Kỳ 2: Chế tài xử lý thuốc lá lậu – Nỗi lo 'con bệnh' nhờn thuốc
Theo ước tính mỗi năm có hàng trăm triệu bao thuốc lá lậu hiện diện tại thị trường Việt Nam, chiếm gần 20% lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước, gây thất thu lớn cho ngân sách và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Lực lượng chức năng mỏng, ngân sách thiếu và cả cơ chế chưa đủ sức răn đe là những nguyên nhân khiến thuốc lá lậu vẫn tiếp tục hoành hành.
Số lượng bắt giữ chỉ như muối bỏ bể
Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, tính từ ngày 1/10/2014 đến hết tháng 10/2019, các lực lượng chức năng trong cả nước đã tiến hành xác lập hàng trăm chuyên án, hàng ngàn kế hoạch nghiệp vụ, hàng chục ngàn cuộc kiểm tra nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh quyết liệt với các đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn cả nước. Kết quả thống kê của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 52.375 vụ, tịch thu hơn 39 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại, khởi tố hình sự hơn 917 vụ với 1.150 đối tượng.
Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - Thiếu tướng Đàm Thanh Thế nhận định, kết quả đó chưa tương xứng với tình hình thực tế hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn cả nước. Hiện nay, hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa bàn trọng như: Long An, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh…
Nguyên nhân của tình trạng buôn lậu thuốc lá "trường kỳ" trong thời gian qua xuất phát từ nhiều lý do.
Theo đánh giá của Tổng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an, mặc dù lực lượng chức năng chống buôn lậu từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều cố gắng, xây dựng nhiều giải pháp để đấu tranh, phòng chống buôn lậu thuốc lá nhưng kết quả con hạn chế bởi các nguyên nhân bởi lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu thuốc lá khá cao. Hiện nay thuốc lá điếu hợp pháp trong nước đang bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%, thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1% dẫn đến giá bán thuốc lá sản xuất trong nước cao hơn nhiều so với thuốc lá nhập lậu. Chính vì vậy, hoạt động buôn lậu thuốc lá thu được là “siêu lợi nhuận”. Các đối tượng buôn lậu thuốc lá vì thế ngày càng liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng và dùng đủ mọi thủ đoạn để vận chuyển, đưa thuốc lá nhập lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ. Trong khi đó lực lượng chức năng trên các địa bàn còn mỏng, không đủ đáp ứng tình hình, nhất là khu vực vùng ven biên giới.
Bên cạnh đó, cũng còn những hạn chế mang tính chất chủ quan như việc giám định chất lượng thuốc lá tiêu hủy chưa có hướng dẫn cụ thể. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá ngoại nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thực tế, các lực lượng chức năng đã bắt nhiều vụ nhập lậu từ 1.500 bao trở lên nhưng không bắt được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Đối với các trường hợp này, cơ quan Công an đã tiến hành khởi tố vụ án theo quy định, tuy nhiên, do không xác định được đối tượng nên sau khi hết thời hạn điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, khiến số vụ án bị tạm đình chỉ tăng cao.
Một nguyên nhân khách quan khác là do đời sống của người dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn, đa số người tham gia vận chuyển thuốc lá lậu cho các đầu nậu đều là lao động nghèo không có việc làm ổn định, không có trình độ văn hóa…
Tiêu hủy – xử lý triệt để thuôc lá nhập lậu
Bên cạnh khó khăn về lực lượng và cơ chế, hiện nay các địa phương cũng đều phản ánh: khó khăn trong việc xử lý thuốc lá điếu nhập lậu tịch thu được là một trong những yếu tố làm hạn chế việc đấu tranh bắt giữ thuốc lá nhập lậu, từ đó ảnh hưởng tới công tác chống lậu của các lực lượng chức năng. Từ 26/4/2018 đến nay, số thuốc lá nhập lậu được tịch thu trên cả nước là gần 10 triệu bao, tuy nhiên việc xử lý thuốc lá nhập lậu lại gặp nhiều khó khăn do vướng mắc, hạn chế của Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhất là công tác giám định, đánh giá mặt hàng này tiêu hủy hay đấu giá vẫn chưa có cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ.
