Kỳ 2: Dưới những mái trường Xô viết (Tiếp theo và hết)

Tổng cộng 8 năm gắn bó với đất nước và con người Liên Xô/Liên bang (LB) Nga (gồm 2 lần học cơ bản, 3 lần học bay chuyển loại và sau này là thời gian làm việc với những chuyên gia Nga ở Nga và Việt Nam), Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho rằng mình may mắn được hiểu biết hơn và chứng kiến 'mối ân tình' Xô-Việt sắt son vào những giai đoạn gian khó...

“Chúng tôi được học những phi công tài giỏi”

Nếu thầy Mikhail Fransevich Skuratovich là người có ảnh hưởng lớn tới con đường binh nghiệp của Thượng tướng Võ Văn Tuấn thì những thầy giáo phi công thử nghiệm của nước bạn đã chắp cho ông đôi cánh để bay cao trong sự nghiệp của một phi công quân sự, bước đệm vững chắc giúp ông tiến thêm những bước cao hơn, xa hơn trên con đường binh nghiệp. Đó là các phi công thử nghiệm nổi tiếng như Anh hùng Liên Xô Viktor Pugachev, Anh hùng LB Nga Sergey Melnikov, Anh hùng LB Nga Vyacheslav Averyanov. “Được bay với các phi công thử nghiệm anh hùng đó là một trong những diễm phúc của 6 phi công Việt Nam và cũng có thể coi là sự ưu ái mà nước bạn dành cho chúng ta thời bấy giờ”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ. Ông cho biết, nếu học chuyển loại bay Su-27 trong trường, bạn sẽ đào tạo các học viên theo một cách khác. Thế nhưng, nếu được các phi công thử nghiệm đào tạo trực tiếp thì không gì tuyệt vời hơn, bởi họ là những phi công dày dạn kinh nghiệm bay thực tế. Các học viên Việt Nam được các thầy truyền đạt những bài bay trong khả năng tối đa cùng những kiến thức và kinh nghiệm quý báu. Đó là những phi công đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm đầy mạo hiểm và được phong anh hùng. Tuổi của các thầy giáo phi công Nga và các học viên Việt Nam dạo đó không hơn kém nhau là mấy vì họ đều là những phi công.

 Phi công quân sự cấp 1 Võ Văn Tuấn trên chiếc tiêm kích Su-27. Ảnh tư liệu

Phi công quân sự cấp 1 Võ Văn Tuấn trên chiếc tiêm kích Su-27. Ảnh tư liệu

Trong một chuyến đi tới LB Nga vào năm 2019, Thượng tướng Võ Văn Tuấn tham gia đoàn công tác của Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Nga, đã tổ chức buổi gặp mặt cảm động tri ân các thầy giáo phi công anh hùng. Năm 2020, ông và các học viên học chuyển loại bay Su-27 năm nào dự định tổ chức mời các thầy sang Việt Nam để kỷ niệm tròn 25 năm kết thúc khóa học bay chuyển loại Su-27 về nước, nhưng tiếc là vì đại dịch Covid-19 nên chưa thể thực hiện.

Đoàn phi công đầu tiên học chuyển loại Su-27 hồi đó chỉ có 6 người. Họ được các thầy giáo huấn luyện bay chuyển loại trên máy bay Su-27SK, loại máy bay hiện đại thế hệ thứ tư của LB Nga vào năm 1995. Trưởng đoàn hồi đó chính là phi công nổi tiếng của Việt Nam-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát. Đã là phi công chiến đấu lái tiêm kích MiG-21, Su-22M nên việc bay chuyển loại sang Su-27 không quá khó khăn. Chỉ có hai tháng rưỡi học bay chuyển loại tại Viện Thiết kế-Thử nghiệm Sukhoi ở Moscow nên anh em trong đoàn ai cũng quyết tâm hoàn thành thật tốt khóa học, tiếp thu tối đa những gì mà các thầy truyền dạy để về nước đáp ứng yêu cầu làm chủ khí tài hiện đại, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

 Đoàn phi công quân sự đầu tiên gồm 6 thành viên học chuyển loại Su-27 năm 1995 (phi công Võ Văn Tuấn đứng ngoài cùng, bên phải) và thầy giáo Viktor Pugachev. Ảnh tư liệu

Đoàn phi công quân sự đầu tiên gồm 6 thành viên học chuyển loại Su-27 năm 1995 (phi công Võ Văn Tuấn đứng ngoài cùng, bên phải) và thầy giáo Viktor Pugachev. Ảnh tư liệu

