Kỳ 2: Đô thị ở Đồng Tháp với qui hoạch tổng thể không gian ngầm - không hề quá sớm
Một cách nhìn về kiến trúc đô thị ở Đồng Tháp
ĐTO - Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, rộ lên vấn đề không gian ngầm (công trình ngầm) ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tất cả đều gom lại trong một kết luận nhức nhối: Đến thời điểm này, vẫn chưa chính thức có một qui hoạch tổng thể, đồng bộ về hệ thống không gian ngầm ở hai thành phố lớn nhất, quan trọng nhất của nước ta và hệ lụy, hậu quả của nó đang là rất đáng báo động.
>> Kỳ 1: Để kiến trúc đô thị TP Cao Lãnh xứng tầm một tỉnh lỵ
Tuyến đường sắt ga Hà Nội - Nhổn đã phải chậm thi công các đoạn ga ngầm vì vướng phải việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn, do nhiều móng nhà và tầng hầm xây dựng tùy tiện của người dân, khi chưa có quy hoạch tổng thể không gian ngầm của Hà Nội. Mới đây, người ta cũng phát hiện, một ngôi nhà có 4 tầng hầm do xây dựng tùy tiện, đó chắc chắn sẽ là một cản trở rất lớn cho quy hoạch không gian ngầm của TP Hà Nội đang tiến hành. Ở TP Hồ Chí Minh, tình hình cũng tương tự... Hình ảnh nhãn tiền mỗi ngày chúng ta chứng kiến, chính là thực trạng kẹt xe, tắc đường vô phương giải thoát, đang diễn ra như một căn bệnh trầm kha ở hai thành phố này, cũng như ở một số thành phố lớn khác trong cả nước. Nếu có hệ thống giao thông ngầm gánh bớt sự quá tải nói trên như nhiều nước trên thế giới, chắc chắc hình ảnh này sẽ không còn!
Không gian ngầm của một thành phố bao gồm hệ thống giao thông ngầm (đường sắt cao tốc và nhà ga; bãi đỗ xe ngầm; hầm giao thông đường bộ; bãi đỗ xe ôtô và các phương tiện khác...) cùng nhiều công trình như: đường tải điện và thông tin; tầng hầm nhà cao tầng; trung tâm thương mại hay văn hóa - dịch vụ; hệ thống kỹ thuật đa năng; hệ thống thoát nước; các công trình phòng vệ dân sự... Như nhiều nước tiên tiến trên thế giới, có thể hình dung, không gian ngầm của một đô thị chính là 50% cuộc sống vật chất, tinh thần của thành phố đó đang “hạ thổ”, tồn tại song hành dưới mặt đất. Có thể khẳng định, không gian ngầm là giải pháp duy nhất, hiệu quả nhất, khắc phục sự quá tải của một đô thị đang ngày một phát triển về mọi phương diện. Không có công trình ngầm, đến một lúc nào đó, các đô thị sẽ tê liệt hoàn toàn...
Các đô thị ở Đồng Tháp nói riêng, các tỉnh lẻ trong vùng và cả nước nói chung, tuy chưa đến mức như Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, song vả chăng, ngay từ bây giờ, rút kinh nghiệm sâu sắc, cần có tầm nhìn xa, tiến hành chuẩn bị một quy hoạch tổng thể không gian ngầm cho từng đô thị cụ thể, nhất là các đô thị đã trở thành thành phố. Đây là một thao tác không bao giờ thừa. Ngược lại, rất quan trọng và cần thiết của mỗi đô thị, trong sự song hành với quy hoạch tổng thể trên mặt đất.
Cũng cần nhắc lại để thấy, TP Cao Lãnh là đô thị rất trẻ, nhưng có lẽ, vì quy hoạch tổng thể chưa đi trước và kịp thời, nên đến giờ, không ai là không nhận ra, ở đây, so với nhiều thành phố khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt, so ngay với “thành phố cổ” Sa Đéc, sự nhỏ lẻ và chậm chạp dường như vẫn còn hiện hữu đây đó; tính hiện đại và hoành tráng của một đô thị tỉnh lỵ là chưa nhiều, chưa xứng tầm...
Trở lại đề tài không gian ngầm của các đô thị ở Đồng Tháp. Ý tưởng chính của bài báo này là, tại thời điểm này, hoàn toàn không hề quá sớm chút nào, khi tiến hành thiết kế một quy hoạch không gian ngầm cho TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, TP Hồng Ngự..., cho dù hoạt động xây dựng không gian ngầm đó, có thể phải vài chục năm sau, thậm chí cả trăm năm nữa mới tiến hành. Quy hoạch tổng thể đó là hiện thân sinh động của luật pháp, kim chỉ nam cho bất cứ hoạt động xây dựng công trình ngầm nào bắt đầu từ khi nó ra đời, khiến không có bất cứ một tổ chức, cá nhân nào có thể vi phạm và được phép chệch ra ngoài. Vì như đã nhắc ở trên, vì chậm trễ nên hành vi tự phát xây dựng các công trình ngầm, không theo quy hoạch tổng thể, đã khiến Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn khác đang phải trả giá đắt trong xây dựng các công trình ngầm công cộng hiện nay, nhất là thao tác giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn, phức tạp.
Ở các thành phố của Đồng Tháp hiện nay, nếu coi quy hoạch tổng thể đô thị trên mặt đất đang diễn ra là “cõi thực” và đang từng bước nâng cao, hoàn thiện, thì cũng có thể ví von, bản quy hoạch tổng thể công trình ngầm của các thành phố đó như là “cõi mơ”. Nói “cõi mơ” vì nó chưa diễn ra. Nhưng “cõi mơ” ấy rồi sẽ trở thành “cõi thực” trong thời gian không xa, bởi vì, đó chính là quy luật sinh động của cuộc sống loài người, không một đô thị nào có thể cứ “mơ” mãi... Chờ đến khi quy hoạch tổng thể trên mặt đất ổn rồi mới tiến hành quy hoạch tổng thể không gian ngầm như các địa chỉ nêu trên là quá muộn. Bài học đắt giá nói trên, cần thiết phải được các đô thị khác trong cả nước, trong đó có Đồng Tháp rút ra một cách kịp thời, đồng thời có ngay phương cách tiến hành rốt ráo nhất có thể.
Chắt chít của chúng ta sẽ vô cùng biết ơn các thế hệ bây giờ, khi đã nhìn xa trông rộng, không chỉ xây dựng, kiến thiết một đô thị trên mặt đất hiện đại mà còn hoạch định một không gian ngầm kèm theo tương xứng. Nếu nói rằng, các thế hệ chắt chít của chúng ta sẽ được và phải sống “ngầm” khá nhiều thời gian trong cả cuộc đời mình, có lẽ, đó không phải là điều gì thuộc về thế giới viễn tưởng.
Vì một tương lai tốt đẹp, yên bình về mọi phương diện của các đô thị ở Đồng Tháp, lúc này, sự ra đời của những quy hoạch tổng thể không gian ngầm thuộc các thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự... không còn là quá sớm.