Trao đổi về những khó khăn trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, ông Nguyễn Minh Trung – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Tháp cho biết: Bắt được thuốc lá lậu đã khó nhưng công tác xử lý sau đó lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trước đây tiêu hủy hết thì được hỗ trợ kinh phí theo thông tư 19 của Bộ Tài chính, còn hiện nay thực hiện theo Quyết định 20 lại phải xác định được chất lượng thuốc lá nào đảm bảo chất lượng thì tái xuất, còn không thì mới tiêu hủy…
Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An cũng cho biết, hiện thuốc lá ngoại được các lực lượng chức năng của tỉnh bắt giữ đang tồn kho gần 2,7 triệu gói do bị vướng các quy định về đấu giá thuốc thuốc lá ngoại. Vướng mắc này khiến cho số thuốc lá ngoại có quyết định tịch thu (đạt chất lượng) vẫn không bán được; số thuốc lá không đạt chất lượng vẫn chưa tiêu hủy dẫn đến các đơn vị cũng gặp khó khăn về kinh phí trong công tác chống buôn lậu thuốc lá.
“Để giải quyết tình trạng thuốc lá lậu bị bắt giữ, trong thời gian qua, Cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh Long An đã tham mưu UBND tỉnh chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định chất lượng thuốc lá, giám đốc Sở Khoa học &Công nghệ làm chủ tịch hội đồng, các thành viên gồm Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Công Thương, công an, QLTT... Hội đồng tiến hành đánh giá chất lượng thuốc lá bằng cảm quan. Thuốc lá có chất lượng phải đảm bảo các yếu tố như còn nguyên vẹn, còn mới, không bị biến dạng, móp méo hay thủng rách... và có hương thơm đặc trưng”- ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục QLTT Long An, Phó Trưởng ban thường trực, BCĐ 389 tỉnh Long An cho biết.
Tuy nhiên, đến nay, Long An tịch thu 3,5 triệu gói thuốc lá lậu, nhưng cũng mới chỉ tiêu hủy một phần, chưa có tổ chức, cá nhân nào tham gia mua thuốc lá ngoại nhập lậu có quyết định tịch thu đạt chất lượng. Do việc đánh giá chất lượng thuốc lá chỉ thực hiện bằng cảm quan, không thực hiện kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo quy định, không có cơ sở xác định giá khởi điểm từng loại thuốc…
Chính vì thế, các địa phương kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục cho tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, tránh việc tái xuất gây thẩm lậu ngược vào thị trường, bên cạnh đó cần có cơ chế hỗ trợ các lực lượng tham gia chống buôn lậu và tăng cường chế tài xử phạt tạo tính răn đe đối với tội phạm.
Ông Đàm Thanh Thế cũng cho hay, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đang bàn giải pháp để các lực lượng chức năng sớm xử lý lượng thuốc lá nhập lậu trong thời gian vừa qua, đảm bảo yêu cầu xử lý được đối tượng, xử lý được tang vật đảm bảo ngăn chặn được tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới rất phức tạp. Văn phòng thường trực sẽ làm việc với các bộ ngành, để xác định cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng để các địa phương phối hợp thực hiện.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh bắt giữ 629 vụ, tịch thu 540.635 bao thuốc lá; Long An bắt giữ 895 vụ, thu giữ, 1.569.974 bao; TP. Hồ Chí Minh là 1.036 vụ, thu giữ 732.543 bao; Cần Thơ bắt giữ 541 vụ, thu giữ 182.482 bao; An Giang bắt giữ 613 vụ, thu 573.175 bao; Đồng Tháp bắt giữ 635vụ, thu giữ 302.173 bao…