Kỳ 2: Cần sự đột phá trong tư duy sáng tác và quản lý
Bàn tiếp về câu chuyện thực trạng sáng tạo văn học - nghệ thuật, những hạn chế và các giải pháp để văn học - nghệ thuật phát triển, chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
- Có một nhận định cho rằng: Cho đến hiện tại, văn học - nghệ thuật Việt Nam giai đoạn hiện nay vẫn chưa định hình, có chiều rộng nhưng thiếu đỉnh cao. Các ông đánh giá như thế nào về điều này?
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi cho rằng dùng từ "định hình" ở đây không chính xác lắm. Văn học - nghệ thuật Việt Nam tạo được một số đặc điểm và thành tựu ở những giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng ít tạo được tầm cao. Hầu hết các tác phẩm văn học - nghệ thuật của chúng ta chưa tạo được ấn tượng mạnh mẽ và có hệ thống trên thế giới. Đối với bất cứ nền văn học - nghệ thuật nào đang phát triển, nghĩa là nền văn học - nghệ thuật đó đang tìm kiếm những giá trị mới và những "định hình mới". Riêng văn học, chúng ta có văn học tiền chiến, văn học kháng chiến và văn học đổi mới. Ba giai đoạn mà tôi vừa nêu đã tạo ra giọng nói đặc trưng của mình và có những thành tựu nhất định. Và đến lúc này, văn học đổi mới đã đi được một chặng đường, nhưng sự đột phá mang tính lịch sử lại chưa thật sự được như mong đợi.
- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Từ Nghị quyết 05-NQ/TW, ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị khóa VI về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học - nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới đã rất quan tâm đến văn học - nghệ thuật. Đảng ta cũng kịp thời điều chỉnh các nghị quyết khi không còn phù hợp trong sự thay đổi nhanh của đời sống văn học - nghệ thuật. Tôi cho rằng, một cái gì đó chưa định hình, không chỉ riêng mỹ thuật, mà các loại hình văn học - nghệ thuật khác cũng vậy, họ cũng có quyền tìm kiếm các khuynh hướng sáng tác mới trên cơ sở kế thừa những giá trị của các thế hệ đi trước. Với sự tạo điều kiện, tự do sáng tạo đang có, văn nghệ sĩ nếu không sáng tạo ra tác phẩm tốt thì không thể đổ lỗi cho ai được.
Tôi cũng phải khẳng định, mỹ thuật Việt Nam đã bước ra thế giới bên ngoài rất nhanh, bởi họ nhận thấy xu hướng mở của văn học - nghệ thuật nhân loại. Chúng ta có quyền ảnh hưởng những gì tinh hoa nhất của nhân loại và nhiều người làm nghề rất tốt. Nhiều họa sĩ ở các tỉnh, thành phố đang tự tin trưởng thành, làm nghệ thuật trên chính quê hương mình, tạo nên vẻ đẹp vùng miền. Thế hệ họa sĩ trẻ xuất hiện ngày một nhiều, mang đến khuôn mặt, sinh lực mới, đặc biệt họ mang đến con mắt khác. Con mắt khác đã mang đến sự thành công cho thế hệ của họ và cả nền mỹ thuật.
Thời cuộc đang từng bước đặt sứ mệnh lên vai các nghệ sĩ trẻ. Làm sao để thế hệ trẻ biết được sứ mệnh đó và tiếp bước cha ông, tìm ra cách để đi tiếp trong hành trình cá nhân. Thế hệ trẻ cần tự tin hơn về thế hệ mình, không nên suy nghĩ nhiều về chuyện vượt qua cái bóng của thế hệ đi trước, cần sớm định hình phong cách sáng tạo và sắc diện của thế hệ mình.
- Nhà văn Ngô Thảo: Nhìn vào thực tiễn đời sống văn học - nghệ thuật những năm qua không khó để nhận thấy, chưa khi nào chúng ta có một đội ngũ văn nghệ sĩ đông - nhiều - mạnh như bây giờ. Đông là vì các hội văn học - nghệ thuật hiện đều có số hội viên lên đến hàng ngàn. Nhiều là người làm công tác văn học - nghệ thuật rải đều ở khắp các địa phương trong cả nước. Mạnh là người làm công tác văn học nghệ thuật được đào tạo bài bản, có kiến thức sâu rộng. Mặt bằng văn hóa của lực lượng văn nghệ sĩ hôm nay rõ ràng cao hơn thời kỳ trước.
