Kỳ 1: Rủi ro pháp lý về cho vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên. Bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả thì bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý tài sản thế chấp để hạn chế rủi ro.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý tài sản thế chấp để hạn chế rủi ro.

Để hạn chế các tranh chấp hợp đồng vay tài sản, khi có giao dịch, các bên cần soạn thảo hoặc nhờ đơn vị có năng lực soạn thảo hợp đồng với các điều khoản chi tiết, rõ ràng, đúng quy định của pháp luật.

Quy định về hợp đồng vay tài sản

Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Tây Ninh cho biết, hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả thì bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận trong hợp đồng hoặc pháp luật có quy định (Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015).

Đối tượng của hợp đồng vay tài sản là động sản. Tuy nhiên, không phải động sản nào cũng có thể trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản, mà chỉ có thể là một khoản tiền hoặc vật cùng loại. Để bảo đảm cho các bên thực hiện đúng theo thỏa thuận đã cam kết và tránh xảy ra việc tranh chấp, Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại mục 4 Chương XVI về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.

Cụ thể, bên cho vay có quyền và nghĩa vụ giao đầy đủ tài sản cho bên vay đúng số lượng, chất lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận; bồi thường thiệt hại cho bên vay nếu bên cho vay biết tài sản giao dịch trong hợp đồng không đảm bảo chất lượng mà vẫn không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp khi bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó; không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản đã giao trước thời hạn, trừ trường hợp quy định khác; trường hợp các bên có thỏa thuận về mục đích sử dụng của tài sản vay thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản vay nếu bên vay vi phạm mục đích sử dụng.

Bên vay có nghĩa vụ cần phải trả đủ tiền khi đến hạn trả (nếu tài sản là tiền); còn nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng chất lượng, đủ số lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp mà bên vay không thể trả vật thì cũng có thể trả bằng tiền tương đương với giá trị của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý. Cần sử dụng tài sản đã vay đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trả lãi và các khoản lãi có phát sinh theo hợp đồng. Lãi suất là tỷ lệ mà theo đó tiền lãi được người vay trả cho việc sử dụng tiền hoặc vật mà họ vay từ người cho vay.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, các bên trong hợp đồng có quyền tự do thỏa thuận mức lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mức lãi suất này không được vượt quá 20%/năm của giá trị khoản vay. Trong trường hợp có lãi mà khi đến hạn trả bên vay không trả hay không trả đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả.

Trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất 10%/năm tương ứng với khoản vay chậm trả. Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản bao gồm tranh chấp hợp đồng vay tài sản liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng; tranh chấp hợp đồng vay tài sản do không có giấy giao nhận tiền; tranh chấp phát sinh khi bên vay chậm trả nợ, tranh chấp hợp đồng vay tài sản về lãi suất cho vay...

Người dân nộp đơn khởi kiện tại Tòa án.

Người dân nộp đơn khởi kiện tại Tòa án.

Tránh rủi ro khi tranh chấp hợp đồng tín dụng

Tranh chấp hợp đồng tín dụng là những mâu thuẫn phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa bên cho vay (tổ chức tín dụng) và bên vay (khách hàng). Chủ yếu xoay quanh các tranh chấp về lãi suất, nợ gốc, lãi, giải ngân hoặc xử lý tài sản bảo đảm…

Theo TAND tỉnh, thời gian qua, tranh chấp hợp đồng tín dụng chủ yếu nằm trong một phần giải quyết của các loại tranh chấp dân sự khác chứ không phải là tranh chấp diễn ra một cách độc lập. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng tín dụng như khách hàng chây ì không chịu trả nợ khiến cho ngân hàng phải “đau đầu”. Ngoài ra, có một số ít hợp đồng tín dụng bị vô hiệu do trong quá trình làm hồ sơ thế chấp, cán bộ tín dụng chưa tuân thủ quy định pháp luật.

