Kỳ 1: Thực trạng về một số hầm, ao sâu
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ hơn nữa việc bảo đảm an toàn tại các khu hầm mỏ- nhất là tại các hầm, ao sâu chứa nước đã đóng cửa mỏ gần hoặc trong khu dân cư.
Thời gian qua, tai nạn đuối nước gây chết người vẫn còn diễn ra. Đáng quan tâm, nạn nhân phần lớn là trẻ em, thường gặp tai nạn ở một số hầm khai thác khoáng sản, ao sâu trong khu dân cư. Để góp phần cảnh báo người dân về tình trạng này, phóng viên Báo Tây Ninh đã ghi nhận thực tế tại một số hầm, ao sâu trên địa bàn các huyện Châu Thành, Tân Biên, Bến Cầu.
NỖI ĐAU CÒN ĐÓ
Khoảng 13 giờ ngày 23.6.2022, một nhóm bạn rủ nhau ra khu vực hầm khai thác đất đã đóng cửa mỏ tại địa bàn ấp An Thọ, xã An Cơ, huyện Châu Thành để câu cá và tắm. Trong lúc tắm, em L.V.V (SN 2006, ngụ ấp Vịnh, xã An Cơ) bị đuối nước và tử vong. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng cứu nạn cứu hộ mới tìm kiếm được thi thể nạn nhân dưới đáy hầm nước, cách xa bờ khoảng 7m, tại độ sâu khoảng 5m.
Ngày 27.6.2022, qua quan sát tại khu vực hầm mỏ mà em L.V.V chết đuối, xung quanh hầm mỏ có rào chắn bằng trụ bê tông và dây kẽm gai. Tuy nhiên, cổng rào khu hầm mỏ được thiết kế kiểu tạm bợ, hiện đã hư hỏng, lật ngang, rộng mở lối vào.
Ông Ngô Quốc Sơn (ngụ ấp An Thọ, xã An Cơ), người có đất nông nghiệp gần đó cho hay hầm này khá sâu, từ mép bờ trở ra có độ nghiêng như lòng chảo. Người không quen thuộc địa hình dưới mặt nước nếu xuống tắm rất dễ bị trượt chân lao ra xa bờ. Ông Sơn thường xuyên nhắc nhở các em nhỏ về sự nguy hiểm của hầm sâu, nhưng do việc ra vào khu hầm quá dễ dàng nên không thể cảnh báo hết được.
Ông Ngô Thanh Bình- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành cho biết, hiện nay, trên địa bàn của huyện có 6 khu vực hầm mỏ đã được cấp giấy phép và đang trong quá trình khai thác khoáng sản. Những hầm này đều có rào chắn, được bảo vệ. Ngoài ra, còn có 22 vị trí hầm khai thác khoáng sản khác đã đóng cửa mỏ.
Ở khu vực tổ 1, ấp Hòa Lợi, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên có một khu hầm khai thác khoáng sản đã đóng cửa mỏ. Khu hầm này đang chứa nhiều nước, xung quanh có trồng cây xanh (tràm), có đóng trụ bê tông, dây kẽm gai. Nhiều đoạn dài hàng rào bị cây xanh, cỏ dại che phủ. Hầu hết bảng cảnh báo nguy hiểm đều phai màu chữ, cỏ dại che khuất hoặc rơi rớt. Hàng rào có một số vị trí trống hoác, người dân có thể ra vào khu hầm. Tại thời điểm quan sát, một nhóm thanh niên đang câu cá bên trong hàng rào.
Tại khu vực hầm khai thác khoáng sản rộng khoảng 10 ha của một công ty (thuộc địa bàn ấp Tân Thanh, xã Tân Bình, giáp ranh xã Tân Lập, huyện Tân Biên), giấy phép khai thác khoáng sản của công ty này vẫn còn thời hạn nhưng do hầm mỏ thường xuyên bị ngập nước nên hoạt động khai thác chậm. Ngày 1.7.2021, tại khu vực hầm chứa nước này đã xảy ra vụ hai nữ sinh học lớp 7 Trường THCS Tân Lập bị đuối nước thương tâm. Đó là em N.T.H.N, 13 tuổi, ngụ ấp Tân Đông 1 và em L.K.N, 13 tuổi, ngụ ấp Tân Đông 2 (xã Tân Lập, huyện Tân Biên).
NGUY CƠ TÁI DIỄN
Khu vực hầm mỏ của công ty trên phần lớn đang bị ngập nước, xung quanh có rào bằng trụ bê tông và dây kẽm gai. Trên dây kẽm gai có treo bảng cảnh báo “Ao sâu nguy hiểm, cấm vào”. Tuy nhiên, tại thời điểm quan sát, hàng rào có đoạn bị ngả nghiêng, thậm chí có đoạn hàng rào dài khoảng 20m bị đổ sập xuống mặt nước hầm sâu.
