tôi không ngạc nhiên khi nghe những lời chia sẻ ấy. Bởi trước chuyến đi chừng nửa tháng, trả lời cho thắc mắc tại sao người Việt không mấy mặn mà với hành trình khám phá Hy Lạp (dù nó khá gần gũi với cả loạt quốc gia châu Âu được khách Việt vô cùng ưa chuộng như Italia, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ)…, giám đốc của một đơn vị lữ hành uy tín đã liệt kê cho tôi kha khá lý do. Ngoài chi phí cho một hành trình phổ thông 9 ngày 8 đêm vốn khá cao nếu so với lộ trình lướt qua dăm quốc gia châu Âu cũng trong chừng đó ngày, du khách Việt chỉ háo hức với đảo thiên đường Santorini, chỉ nóng lòng muốn chụp ảnh cùng những mái vòm xanh huyền thoại của ngôi làng nổi tiếng Oia khi tới Hy Lạp.

Một nhà nguyện cổ trên đường lên đỉnh đồi Parthenon.

Một nhà nguyện cổ trên đường lên đỉnh đồi Parthenon.

Đô thị cổ xưa nhất thế giới Athens, hòn đảo lớn thứ ba Hy Lạp mang tên Lesvos với những lâu đài Trung cổ tuyệt đẹp, sức hấp dẫn của những trái olive cùng thứ rượu quý ouzo, những câu chuyện ẩn sau từng phế tích… đều khó hấp dẫn phần đa du khách người Việt, vốn đi du lịch với mục đích lớn nhất là chụp hình check-in tại những địa danh nổi tiếng và post lên trang cá nhân để bè bạn trầm trồ, ghen tỵ. Họ giống hệt cô bạn tôi, ngoài vài tấm hình váy trắng thướt tha thả dáng bên những bức tường trắng Santorini là nỗi thất vọng lớn lao, khi cột kèo, kiến trúc lẫn đền đài, thần thánh … lẫn lộn trong một mớ bòng bong, không thể phân biệt nổi.

Bức tượng Hoàng đế Hadrian (bị mất đầu) trong khu vực Di chỉ khảo cổ Agora.

Bức tượng Hoàng đế Hadrian (bị mất đầu) trong khu vực Di chỉ khảo cổ Agora.

May mà tôi có cuốn sách gối đầu giường thời cấp một làm hành trang. Nhờ đọc Thần thoại Hy Lạp, tôi mới biết trên đời có thể tồn tại nhiều vị thần đến thế, họ chia nhau cai quản thế giới từ đỉnh núi cao chót vót, cùng nhau an hưởng hoan ca trong cõi thiên đường. Và nhờ đọc Thần thoại Hy Lạp, tôi mới biết thần thánh – bên cạnh quyền năng tối thượng và khá nhiều đức tính tốt đẹp cũng hội đủ mọi thói hư tật xấu chẳng kém gì dân thường. Từ những cuộc chiến tranh đến bi kịch của mỗi con người, từ chiến công của những anh hùng đến thảm họa mà nhân loại gánh chịu đều xuất phát từ thói trăng hoa, sự ghen tuông, lòng tham lam cùng tính đố kỵ… rất đời thường của thần thánh. Nghìn trang sách cho tôi những kiến thức quý giá, để hiểu vì sao nền văn minh Hy Lạp phát triển rực rỡ đến thế, sở hữu những thành tựu rực rỡ đến thế trong mọi lĩnh vực (từ văn học đến nghệ thuật, từ khoa học tự nhiên đến triết học).

Tác phẩm điêu khắc là cột chống trong những công trình kiến trúc cổ đại, hiện trưng bày trong Bảo tàng Acropolis.

Tác phẩm điêu khắc là cột chống trong những công trình kiến trúc cổ đại, hiện trưng bày trong Bảo tàng Acropolis.