Trước đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam T.V (gọi tắt là Ngân hàng V), chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho chị N.T.D (ngụ thị trấn huyện Tân Châu) vay số tiền 280 triệu đồng, hình thức vay trả góp trong vòng 60 tháng từ ngày 5.12.2016 đến ngày 5.12.2021, mỗi tháng trả 4.667.000 đồng tiền nợ gốc, riêng kỳ cuối trả dứt nợ vay và tiền lãi theo mức lãi suất 9,8%/năm, cố định trong 12 tháng đầu tiên, từ ngày 23.2.2018 trở đi lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh theo định kỳ 3 tháng/lần.

Tính đến nay, chị D đã trả cho Ngân hàng V được số tiền vừa nợ gốc, vừa nợ lãi hơn 160 triệu đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, chị D đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng V kể từ ngày 5.12.2018 và phải chịu mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% của lãi suất vay.

Do đó, Ngân hàng V yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Tân Châu giải quyết, buộc chị D có nghĩa vụ trả cho ngân hàng tổng số tiền là 282.316.889 đồng (tiền nợ gốc 172.659.000 đồng, tiền nợ lãi đến ngày 1.11.2021 lãi trong hạn 73.105.259 đồng, lãi quá hạn là 36.552.630 đồng) là có căn cứ và được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Hay như Ngân hàng N (chi nhánh huyện Bến Cầu), cho vợ chồng ông N.V.T và bà H.T.B (cùng ngụ TP. Tây Ninh) vay số tiền 400 triệu đồng, lãi suất 1,4%/tháng, lãi suất nợ quá hạn 2,1%/tháng, ngày trả nợ cuối cùng là 13.4.2011, hình thức bảo đảm tiền vay theo hợp đồng thế chấp tài sản gồm QSDĐ có diện tích 167m2 và 1.427m2.

Do vợ chồng ông T phải thi hành những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không còn tài sản nào khác, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bến Cầu đã yêu cầu ngân hàng phối hợp kê biên tài sản của vợ chồng ông T đối với phần đất diện tích 1.427m2 để thực hiện nghĩa vụ thi hành của ông T, bà B (trong đó, ưu tiên thanh toán khoản tiền bảo đảm cho hợp đồng vay 400 triệu đồng).

Ngân hàng N đồng ý để Thi hành án dân sự kê biên tài sản thế chấp của ông T, bà B. Sau khi kê biên, Thi hành án đã ưu tiên thanh toán cho ngân hàng số tiền gốc và lãi hơn 471 triệu đồng (còn nợ lại hơn 186 triệu đồng). Kể từ sau khi kê biên và thanh toán số tiền hơn 471 triệu đồng, vợ chồng ông T không trả cho ngân hàng thêm khoản tiền nào khác. Tình trạng bị khách hàng “chạy nợ”, chây ì không thanh toán tiền nợ đã khiến cho Ngân hàng N phải khởi kiện “thượng đế” của mình ra tòa.

Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, hiện nay, các giao dịch trong xã hội ngày càng đa dạng, nhu cầu vay vốn để kinh doanh, sản xuất, tiêu xài cá nhân ngày càng cao. Do đó, hợp đồng tín dụng ngân hàng có xu hướng tăng, phức tạp. Thời gian qua, việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng tại Tòa án đóng vai trò quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

“Để hạn chế rủi ro, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý tài sản thế chấp theo quy định pháp luật như cần chú trọng các vấn đề như xác minh tài sản chung hay riêng, thời hạn sử dụng đất, thẩm định giá đúng giá trị thực tế, thường xuyên kiểm tra hiện trạng tài sản thế chấp nhằm ngăn chặn kịp thời tình huống khách hàng thay đổi hiện trạng tài sản… nhằm bảo đảm tài sản cho khoản tiền vay trong trường hợp có tranh chấp xảy ra”- Phó Chánh án TAND tỉnh khuyến cáo.

THIÊN DI

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-1-rui-ro-phap-ly-ve-cho-vay-tai-san-a150230.html