Tại ấp Tân Đông 1, xã Tân Lập, huyện Tân Biên (khu vực phía sau và cách Trường tiểu học Tân Lập khoảng 1km) đang có nhiều hầm sâu chưa được rào chắn. Ngày 27.6, chúng tôi có mặt ở khu vực này, quan sát thấy có đến 4 cái hầm sâu, rộng, chưa được rào chắn. Vị trí các hầm liền kề nhau, trong khu dân cư, nhiều cạnh hầm có bờ cao thẳng đứng rất nguy hiểm. Trong số các hầm này đã từng xảy ra tai nạn đuối nước gây chết người vào năm 2020. Nạn nhân là em Đ.C.P, 13 tuổi, ngụ ấp Tân Đông 1, nam học sinh Trường THCS Tân Lập.
Nguy hiểm chết người là vậy, nhưng đến nay, 4 hầm vừa đề cập vẫn còn nguyên, chưa rào chắn. Ông Nguyễn Đức Thắng- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, trên địa bàn ấp Tân Đông 1 có 15 vị trí hầm, ao sâu. Trong đó, 6 hầm được cấp phép khai thác, còn lại 9 hầm cũ trước đây. 11/15 hầm, ao sâu được rào chắn, bảo vệ, cảnh báo nguy hiểm; 4 hầm chưa được rào chắn và do cá nhân làm chủ sở hữu, những hầm này đã tồn tại từ lâu.
Ông Thắng còn cho hay, trong số 4 cái hầm chưa được rào chắn, chính quyền địa phương đã làm việc được với một chủ hầm nhưng người này cho hay do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện lập hàng rào. Đối với 3 chủ hầm ao còn lại, UBND xã vẫn chưa làm việc được vì những người này đang đi làm ăn xa, chưa về địa phương…
Để có góc nhìn rộng hơn về thực trạng rào chắn hầm, ao sâu hiện nay, nhất là tại các khu vực có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản gần hoặc trong khu dân cư, chúng tôi tiếp tục ghi nhận thêm thực tế tại địa bàn ấp B, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu. Cụ thể, một số hầm khai thác khoáng sản chứa nhiều nước khu vực phía sau Trường tiểu học Tiên Thuận B. Theo hiện trạng, diện tích các hầm, ao sâu tại đây có thể rộng hơn 40 ha.
Được biết, một số công ty, doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực này, giấy phép vẫn còn thời hạn nhưng khu mỏ đang bị ngập nước nên hoạt động khai thác tạm ngưng. Theo quan sát vào ngày 3.7.2022, đoạn phía sau trường tiểu học và mầm non gần đó có rào chắn bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, tại một số vị trí khác vẫn chưa được rào chắn (ngay bên phải cổng có đường đất dẫn thẳng vào trong khu mỏ). Nhiều đoạn tuy có chôn trụ bê tông nhưng không mắc dây kẽm gai hoặc lưới rào B40 lên trụ, để trống hoác, rất nguy hiểm (cạnh hầm giáp với vườn cao su). Mặt khác, tại thời điểm quan sát, cổng vào khu mỏ rộng mở, không người trông coi. Người câu cá có thể ra vào tự do. Với tình hình quản lý khu vực khai thác khoáng sản lỏng lẻo như vậy, vị trí hầm mỏ lại gần khu dân cư sẽ khó tránh khỏi việc trẻ em tiếp cận, nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước.
Từ khu vực hầm mỏ vừa nêu đi ngược về hướng cầu Bến Đình khoảng 1km theo đường chim bay là đến 2 hầm đất sâu (cũng thuộc địa bàn ấp B, khu gần lò gạch) đang chứa nước, xung quanh cây cối mọc um tùm với nhiều đoạn bờ hầm cao hơn 2m nhưng không có rào chắn. 2 hầm này có vẻ ngưng hoạt động khai thác đất từ lâu, vị trí nằm trong khu dân cư. Thời điểm này, có 2 em nhỏ đang bám theo bờ vực hầm cao tuột xuống taluy gần mặt nước để câu cá. Cả 2 em đều cho hay không biết bơi.
Đó chỉ là một vài hầm, ao sâu trên địa bàn toàn tỉnh mà chúng tôi quan sát được. Từ thực tế như trên có thể thấy thực trạng rào chắn, quản lý, bảo vệ đối với nhiều hầm, ao sâu chưa thật sự được quan tâm. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ hơn nữa việc bảo đảm an toàn tại các khu hầm mỏ- nhất là tại các hầm, ao sâu chứa nước đã đóng cửa mỏ gần hoặc trong khu dân cư.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-1-thuc-trang-ve-mot-so-ham-ao-sau-a147158.html