“Tới Việt Nam, tôi truyền đạt bằng cả trái tim”

Sau khi về nước, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Đây cũng là thời điểm trung đoàn được trang bị Su-27 và có cả Su-22. Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết, đây là dấu mốc quan trọng của Không quân nhân dân Việt Nam, cũng là một trang mới trong hợp tác khoa học-kỹ thuật quân sự Việt-Nga. Sự hỗ trợ của nước bạn khi đó là tiền đề quan trọng để Không quân nhân dân Việt Nam tiếp tục phát triển với những trang bị hiện đại như Su-30... Trên cương vị Trung đoàn trưởng thời kỳ đó, ông có quãng thời gian làm việc và phối hợp với các chuyên gia Nga trong nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo các thế hệ phi công kế cận. Điều thú vị là sau này có hai thầy giáo phi công anh hùng đã trực tiếp sang Việt Nam đào tạo, vậy là cả thầy Nga và trò Việt Nam thuở nào lại cùng là thầy giáo huấn luyện cho các phi công Su-27, Su-30 của Việt Nam lúc bấy giờ.

Thời gian đảm nhiệm vị trí Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, ông cũng là Biên đội trưởng của biên đội Su-27 đầu tiên bay tuần tra vùng biển, đảo Trường Sa. Sau này, dù đã trở thành tướng lĩnh cấp cao của quân đội và kể cả khi nghỉ hưu, nhiều người vẫn nhớ tới ông là một trong những phi công quân sự bay Su-27 giỏi nhất Việt Nam.

Quãng thời gian về sau được làm việc cùng các thầy giáo phi công, kỹ thuật viên và chuyên gia Nga sang Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật tại sân bay Thành Sơn ở Phan Rang, khi ta tiếp nhận Su-27, có nhiều kỷ niệm khó quên với Trung đoàn trưởng Võ Văn Tuấn. Ở nơi “gió như phang, nắng như rang”, việc quen với khí hậu nóng bức là không dễ với những người đến từ xứ lạnh như nước Nga. Trong khi đó, thời hạn làm việc theo hợp đồng lại eo hẹp. Các chuyên gia Nga phải chạy đua với thời gian để huấn luyện cho phi công, kỹ thuật viên của ta với tinh thần làm việc hết mình, vô điều kiện, miễn sao trong thời gian ngắn có thể đạt hiệu quả cao nhất. Thượng tướng Võ Văn Tuấn còn nhớ đã rất xúc động khi Trưởng đoàn chuyên gia kỹ thuật Nga Rolkin tâm sự rằng: “Các nước khác cũng mua Su-27, nhưng sang Việt Nam, tôi truyền đạt bằng cả trái tim mình, không kể đến tiền bạc”...

Những học viên hạnh phúc

Theo mạch những kỷ niệm đầy ăm ắp, ông kể thêm về lần đầu tiên đặt chân tới Liên Xô vào năm 1976. Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết, lúc đó, đoàn học viên quân sự có 11 người, lớn nhất mới 21 tuổi và nhỏ nhất là 17 tuổi. Học ở Trung tâm Huấn luyện Không quân Liên Xô đặt tại một nước CH Xô viết ở vùng Trung Á, nằm cách xa thủ đô Moscow hàng nghìn cây số nên điều kiện rất khó khăn. “Chúng tôi sang vào thời kỳ đó tuy vất vả nhưng bù lại rất hạnh phúc. Việt Nam vừa giành chiến thắng 30-4-1975 nên gặp chúng tôi ai cũng chào mừng, hỏi han, rất quý trọng. Các bạn hỏi về chiến tranh Việt Nam, khâm phục chiến thắng và bày tỏ tình cảm với đất nước nhỏ bé đã đánh thắng đế quốc xâm lược. Sự yêu mến, giúp đỡ nhiệt tình của thầy, cô và người dân Liên Xô lúc đó dành cho chúng tôi là nguồn an ủi, động viên rất lớn”.

 Hai cặp cha con phi công Nga-Việt tái ngộ tại Hà Nội năm 2017. Ảnh tác giả cung cấp.

