Kỳ 2: 17 ngày đêm không thể nào quên ở Làng Nủ

'Không ai bảo ai, chúng tôi đều bước thật khẽ, thật khẽ, bởi rất có thể dưới sâu những lớp bùn non ấy, là thi thể của đồng bào đang nằm lạnh lẽo chờ chúng tôi đưa về với vòng tay của gia đình…', T hượng úy Lê Duy Hậu - Đại đội 2 , T iểu đoàn CSCĐ số 2 , Trung đoàn CSCĐ Thủ đô nhớ lại .

Gần 3 tháng trôi qua, tin tức, câu chuyện về Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) - nơi “tâm chấn” của nỗi đau, nỗi mất mát ấy đã lấy đi bao nước mắt của người ở lại.

Chỉ trong vòng hơn 10 phút, khoảng 1,6 triệu khối gồm bùn, đất, đá lớn từ núi Con Voi quét qua thôn Làng Nủ, cuốn phăng và nhấn chìm 37 ngôi nhà, chôn vùi bao ước mơ, khát vọng sống bình dị của những người dân nghèo khó. Thảm họa ấy đã đánh thức lòng trắc ẩn, tính dân tộc trong tâm khảm của mỗi con người Việt Nam.

Khi trò chuyện với Thượng úy Lê Duy Hậu - Đại đội 2, Tiểu đoàn CSCĐ số 2, Trung đoàn CSCĐ Thủ đô, “tính dân tộc” cũng là từ khóa mà anh gợi mở, nhắc đến nhiều nhất trong lúc kể về 17 ngày đêm tìm kiếm thi thể mất tích ở Làng Nủ.

Anh Hậu là một trong 100 cán bộ, chiến sĩ từ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô và Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (Bộ Công an) đã đến Làng Nủ, để cùng với các lực lượng vũ trang tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích sau thảm họa lũ quét kinh hoàng.

Trước khi nhận nhiệm vụ lên Làng Nủ, thâm tâm anh Hậu rất muốn về nhà, về địa phương để cứu trợ, hỗ trợ trước. Thời điểm ấy, gia đình anh ở Phú Thọ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ.

“Trong lúc hành quân lên Làng Nủ, đi qua địa phận quê nhà, thú thực tôi rất nôn nao, sốt ruột, không biết tình hình ở nhà mình như thế nào khi đã mất liên lạc nhiều ngày”, anh Hậu nói.

Nhưng khi lên đến Làng Nủ, Thượng úy Hậu sững sờ, rụng rời chân tay khi thấy cảnh tượng trước mắt là một Làng Nủ đã bị “san phẳng”, không còn một ngôi nhà nào… Khi ấy, anh mới tạm vơi đi nỗi lo, sự sốt ruột ở quê nhà, và hiểu rằng, những người còn ở lại của Làng Nủ đang rất cần các anh hơn bao giờ hết.

“Chúng tôi, không ai thúc giục ai, anh em ai nấy đều tự ý thức được nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Ai nấy đều bước thật khẽ, thật kẽ, bởi rất có thể dưới sâu những lớp bùn non ấy, là thi thể của đồng bào đang nằm lạnh lẽo chờ chúng tôi đưa về với vòng tay của gia đình…” anh Hậu nói.

Xuyên suốt 17 ngày tìm kiếm, điều khiến anh Hậu xúc động nhất đó là khi thấy ánh mắt của thân nhân người mất tích, vừa khắc hoải trông mong, vừa đặt tất cả hy vọng vào lực lượng vũ trang. “Tôi nhớ nhất, chị H. cứ đi cùng tôi khi dò tìm. Khi tôi hỏi thăm, chị bảo, nhà chị có 7 người, giờ còn mỗi mình chị, nay là ngày thứ 3 nhưng chưa tìm thấy ai cả… Chị vừa nói vừa khóc, tôi cũng trào dâng cảm xúc và dặn lòng phải cố gắng hơn nữa”, anh Hậu nhớ lại.

Sau vài ngày đầu tiên, dù đã nỗ lực song anh Hậu cùng đồng đội vẫn chưa tìm thấy thi thể nào. Ai nấy phần nào có tâm lý lo lắng, nhưng rồi vẫn kiên trì cầm cuốc, xẻng lần mò tìm thi thể đồng bào dưới đáy bùn. “Ngày thứ 5 ở Làng Nủ, tôi tìm thấy 2 thi thể. Và dù chỉ có một tín hiệu mong manh nào đó, chúng tôi đều thử, không bỏ sót bất kỳ chỗ nào”, anh Hậu nhớ lại.

Theo mạch ký ức, Trung úy Dương Đức Tùng - Trung đoàn CSCĐ Thủ đô, Bộ tư lệnh CSCĐ nói thêm: “Những ngày đầu, khi đường chưa thông, máy múc chưa vào được, anh em phải đào bằng tay, sử dụng sức người nên cũng nhanh thấm mệt bởi lượng đất đá rất lớn, vùng tìm kiếm quá rộng. Thi thoảng, anh em lại bước hụt, sảy chân sụt quá đầu gối…”.

