Kỳ 2: Cần sự đồng bộ, quyết liệt trong công tác phòng, chống ma túy
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm đấu tranh, triệt phá, góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Ông Nguyễn Văn Được- Phó Đội trưởng phụ trách Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy, Cục Hải quan Tây Ninh cho biết, địa bàn tỉnh rộng, tuyến biên giới dài, có nhiều đường mòn, lối mở thuận lợi cho việc thông thương, trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân trong tỉnh với người dân Campuchia. Tại khu vực tiếp giáp các cửa khẩu phía Campuchia có nhiều casino, vũ trường, trường gà- là môi trường hoạt động của các đối tượng nghiện hút, sử dụng ma túy và các loại tội phạm về ma túy.
Vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cuộc họp thường niên cũng như việc gặp gỡ trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các bên với Văn phòng BLO, các lực lượng chức năng phía Campuchia tại Cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát không được thực hiện theo đúng định kỳ. Do lực lượng mỏng, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy gặp khá nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện tốt nghiệp vụ kiểm soát hải quan.
Theo Công an tỉnh, công tác rà soát, thống kê, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa có sự tham gia của các cấp, chính quyền, đoàn thể tại địa phương, vẫn do Công an cấp xã thực hiện, trong khi đó, lực lượng Công an xã ít, kiêm nhiệm nhiều việc. Các cơ sở y tế và đội ngũ y, bác sĩ đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện chưa bảo đảm số lượng, cơ sở vật chất chưa được bố trí đều tại các địa phương, nhất là vùng biên giới, cách xa trung tâm y tế cấp huyện.
Công tác phối hợp quản lý người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế giữa cơ sở điều trị và chính quyền địa phương nơi đối tượng cư trú chưa thống nhất, chưa quản lý chặt dẫn đến không có cơ sở hoặc biện pháp xử lý phù hợp khi phát hiện đối tượng vi phạm trong quá trình điều trị.
Công tác quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp còn nhiều khó khăn do các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối qua nhiều khâu trung gian, thuộc phạm vi quản lý của nhiều lực lượng, ban, ngành, địa phương dẫn đến khó kiểm soát, nhất là trong hoạt động phối hợp thực hiện công tác hậu kiểm.
Đại tá Lê Văn Vỹ- Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết thêm, quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, lực lượng chức năng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: còn có sự chồng chéo giữa luật, nghị định… quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật.
Luật và các văn bản dưới luật đã có quy định cụ thể nhưng việc triển khai thực hiện gặp khó khăn do liên quan đến cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện; đặc biệt là vấn đề tạm giữ, trục xuất người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trong công tác kiểm soát hàng hóa tại cửa khẩu, Luật Hải quan năm 2014 và Thông tư số 81/2019/TT-BTC ngày 15.11.2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, đối với những doanh nghiệp được ưu tiên áp dụng “luồng xanh” sẽ được “miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật” (khoản 1 Điều 43 Luật Hải quan). Quy định như vậy gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu của lực lượng chức năng tại cửa khẩu, trong đó có Bộ đội Biên phòng.
Theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, Bộ đội Biên phòng không có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Mặt khác, Luật Biên phòng Việt Nam quy định: “Bộ đội Biên phòng… chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Thời gian qua, một số hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy... thường xuyên xảy ra ở khu vực biên giới mà Bộ đội Biên phòng không có thẩm quyền xử phạt, gây khó khăn cho lực lượng Biên phòng thực thi nhiệm vụ ở khu vực biên giới.
Do đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh kiến nghị cần bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Bộ đội Biên phòng về các hành vi thường xuyên xảy ra ở khu vực biên giới; ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP; bổ sung kinh phí xây dựng cơ sở vật chất nơi tạm giữ người nước ngoài vi phạm pháp luật; kinh phí tạm giữ, trục xuất người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo, phòng ngừa
Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy trong thời gian tới, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng làm tốt công tác nắm, phân tích, dự báo và đánh giá đúng tình hình tội phạm về ma túy, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu, trên các tuyến trọng điểm; nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng chuyên trách. Đa dạng hóa các nội dung, hình thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền; tăng cường quản lý đối tượng liên quan đến ma túy; thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy.
Tăng cường kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự; thường xuyên rà soát, thống kê, cập nhật số liệu người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy để có biện pháp quản lý chặt chẽ; tập trung triển khai các giải pháp kiềm chế phát sinh người nghiện mới, người sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh, thời gian tới, đơn vị tiếp tục quản lý chặt chẽ biên giới, nắm chắc tình hình địa bàn nội - ngoại biên, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, kịp thời phát hiện những phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng về ma túy; xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan nghiệp vụ trong chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, kiên quyết xử lý nghiêm cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho tội phạm; đồng thời tổ chức khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, pháp luật góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy và tội phạm.