Kỳ 2: Gắn bó thủy chung, hợp tác toàn diện

62 năm kể từ ngày kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu, lịch sử của đất nước đã trải qua nhiều giai đoạn, Ninh Bình và Bạc Liêu, Cà Mau đã nhiều lần được sáp nhập, chia tách và có lúc được biết đến với những cái tên hoàn toàn mới. Song dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vẫn hướng về nhau và dành cho nhau những tình cảm chân thành, những hoạt động nghĩa tình, thể hiện sự gắn bó, thủy chung son sắt. Trong những năm gần đây, không chỉ dừng lại ở các hoạt động thăm hỏi, động viên, tri ân mà các địa phương còn đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, qua đó nâng cấp mối quan hệ kết nghĩa lên tầm cao mới.

Thành phố Cà Mau hôm nay. Ảnh: P.V

Thành phố Cà Mau hôm nay. Ảnh: P.V

Sau năm 1975, việc giao lưu, kết nghĩa giữa các tỉnh ngày càng được tăng cường. Hàng trăm cán bộ chủ chốt của tỉnh, các sở, ngành và hàng nghìn bà con nhân dân Ninh Bình đã đến với Bạc Liêu, Cà Mau để khai hoang, phục hóa xây dựng nên những vùng kinh tế mới. Trong số đó nhiều người đã quyết định gắn bó cả cuộc đời mình với vùng đất phương Nam, với họ nơi này đã thực sự là quê hương thứ hai. Gắn bó với Cà Mau đến nay vừa tròn 42 năm, ông Trần Kim Chung, Trưởng Ban Liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình tại Cà Mau vẫn không thể nào quên những ngày đầu đặt chân đến đất Minh Hải. Năm 1980, ông đang là Trưởng phòng kế hoạch Nông trường Bình Minh thì được tỉnh Ninh Bình cử vào tăng cường cho Ban Kinh tế mới tỉnh Minh Hải.

Ông Chung bồi hồi nhớ lại: Những năm 1980, các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là về thủy lợi của tỉnh Minh Hải còn yếu kém và sơ khai. Nước ngọt thiếu trầm trọng ở nhiều vùng. Bà con phải đi 7-8km mới mua được nước ngọt mà đường sá thì không có, chủ yếu là kênh rạch, phải đi lại bằng ghe xuồng. Những năm tháng ông Chung cùng với bà con người Ninh Bình và bà con Cà Mau cải tạo đất, thau chua, rửa mặn, kiến thiết đồng ruộng… khó có thể nói hết thành lời, chỉ biết rằng đã có không ít người vì mắc dịch tả, vì mắc sốt rét, vì tai nạn lao động đã vĩnh viễn nằm lại vùng đất này.

Trong khi đó, đồng ruộng liên tục bị xâm nhập mặn khiến cho việc trồng cấy ở nhiều nông trường thất bại. Tất cả như thách thức sự kiên trì, nhẫn nại của những người đi khai cơ lập nghiệp. Đời sống khổ cực đã khiến nhiều người có tâm lý chán nản, không ít bà con phía Bắc sau một thời gian không trụ nổi đã tìm cách trở lại cố hương. Gian truân là vậy nhưng ông Chung và các đồng chí cán bộ của tỉnh Ninh Bình được đi tăng cường hỗ trợ đồng bào Minh Hải luôn xác định phải nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm ra các giải pháp để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân địa phương, xứng đáng với sự tin tưởng mà quê hương Ninh Bình giao trọng trách.

Trên cương vị công tác, với tấm lòng kết nghĩa của người dân Ninh Bình và với trình độ quản lý, ông Chung cùng các cộng sự đã tích cực tham mưu với các cấp ủy, chính quyền tỉnh Minh Hải thực hiện quy hoạch đồng ruộng, lập kế hoạch huy động và sử dụng nguồn vốn của Trung ương, của địa phương để đầu tư một cách hiệu quả hạ tầng cho vùng kinh tế mới. Từ đó góp phần xây dựng các tuyến đường giao thông; từng bước thực hiện cơ giới hóa sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi; khoan giếng giải quyết nhu cầu nước ngọt sinh hoạt cho nhân dân… "Một thuận lợi căn bản giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, đó là đi đến đâu, ở thành thị hay tận các chòm, ấp xa xôi, mỗi khi nhắc tới người Ninh Bình thì dường như mình đã trở thành người nhà của đồng bào Cà Mau. Chính vì vậy, chúng tôi luôn được làm việc trong môi trường đoàn kết, đầy tình thân. Đó cũng là lý do tôi quyết định chọn Cà Mau là quê hương thứ hai của mình"- ông Chung chia sẻ.

Trong khó khăn, gian khổ, những người con Ninh Bình đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần chia ngọt, sẻ bùi để chung lưng đấu cật với người anh em kết nghĩa Bạc Liêu - Cà Mau, góp sức bảo vệ, xây dựng và kiến thiết quê hương, đất nước. Ngoài lực lượng cán bộ dân sự, cán bộ quân đội và giáo viên tăng cường, đến với Bạc Liêu, còn có hàng nghìn người dân Ninh Bình đến trợ giúp tỉnh Minh Hải. Đây là những người con cần cù lao động, chịu thương chịu khó, những người đã góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Bạc Liêu, Cà Mau hôm nay.