Trung úy Tùng kể, đội tìm kiếm của đơn vị huy động nhiều “chiến binh” mới ra trường, chưa được tiếp xúc với nhiệm vụ này lần nào cả, chưa được trải qua thời gian công tác nên đôi khi các em cũng sợ. Nhưng khi tìm kiếm được thi thể của bà con, trách nhiệm và lương tâm đã giúp anh em vượt qua nỗi sợ của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ.

Vẫn nhớ như in, thời điểm ứng trực 100% quân số sẵn sàng lên đường, khi nhận nhiệm vụ, mỗi chiến sĩ của Trung đoàn CSCĐ Thủ đô chỉ có 10 phút để chuẩn bị đủ tư trang cá nhân. “Đến UBND xã, chúng tôi phải hành quân bộ từ chân núi, đường trơn trượt, lại cõng trên vai nhiều đồ đạc cá nhân, áo phao rồi cả lương thực để hỗ trợ bà con… Cả đoàn đi từ lúc 8h sáng đến khoảng 16h chiều mới có thể vào được Làng Nủ”, Trung úy Dương Đức Tùng nhớ lại.

Vào đến làng, với cảnh “4 không”, không có chỗ ngủ, không điện, không nước, không sóng điện thoại, cả đoàn lên phương án dùng nhà bạt dựng tạm thời nhưng ngày nắng, đêm mưa, khiến cuộc tìm kiếm càng thêm 'trắc trở'.

Anh Tùng cho biết, thời điểm đó cứ mưa là nhà bạt lại tuột trôi, không ngủ được dù thân thể rã rời. Còn buổi trưa nhà bạt nóng quá, các chiến sĩ lại ra những chỗ có bóng cây để ngồi nghỉ. “Nhìn thấy ánh mắt trông đợi từ người dân ở đây lại càng khiến chúng tôi thêm quyết tâm để thích nghi, nỗ lực tìm kiếm”, anh Tùng nói.

Những ngày đầu, 'hậu phương' chưa thể tiếp tế đồ ăn, nước uống, các chiến sĩ phải đi lấy nước suối về uống và sinh hoạt. “Sau đó, các bạn đoàn viên, thanh niên hay người dân hành quân bộ rất xa, mỗi người vác bao gạo, đồ ăn, rồi nước lọc… để mang tới lán, tiếp tế cho chúng tôi. Tôi cũng nhớ mãi những tiếng gọi tiếp tế lương thực, lời hỏi han ân cần của người dân từ khắp mọi miền đất nước khi có các chuyến xe cứu trợ về Làng Nủ. Trong lúc tang thương ấy, tôi cùng đồng đội lại càng thấm thía hơn tình đồng bào “nương tựa” vào nhau để hy vọng, để nỗ lực”, anh Tùng chia sẻ.

Khoảnh khắc xúc động nhất với mỗi cán bộ, chiến sĩ sau 17 ngày túc trực ở nơi này, là lúc chia tay người dân Làng Nủ. Đó là những bông hoa dại, những tờ thiệp viết tay của các em học sinh chan chứa tình cảm, sự biết ơn…

“Những ngày qua, sau khi cơn bão Yagi đi qua đã để lại rất nhiều hậu quả kinh hoàng. Chúng em rất lo sợ, nhưng thật may mắn vì đã có sự mặt của các chú bộ đội và các chú công an. Nhờ mọi người mà nơi đây dần ổn định… Chúng em xin chúc mọi người mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công” - trích thư của học sinh gửi Trung úy Dương Đức Tùng.

Mỗi nét chữ non nớt trên tấm thiệp như một lời động viên, một sự biết ơn chân thành, giản dị. Anh Tùng cùng các đồng đội nhìn nhau, ánh mắt chứa đựng cả niềm tự hào và nỗi xúc động khó tả. Những ngày gian khổ, lội suối băng rừng, ăn lán ngủ rừng không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là hành trình gắn kết, là tình cảm mà họ nhận được từ người dân vùng xa xôi này.

Lúc chia tay, nhiều bà con đứng nhìn theo từng bước chân của đoàn, không ít người lặng lẽ lau giọt nước mắt. Tiếng chào, tiếng cảm ơn, và những ánh mắt dõi theo như níu kéo, lưu giữ hình ảnh của những người lính áo xanh trong lòng họ. Đó có lẽ chính là những động lực để các chiến sĩ tiếp tục bước đi trên con đường bảo vệ nhân dân và phụng sự Tổ quốc.

Nội dung: Châu Linh | Đồ họa: Kiều Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ky-2-17-ngay-dem-khong-the-nao-quen-o-lang-nu-post1692910.tpo