Hai cặp cha con phi công Nga-Việt tái ngộ tại Hà Nội năm 2017. Ảnh tác giả cung cấp.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn có 4 năm học chỉ huy tham mưu không quân dưới mái trường mang tên nhà du hành vũ trụ huyền thoại Liên Xô Yuri Gagarin (từ năm 1983 đến 1987)-Học viện Không quân Gagarin và 2 lần học chuyển loại ở cái nôi đào tạo ra nhiều thế hệ phi công anh hùng cho Việt Nam-Trường Không quân Krasnodar. Với những ký ức vẹn nguyên với Liên Xô/LB Nga, vị tướng giàu tình cảm luôn tìm cơ hội trở lại mái trường xưa. Ông cho biết, Học viện Không quân Gagarin đã chuyển địa điểm, khi ông trở lại chỉ còn khu ký túc xá cũ ngày xưa. Năm 2018, ông đã cùng tham gia tổ chức được một đoàn gồm gần 30 cựu học viên cùng thân nhân thăm lại mái trường ở thành phố Krasnodar, vào đúng kịp kỷ niệm 80 năm thành lập trường. Trong đoàn có các cựu học viên là Anh hùng phi công Lê Thanh Đạo, Phạm Phú Thái. Gặp tri ân những người thầy cũ, thăm lại trường xưa, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết, các thành viên trong đoàn vô cùng xúc động khi trong phòng truyền thống của trường, gian trưng bày liên quan tới Việt Nam là nổi bật nhất. Trong đó có trưng bày ảnh của các phi công anh hùng nổi tiếng của Việt Nam như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân...

Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ thêm, giai đoạn từ khi bắt đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc, sự viện trợ của Liên Xô cho các lực lượng cách mạng Việt Nam là cực kỳ to lớn, đặc biệt là lực lượng không quân. Liên Xô đã nhận hàng trăm học viên sang đào tạo phi công quân sự để các phi công kịp thời trở về nước tham gia chiến đấu như Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Vũ Ngọc Đỉnh... Giai đoạn tiếp theo từ năm 1965, phi công của Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô đều rất gấp, chỉ tầm hai năm, để đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu. Các Anh hùng phi công như: Nguyễn Đức Soát, Phạm Phú Thái, Nguyễn Tiến Sâm, Phạm Tuân... từng được đào tạo ở Liên Xô đều là lực lượng nòng cốt của không quân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thượng tướng Võ Văn Tuấn cũng không quên nhắc tới những khí tài hiện đại và hiệu quả mà nước bạn viện trợ cho ta vào thời kỳ đó là các máy bay tiêm kích MiG-17, MiG-21 cùng đội ngũ phi công được đào tạo chất lượng dưới những mái trường Xô viết.

 Thượng tướng Võ Văn Tuấn (bên trái) và thầy giáo, Anh hùng Liên Xô Viktor Pugachev (người đứng giữa) trong cuộc gặp mặt tri ân tại Liên bang Nga, năm 2019.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn (bên trái) và thầy giáo, Anh hùng Liên Xô Viktor Pugachev (người đứng giữa) trong cuộc gặp mặt tri ân tại Liên bang Nga, năm 2019.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn tâm sự rằng, ông rất vui vì mặc dù đại dịch Covid-19, ông và các đồng nghiệp ở Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Nga vẫn cố gắng tổ chức được các hoạt động kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-LB Nga và Năm chéo Việt-Nga 2019-2020. “Đây là những dự định mà chúng tôi ấp ủ từ lâu với cả tấm lòng tri ân, góp phần khẳng định tình bạn, tình hữu nghị lâu bền giữa hai quốc gia vào dịp có ý nghĩa đặc biệt như vậy. Chúng tôi luôn hy vọng đại dịch sẽ qua để sớm được gặp lại những người bạn cũ từ xứ sở bạch dương, cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp một thời gian khó, sát cánh bên nhau...”.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn rất vui khi kể về tình bạn thân thiết suốt nhiều năm giữa con trai ông là Võ Tuấn Dũng và con trai thầy Vyacheslav Averyanov. Hai người có nhiều kỷ niệm tuổi thơ ở Việt Nam khi cùng theo cha tới nơi làm việc ở sân bay Thành Sơn, Phan Rang. Ngày ấy, hai cậu bé hồn nhiên chơi với nhau, cùng mong ước lớn lên sẽ làm phi công để được bay trên bầu trời giống cha mình. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực: Một người từng là phi công trẻ nhất Việt Nam khi mới 25 tuổi (năm 2011) và một người là phi công thử nghiệm trong phi đội Su-30 mang tên “Hiệp sĩ Nga”. Hai cặp cha con phi công đã có 3 lần tái ngộ đầy xúc động ở cả Việt Nam và LB Nga.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nuoc-nga-trong-trai-tim-toi-nam-2020/ky-2-duoi-nhung-mai-truong-xo-viet-tiep-theo-va-het-644925