Để đáp lại nghĩa tình sâu nặng của những người anh em kết nghĩa Ninh Bình, lãnh đạo tỉnh Minh Hải trước đây, Bạc Liêu - Cà Mau hiện nay luôn xem cán bộ và nhân dân người Ninh Bình ở Cà Mau - Bạc Liêu như người Cà Mau - Bạc Liêu vậy; luôn yêu quý con người và quê hương Ninh Bình; luôn tạo điều kiện để các đồng chí và bà con người Ninh Bình phát triển trên mọi lĩnh vực.

Năm tháng qua đi, lớp trước tiến lên, lớp sau kế bước, mối quan hệ kết nghĩa, thủy chung, nghĩa tình giữa Ninh Bình - Bạc Liêu - Cà Mau vẫn luôn là niềm tự hào của nhân dân các tỉnh, đã ghi vào những trang sử vẻ vang của 3 tỉnh. Nối tiếp truyền thống quý báu đó, cách đây hơn 5 năm (năm 2016), 3 tỉnh Ninh Bình- Bạc Liêu- Cà Mau đã tổ chức ký kết hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giai đoạn 2017- 2021. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể nhằm đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa 3 tỉnh lên một tầm cao mới, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng quê hương Ninh Bình, Bạc Liêu, Cà Mau ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác, kết nghĩa, lãnh đạo 3 tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện để các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp triển khai hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên tất cả những lĩnh vực kết nghĩa, hợp tác. Đã có nhiều hơn các cuộc điện đàm trao đổi, gặp gỡ, làm việc giữa lãnh đạo cấp tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương ở các tỉnh nhằm kịp thời thông tin, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác. Các sở, ngành của 3 địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai những nội dung của Bản ghi nhớ.

Nhờ vậy, quan hệ kết nghĩa, hợp tác giữa 3 tỉnh thời gian qua đã có bước phát triển tích cực. Trên lĩnh vực kinh tế, 3 tỉnh đã tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; phối hợp giới thiệu về những tiềm năng và thế mạnh của các địa phương để mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư.

Các địa phương đã đẩy mạnh liên kết để tạo sức mạnh và tăng cường phối hợp tổ chức hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, mời gọi đầu tư vào các khu du lịch có thế mạnh như du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng... Qua đó phát triển mạng lưới du lịch, phát huy lợi thế tiềm năng du lịch của mỗi địa phương. Trên cơ sở Bản ghi nhớ nội dung hợp tác, ngành nông nghiệp các tỉnh đã phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế biển. Đã có mô hình hợp tác, hỗ trợ của Cà Mau được triển khai tại Ninh Bình như mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn tại vùng ven biển huyện Kim Sơn.

Theo đánh giá của ngành chức năng, mô hình này phù hợp với vùng ven biển Kim Sơn khi tỷ lệ tôm sống đạt trên 50%, tôm đạt kích cỡ 30g/con, năng suất đạt trên 1000kg/ ha. Ở chiều ngược lại, tỉnh Ninh Bình cũng đã tiến hành hỗ trợ sản xuất thử nghiệm giống lúa Nếp cau (giống lúa đặc sản của tỉnh Ninh Bình) tại vùng sản xuất lúa-tôm và vùng sản xuất lúa mùa của tỉnh Cà Mau.

Riêng Cà Mau và Bạc Liêu là địa bàn giáp ranh, có nền sản xuất nông nghiệp tương đồng nên các hoạt động phối hợp, trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa cơ quan chuyên môn, nhân dân hai địa phương trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp diễn ra thường xuyên, chặt chẽ, nhất là phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nuôi trồng thủy sản, quản lý giống thủy sản.

Các mô hình và kinh nghiệm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông nghiệp - thủy sản; về xây dựng nông thôn mới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; về phát triển kinh tế biển… cũng được các địa phương sẵn sàng chia sẻ, hợp tác, qua đó khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Bên cạnh hợp tác đầu tư phát triển kinh tế, thời gian qua các tỉnh đã, đang tiếp tục đẩy mạnh giao lưu hợp tác trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, chú trọng hợp tác phát triển giáo dục nhằm đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước. Nhiều ngôi nhà tình nghĩa mà các địa phương ủng hộ, xây dựng. Các hoạt động giao lưu văn hóa-nghệ thuật với Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu, Nhà hát chèo Ninh Bình; các buổi trưng bày chuyên đề "Kinh đô Hoa Lư" tại Cà Mau… đã được tổ chức, qua đó làm sâu sắc hơn nghĩa tình kết nghĩa keo sơn, thủy chung, thấm đẫm tình đất, tình người Ninh Bình - Bạc Liêu - Cà Mau.

Kết quả của chương trình hợp tác toàn diện đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự giao lưu, phát triển của các tỉnh, làm tiền đề quan trọng để mở ra những cơ hội hợp tác toàn diện hơn trong tương lai.

Đinh Ngọc
(Còn nữa)

Kỳ 1: "Là hoa một gốc, là con một nhà"

Kỳ 3: Cùng nhau xây đắp tương lai

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-2-gan-bo-thuy-chung-hop-tac-toan-dien/d20220428081017794.htm