Kỳ 1: Vụ tấn công 'có một không hai' trên biển Đỏ
Việc tàu chở hàng Galaxy Leader bị bắt giữ ở biển Đỏ cuối tuần qua có thể ảnh hưởng lâu dài đến chuỗi cung ứng ở Châu Á. Vụ việc một lần nữa làm dấy lên nỗi ám ảnh về nạn cướp biển và tấn công có vũ trang ở các khu vực như biển Đỏ, Vịnh Aden và Đông Nam Á từ hàng trăm năm trước.
Trong hồ sơ nhiều kỳ lần này, chúng tôi xin mượn tựa đề series truyền hình thực tế nổi tiếng Đại dương vô pháp (Lawless Oceans, chiếu trên kênh National Geographic trong hai năm 2016-2017) của tác giả Karsten von Hoesslin - chuyên gia về an ninh hàng hải làm việc cho Tổ chức Risk Intelligence - để cảnh báo về tình trạng cướp biển lộng hành...
Cuộc chiến Israel - Hamas dù có dấu hiệu "hạ nhiệt" khi 2 bên đạt được thỏa thuận dừng bắn tạm thời trong 4 ngày và thả một số con tin, tuy nhiên nguy cơ lan rộng của cuộc chiến vẫn hiển hiện với ngành vận tải biển quốc tế sau vụ phiến quân Houthi ở Yemen bắt giữ tàu Galaxy Leader.
Phiến quân Houthi - cơn ác mộng mới trên biển
Galaxy Leader có lai lịch khá phức tạp: Đây là tàu sân bay treo cờ Bahamas - quốc đảo trong vùng biển Caribbean, thuộc sở hữu của Công ty Galaxy Maritime có trụ sở tại đảo Man (lãnh địa vương quyền của Hoàng gia Anh) và 1 tỷ phú người Israel, được hãng Nippon Yusen thuê lại.
Hôm 19/11/2023, tin tức về vụ bắt giữ này mới được phiến quân Houthi công bố lần đầu. Tàu chở đầy xe hơi và đang trên hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ấn Độ. Lần cuối trang theo dõi thông tin tàu biển Marinetraffic.com còn nhận được tín hiệu từ Galaxy Leader khi tàu di chuyển giữa Arab Saudia - Sudan. Dù chủ sở hữu Galaxy Maritime cho biết con tàu đã được đưa đến Yemen, nhưng theo chủ tàu Nippon Yusen trong tuần qua cho biết, họ chưa có thông tin mới về số phận con tàu và đang lo lắng cho sự an toàn của 25 thuyền viên bên trên.
Hôm 20/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng việc bắt giữ tàu Galaxy Leader là "sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế" và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho con tàu cùng thủy thủ đoàn. Đây là cuộc tấn công có vũ trang, bắt giữ tàu chở hàng không theo thông lệ trước đây như cướp tài sản trên tàu hay giữ con tin đòi tiền chuộc.
Lực lượng Houthi cho rằng con tàu là của Quân đội Israel, nhưng Tel Aviv bác bỏ mọi thông tin tương tự. Phía Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào hoạt động vận tải biển của Israel cho đến khi nước này kết thúc chiến dịch quân sự chống lại Hamas ở Dải Gaza.
Hiện phiến quân Houthi đã trở thành mối đe dọa bao trùm ngành vận tải biển. Vào lúc này, các chuyên gia đang cố dò đoán về chiến lược sắp tới của lực lượng trên để có biện pháp ngăn chặn.
Chuỗi cung ứng có nguy cơ đứt gãy
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yasutoshi Nishimura hôm 20/11 đã cảnh báo về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng sau vụ cướp tàu này. "Nhiều loại hàng hóa, bao gồm cả xe hơi, được vận chuyển dọc theo tuyến đường trên, nối Châu Âu và Nhật Bản thông qua kênh đào Suez, có thể tác động đến nền kinh tế Nhật Bản, bao gồm cả chuỗi cung ứng", Bộ trưởng Nishimura nói với truyền thông.
