Kỳ 2: Biên giới là nhà
PTĐT - Không chỉ trở về, nhiều người chọn ở lại biên giới, cả khi bất an hay khi đã tạm yên và coi đó là nhà như một phần máu thịt. Nhiều ngôi làng đã mọc lên từ những cuộc trở về và tìm đến như thế.
Tìm lại nền nhà cũ
Ở ngã ba biên giới A Pa Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên), ông Pờ Dần Xinh, người con dòng họ Pờ nổi tiếng, vẫn nhớ hành trình đi tìm lại căn nhà thơ ấu nơi bản cao nhất Tả Lao San. Gia đình ông Xinh vốn là người Tả Lao San, rồi theo dòng chảy của cuộc sống di chuyển đi nhiều nơi quanh A Pa Chải.Những năm 1979-1989, người dân phải sơ tán vào rừng, một năm chỉ được về nhà 2-3 tháng. Sốt rét, thú dữ, cả nỗi phập phồng vì thổ phỉ, đạn pháo nhưng không ai rời vùng biên giới. Chỉ là cái khao khát được trở về an cư, tưởng chừng mãi chỉ là khao khát trong bối cảnh phức tạp thời đó.Ông Xinh nhớ lại: “Năm đó ông Lý Anh Pô, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (hồi ấy Mường Nhé vẫn thuộc Mường Tè), nói: Chú Xinh ạ, vùng đất Tả Lao San ấy là vùng đất của gia đình chú phải không? Tôi bảo đúng. Thế bố mẹ bảo như thế nào, chú có biết đường đi được không? Tôi bảo có”.Một đoàn khảo sát được thành lập gồm ông Pờ Dần Xinh - Chủ tịch UBND xã Xín Thầu - làm đoàn trưởng, ông Bùi Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã - là đoàn phó, cùng với sáu già làng Sen Thượng làm hoa tiêu lên tìm lại vị trí làng cũ.Chiến tranh cả chục năm, cây cỏ bít lối, cả đoàn mất ba ngày mới tìm đến được bản Tả Lao San khi xưa. Mọi người vỡ òa khi nhìn lại dấu vết con đường thời trẻ vẫn đi chăn bò, dấu vết cái cối xay gạo, cái nền nhà khi xưa. Vậy là tất cả ở lại, phát đường mòn, cùng BĐBP, bác sĩ quân y chuẩn bị dựng lại bản.Những người khi xưa tránh vào rừng lần lượt trở về, như ông Pờ Xuân Chừ về Tả Lao San cùng bố mẹ năm 1999, ông Su Bố Hừ- con ông Su Khù Chừa - cũng về lại căn nhà của cha để lại, rồi đến Phùng Xìa Tư, Sảo Gô Sàng...Một con đường được mở lại trên nền đường mòn cũ. Tả Lao San dần dần đông đúc như chưa từng có cuộc chiến nào đi qua.Cũng như ông Xinh, gia đình ông Lý A Nhị vốn là người Ma Li Pho (Phong Thổ, Lai Châu) từ lâu đời. Trong ký ức của ông, từ đời ông nội, đời cha ông đã cày cấy ở vùng đất ấy. Theo những nỗi lo cơm áo, cả gia đình dần dần đi xa.Ông Nhị đưa gia đình đến sống ở Tả Phìn, Ma Li Pho trở thành ký ức. Nhưng khi con cháu đông hơn, cái ký ức về vùng đất mà trồng ngô, trồng lúa “lên tốt lắm” ngày nào trở lại. Ông Nhị khăn gói về lại ngôi nhà cũ.Đường lâu không đi cỏ lấp lối, ông đi bộ mải miết hết ba ngày. Nhìn vùng đất rộng thênh thang trước mắt, ông quyết trở lại, chọn một mảnh đất cách ngôi nhà của cha mình xưa chừng vài trăm mét, nằm ngay cạnh con suối phân chia ranh giới hai nước Việt - Trung, dựng một chiếc lán tạm.Lúc ấy chỉ có vài hộ dân đi cùng nhau, mọi việc phải tự làm, chính quyền xã chỉ hỗ trợ gạo, nước và cây giống. Mùa ngô đầu tiên mấy hộ thu hoạch trên cả mong đợi. Ông Nhị trở lại Tả Phìn, kể chuyện cho bà con ở đó nghe. Lại thêm vài chục hộ theo ông Nhị. Và bản mới Hùng Pèng ra đời. Năm năm sau, một con đường ôtô mới hoàn thành vào bản.Giờ nơi này là nhà