Kho tàng thần thoại cung cấp mỏ đề tài với trữ lượng vô tận cho thi ca – kịch – điêu khắc – hội họa và kiến trúc Hy Lạp cổ đại, để thi sĩ Homere cho ra đời Ilyad và Odyssey, để kịch tác gia Sophocles viết vở bi kịch Oedipus làm vua, để sử gia Herodotos trở thành “cha đẻ của nền sử học phương Tây”… Và Hy Lạp cũng là nơi phát tiết những tinh hoa trong nhiều lĩnh vực khoa học, như các nhà toán học Thales – Pythagoras – Euclid – Archimede, nhà thiên văn học Ptolémeé, các triết gia Socrate – Aristote – Platon, nhà khoa học Plinius với bộ Lịch sử tự nhiên được coi là “bách khoa toàn thư” của Hy Lạp cổ đại…

Tác giả bài viết, tại Đền thờ thần Thợ rèn Hephaestus.

Tác giả bài viết, tại Đền thờ thần Thợ rèn Hephaestus.

Những câu chuyện hấp dẫn qua từng trang sách đã bắc nhịp cầu giúp tôi tiếp cận và thẩm thấu được những gì tinh túy nhất của nền văn minh Hy Lạp cổ đại, để những hạt vàng tri thức gom nhặt qua mỗi chuyến đi của tôi luôn dư giả hơn kha khá bạn đồng hành. Gần chục ngày di chuyển liên tục, tôi đã đến được nhiều nơi, ngắm được rất nhiều cảnh đẹp, trầm trồ với nhiều công trình kỳ vĩ, choáng váng với những di sản vô giá ẩn sâu dưới lòng đất của đại đô thị Athens. Tôi cũng đã đứng giữa sân vận động Panathinaiko – nơi Thế vận hội Olympic đầu tiên được tổ chức, đã ngưỡng mộ tài trí người Hy Lạp cổ xưa qua những sáng chế kỳ diệu được tái hiện trong Bảo tàng Numismatic.

Những mái vòm xanh làm nên vẻ đẹp tuyệt mỹ cho đảo thiên đường Santorini.

Những mái vòm xanh làm nên vẻ đẹp tuyệt mỹ cho đảo thiên đường Santorini.

Ngắm hoàng hôn trên hòn đảo Santorini là một trải nghiệm không thể nào quên.

Ngắm hoàng hôn trên hòn đảo Santorini là một trải nghiệm không thể nào quên.

Tôi đã lặng người trước cảnh bình minh màu cam và hoàng hôn nhuộm tím hai hòn đảo Santorini và Lesvos. Tôi cũng đã biết người ta thu hoạch và ép dầu olive ra sao, gìn giữ và thổi hồn văn hóa cho những ngôi làng cổ đẹp như cổ tích thế nào. Tôi biết họ xây dựng những lâu đài kiên cố để làm gì, bảo tồn từng gốc cây hóa thạch trong Bảo tàng lịch sử tự nhiên Petrified theo cách nào. Và trên hết, tôi nhận ra những vị thần trong thế giới thần thoại vẫn hiện diện trong đời sống đương đại hôm nay, trong từng tác phẩm nghệ thuật – từng kỳ quan kiến trúc – từng nghi lễ nguyện cầu của người dân như một điểm tựa tinh thần vững chắc, như chưa hề đi qua mấy nghìn năm lịch sử biến thiên.

Những cảm nhận nho nhỏ gom góp suốt chặng hành trình ấy sẽ được gửi gắm, qua loạt bài nhiều kỳ mà những gì bạn đang đọc chỉ là lời mào đầu. Để thuyết phục ai đó từng đam mê "xứ sở của những vị thần" như tôi sẽ có thêm động lực lên đường. Để có thể thuộc số không nhiều những du khách có thể “nhận ra vẻ đẹp quá khứ vàng son, từ những hoang tàn đổ nát”, như lời thách đố của cô bạn ngay trước giờ khởi hành. Tôi đã làm được, còn bạn?

HỒ CÚC PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/hanh-trinh-kham-pha/ky-1-noi-nhung-vi-than-van-ngu-tri-tren-dinh-thieng--617870/