Đã xuất hiện những dấu hiệu ban đầu về tác động của vụ cướp tàu. Hôm 20/11, Reuters dẫn nguồn tin của Hãng An ninh Ambrey tại vương quốc Anh rằng 2 tàu chở hàng đã thay đổi hướng đi ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, nhưng việc bỏ qua các tuyến hàng hải khu vực này sẽ rất khó khăn. Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez, có khoảng 18.000 tàu đi qua tuyến đường thủy này mỗi năm; trong khi dữ liệu từ Hiệp hội Chủ tàu Nhật Bản cho thấy 1.240 tàu do các hãng tàu biển nước này vận hành đã đi qua kênh đào vào năm 2022.
Các nhà phân tích lưu ý, do chưa tuyến đường biển nào có thể dễ dàng thay thế nên hiện nhiều tàu vẫn hoạt động tại vùng biển xảy ra nhiều rủi ro trên. Theo người phát ngôn của Nippon Yusen (NYK Line): "Biển Đỏ là tuyến hàng hải thuận lợi nhất để đi từ Châu Âu sang Châu Á, vì là tuyến ngắn nhất giúp tiết kiệm chi phí về nhiên liệu và các loại phí”.
Vụ cướp tàu Galaxy Leader như một lời nhắc nhở về nguy cơ cướp biển đồng thời cũng gợi nhớ đến vụ tắc nghẽn kinh hoàng trên Kênh đào Suez vào năm 2021, khi 1 tàu container mắc kẹt tại đây.
Một nhà phân tích người Nhật giấu tên nói với phóng viên Nikkei Asia rằng: "Tất cả tùy thuộc vào quyết định của từng hãng vận tải biển. Thay vì ngay lập tức đổi hành trình qua Mũi Hảo Vọng dài ngày hơn với chi phí đắt đỏ hơn, các con tàu tiếp tục đi theo hành trình cũ như Galaxy Leader chắc chắn sẽ phải nâng cao cảnh giác".
Takuya Matsuda, nhà nghiên cứu về các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến của Đại học Tokyo (Nhật Bản), chỉ ra rằng mối đe dọa này không còn mới nữa. "Cướp biển từ lâu đã phổ biến ở những vùng biển trên, bao gồm cả Vịnh Aden. Các tàu buôn luôn phải cảnh giác trước nguy cơ rình rập thường trực".
Vụ bắt cóc Galaxy Leader cho thấy các hãng tàu sẽ phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ tàu hàng và sinh mạng con người trên đó.
Người phát ngôn của Nippon Yusen cho biết, nhà điều hành giả định con tàu bị bắt giữ đã tuân thủ và thực hiện những biện pháp tốt nhất trong trường hợp phải đi qua vùng biển nguy hiểm, bao gồm sử dụng vòi rồng áp suất cao để ngăn cướp biển áp sát và leo lên tàu, đi theo một nhóm tàu cùng hãng hoặc với các hãng khác để hạn chế các cuộc tấn công hoặc tiến sâu vào khu vực biển mà họ biết là có tàu tuần tra đang hoạt động. "Nhưng thật không may, có những trường hợp ngoại lệ và chúng tôi không thể ngăn chặn mọi sự cố", ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nishimura lạc quan rằng nguồn cung năng lượng sẽ không bị ảnh hưởng ngay lập tức do các tàu chở dầu thô và tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến Nhật Bản không thường xuyên đi qua biển Đỏ. Nhật Bản dựa vào Trung Đông từ 80%-90% dầu thô nhập khẩu, nhưng phần lớn được vận chuyển qua eo biển Hormuz từ Vịnh Ba Tư.
Người phát ngôn của công ty cũng lưu ý rằng, LNG đến Châu Âu cũng có thể sẽ cần phải đi qua khu vực này và việc vận chuyển LNG tăng mạnh kể từ khi nguồn cung cấp thông qua đường ống từ Nga sang Châu Âu bị cắt giảm do cuộc chiến ở Ukraine.
(Còn tiếp...)