Nói về số lượng tác phẩm văn học - nghệ thuật thì cũng quá nhiều, có thể nói đây là giai đoạn bùng nổ số lượng tác phẩm. Do điều kiện in ấn, xuất bản, quảng bá tốt, cộng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật khiến cho việc đưa tác phẩm văn học - nghệ thuật đến với công chúng trở nên dễ dàng. Nhưng có một điều nghịch lý là, trong "rừng" tác giả, tác phẩm đó, chúng ta rất khó chọn ra những gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu, chọn tác phẩm tiêu biểu còn khó hơn nữa. Tác phẩm gây tiếng vang khiến công chúng có nhu cầu tìm đọc - nghe - xem không nhiều.
Chúng ta cứ thử so sánh thế này: Hiện nay, hiện tượng người làm kênh YouTube, Tiktok kiếm hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu like khá đông đảo. Nhưng rất ít kênh truyền thông chính thống, tác giả thuộc dòng nghệ thuật hàn lâm, chính thống khi tham gia vào các nền tảng mạng để có triệu lượt like, lượt theo dõi. Nước ta có gần trăm triệu dân, nghĩa là có một thị trường rất lớn cho văn học - nghệ thuật, phim Nhà nước đặt hàng không có mấy người xem, sách in ra chỉ trên dưới 1.000 bản mỗi cuốn... điều này không thể không suy nghĩ. Đông đảo văn nghệ sĩ đứng trong các hội văn học - nghệ thuật, nhưng với sức ảnh hưởng nhỏ như vậy thì rõ ràng là chúng ta đang lãng phí rất lớn về nhân lực. Tác phẩm của văn nghệ sĩ không đến được với công chúng và không có tác động nhiều vào đời sống là thực tế đáng buồn.
Nhìn lại lịch sử dân tộc ta qua hai cuộc kháng chiến gian khổ, văn học - nghệ thuật thật sự đã phát huy sức mạnh vô cùng to lớn. Rất nhiều tác phẩm đỉnh cao thuộc các loại hình âm nhạc, văn học, sân khấu, hội họa… đi vào lòng người, khơi dậy tinh thần yêu nước, trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc. Người ta có thể viết về những đề tài đơn giản vô cùng nhưng lại được nhân dân thuộc nằm lòng. Không ít tác phẩm chỉ viết về một người cụ thể, một nghề cụ thể nhưng hàng triệu người lại cảm thấy mình hòa nhập trong đó về lòng nhiệt tình, khí thế đấu tranh hay tinh thần thi đua xây dựng đất nước. Hiện thực đất nước hôm nay đang thay đổi mỗi ngày, kinh tế phát triển… nhưng tiếc thay đời sống văn học - nghệ thuật đang vắng bóng những tác phẩm nói lên nhiệt tình xây dựng đất nước. Không thấy ai viết về đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, các công trình xây dựng… Trong khi đó nhạc bolero đang sống lại. Câu hỏi "tại sao" ở đây rất cần được giải đáp. Phải chăng đang có một khoảng trống vắng trong tâm hồn người Việt hôm nay mà chưa có những tác phẩm văn học - nghệ thuật bù đắp được!
- Để các lĩnh vực văn học - nghệ thuật Việt Nam phát triển trong thời gian tới, theo các ông, cần phải làm gì?
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi mang cảm giác văn học - nghệ thuật chúng ta vẫn có vẻ "cầu toàn" mà chưa có những cú ngoặt ngoạn mục trong thi pháp như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc. Nổi trội hơn cả trong thời đổi mới vẫn là văn học và hội họa. Chúng ta cần những đột phá trong tư duy nghệ thuật. Chúng ta vẫn hay nói đến việc đầu tư của Nhà nước cho văn học - nghệ thuật chưa đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn, yêu cầu. Nhưng theo tôi, sự đầu tư của nghệ sĩ vào chính tác phẩm của mình mới là điều quan trọng. Hơn nữa, chúng ta cần quảng bá và khuyến khích mọi con đường tìm tòi. Nếu không khám phá ra những gì mới mẻ trong hình thức thể hiện thì văn học - nghệ thuật của chúng ta sẽ vẫn đứng im. Và đứng im nghĩa là không có chuyển động. Chúng ta sẽ bị thế giới bỏ quên trên hành trình của nhân loại. Chúng ta có đủ mọi đề tài như tất cả các quốc gia khác, nhưng đề tài chỉ là nguyên liệu, khả năng chế tác nguyên liệu mới quyết định giá trị của tác phẩm. Cùng với sự đột phá trong tư duy sáng tác thì các công tác khác như quản lý, in ấn và quảng bá cũng cần có những cú đột phá tương tự. Nếu không nó sẽ kìm hãm và dần dần thủ tiêu cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ, và có nguy cơ chuyển sang một hướng mà cả người sáng tác lẫn người quản lý không mong đợi.
- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Chúng ta đã nói đến sự dấn thân, việc sáng tạo tự thân của các nghệ sĩ và hiện nay, điều đó cũng thật quan trọng. Nhưng chúng ta đang vướng vào một hiện trạng, là có sự vênh nhau giữa người sáng tạo và người phê bình. Tiếng nói phê bình văn học - nghệ thuật hiện nay đang thiếu, đội ngũ ngày càng mỏng, với mỹ thuật còn ít hơn nữa. Những năm tới cần bổ sung lực lượng này và họ phải là những nhà phê bình có tâm huyết, không đố kỵ. Họ cần dám từ bỏ nền lý luận cũ, chăm chút cho các tài năng mới, những người trẻ có đam mê thật sự, nhất là thế hệ 7X, 8X đã và đang làm rất tốt công việc sáng tạo và có tự trọng. Họ mạnh mẽ, táo bạo và họ cần cái nhìn khách quan.
Thời gian qua, rất mừng là có sự vào cuộc của một số tập đoàn kinh tế lớn hỗ trợ cho văn học - nghệ thuật Việt Nam, giúp không ít nghệ sĩ được phát triển tài năng. Nhà nước nên có cơ chế, khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa để có thêm tập đoàn kinh tế hỗ trợ xứng đáng hơn cho văn học - nghệ thuật.
Một điều nữa, hiện tranh giả vẫn đang làm nhiễu loạn thị trường, khiến nghệ sĩ đích thực hoang mang, lo lắng. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng chỉ có thể lên tiếng cảnh báo mà không có chế tài xử lý triệt để. Bởi vậy, Nhà nước cần ban hành các quy định, các chế tài đủ mạnh để làm lành mạnh hóa thị trường tranh, giúp các họa sĩ an tâm theo đuổi đam mê.
- Nhà văn Ngô Thảo: Mặt trận văn hóa nói chung và văn học - nghệ thuật nói riêng là do Đảng ta lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện, điều này là không thể phủ nhận. Nhưng tôi xin thẳng thắn nói rằng, so với các chính sách chặt chẽ của Đảng về kinh tế - xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ… thì chính sách về văn hóa đang có nhiều vấn đề bất cập hơn. Nói cách khác, chính sách về văn hóa còn thiếu tính khái quát, thiếu chiều sâu và tầm nhìn. Cần có một chiến lược cho văn hóa nói chung và văn học - nghệ thuật nói riêng trong giai đoạn mới phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Trong đó yếu tố đầu tiên là vai trò của các nhà lãnh đạo văn học - nghệ thuật.
Việc chỉ đạo công tác văn hóa, công tác văn học - nghệ thuật rất cần sự mềm dẻo, linh hoạt. Nên nhớ rằng chúng ta có bốn triệu đảng viên, nhưng có tới gần 100 triệu dân, mục đích của văn học - nghệ thuật là phải hướng sự lan tỏa của mình vào số lượng công chúng đông đảo đó. Công tác tuyên huấn cần phải nắm lấy công cụ sắc bén là văn học - nghệ thuật, từ đó tạo nên sức mạnh tinh thần cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ.
Cần khắc phục tình trạng "buông rơi ngọn cờ văn hóa". Để làm tốt công tác lãnh đạo văn học - nghệ thuật, ngành văn hóa phải giữ vai trò chủ chốt, không nên chỉ trông chờ vào các hội, bởi vì có hội hoạt động tốt nhưng cũng có nhiều hội thiếu lãnh đạo, thiếu nhiệt tình, thiếu chương trình hoạt động hấp dẫn để khích lệ người sáng tác. Định hướng sáng tác phải rõ ràng, tạo sự thông thoáng, dễ dàng cho nghệ sĩ sáng tạo. Nếu chúng ta để văn nghệ sĩ tự mò mẫm, những con đường đó sẽ dẫn đến xuất hiện những tác phẩm gây tranh cãi thời gian qua là dễ hiểu.
Một điều nữa, công tác lãnh đạo văn học - nghệ thuật phải tận dụng các phương tiện truyền thông chính thống, trong đó có các đài truyền hình, các trường đào tạo. Đó là những kênh để đưa tác phẩm văn học - nghệ thuật đến với công chúng nhanh và có sức lan tỏa mạnh. Cần các chính sách hỗ trợ cho tác phẩm văn học - nghệ thuật của tác giả Việt đến được với khán giả Việt nhiều hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn các văn nghệ sĩ đã tham gia cuộc trao đổi.
(Còn nữa)