Không phải trở về mà có nhiều người đã chọn những vùng đất giáp biên trong hành trình tìm kiếm một nơi đủ nuôi sống mình. Cụ ông Đồng Văn Bơn nổi tiếng ở bản Pa Nậm Cúm (Ma Li Pho, Phong Thổ, Lai Châu) bởi sự minh mẫn, khỏe mạnh hiếm thấy ở tuổi 93. Tại quê nhà Mường So (Phong Thổ, Lai Châu) cũng như nhiều gia đình khác, ông và vợ con đối mặt với cái đói. Mường So người đông, đất canh tác dần bạc màu, nhà chỉ 1-2 sào ruộng, mỗi năm thu hoạch vài tạ thóc đến ăn còn không đủ.Năm 1990 ông Bơn lên Ma Li Pho khảo sát. Khảo sát xong, việc đầu tiên của người cựu chiến binh là tìm đồn biên phòng xin phép ở lại. Cả đồn tròn mắt nhìn cụ ông đã ngoài 60 vẫn hăm hở khai hoang, chỉ biết cảm thán: “Có chí thì nên”.Chưa rành đường đi lối lại, ông bàn với vợ Vàng Thị Bum lên trước làm ăn thử. Cầm hơn 1 triệu đồng tiền hỗ trợ của chính quyền xã, bà Bum băn khoăn lắm. Hai ông bà phải đi bộ hơn 30 cây số từ Mường So lên đây, lại toàn lối đi rậm rạp không người.Chỗ ở mới chẳng có cái nào được gọi là nhà, toàn là lán của dân ra khai hoang. Ở vùng biên giới cách biệt, chẳng phương tiện liên lạc, hai vợ chồng nhìn mặt trời để đếm ngày. Cứ thấy sáng là ra nương, hết sáng thì về. Ông cuốc đằng trước, bà theo đằng sau, làm mải miết.Mùa đầu tiên thu hoạch được 20 tấn ngô. Năm thứ hai có thêm các con lên hỗ trợ, hai ông bà thu hoạch 30 tấn ngô. Vậy là ông Bơn quyết cả nhà chuyển hẳn về bản mới Pa Nậm Cúm. Năm 1994, con cái ông cũng về theo.Người Mường So thấy gương ông Bum, rủ nhau kéo lên theo. Ông bảo ngày đó lên đây là đúng, bây giờ chỗ biên giới này là nhà.Cũng mang nỗi băn khoăn thoát nghèo, ông Ma Seo Páo tìm đến vùng đất A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) sau khi lang thang khắp Lào Cai. Ông Páo đã có ý định chuyển đến A Mú Sung từ lâu, khi vẫn còn phải du canh du cư để tìm đất canh tác.Thoạt đầu ông làm nương, rồi ở lại nơi “sông Hồng chảy vào đất Việt” dựng nhà. Năm đó, ông Páo không những đưa gia đình mình về, mà còn góp phần thuyết phục 33 hộ dân thôn Dìn Chin, 14 hộ dân thôn Pạt Tà ở Ngải Thầu, Mường Khương cùng đến với mình.Đi qua những đau thương, các vùng đất biên giới này dần dần bình yên trở lại. Và cần những bàn tay để tiếp tục vực dậy kinh tế vùng biên đang ngưng đọng sau chiến tranh.Theo ông Páo, năm đó có Ma Seo Lằng, người sau này là Trưởng thôn Lũng Pô và là một trong những cá nhân tiêu biểu của phong trào bảo vệ đường biên cột mốc.“Xã mình nghèo nhất Mường Khương. Cả xã có cái ống nước bé bằng ngón tay, ngày nào cũng phải xếp hàng chờ múc từng gáo nước. Ở đây cũng xa xôi nhưng có nước, đất đai còn rộng, có thể canh tác thoải mái”.Rồi anh cùng bố mẹ mang cả căn nhà đến Lũng Pô dưới sự hỗ trợ của BĐBP. Thế mà thoát nghèo thật. Từ 19 hộ đầu tiên, thôn Lũng Pô bây giờ có 76 hộ với 389 nhân khẩu.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/201909/ky-2-bien-gioi-la-nha-166710