Kỳ 2: Gạt đi những trăn trở để nâng tầm thương hiệu nông sản

PTĐT -  Trong quá trình phát triển cây ăn quả có múi cũng còn những trăn trở trong giữ thương hiệu bưởi Đoan Hùng, đến việc quy hoạch, xây dựng chuỗi giá trị để làm sao việc trồng cây ăn quả có múi không rơi vào tình trạng ồ ạt dẫn tới phải 'giải cứu' nông sản hoặc 'được mùa rớt giá'.

PTĐT - Trong quá trình phát triển cây ăn quả có múi cũng còn những trăn trở trong giữ thương hiệu bưởi Đoan Hùng, đến việc quy hoạch, xây dựng chuỗi giá trị để làm sao việc trồng cây ăn quả có múi không rơi vào tình trạng ồ ạt dẫn tới phải “giải cứu” nông sản hoặc “được mùa rớt giá”. Hơn thế, đó là từng bước thực hiện cho kỳ được mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh như Nghị quyết số 12 hướng tới. >>> Kỳ 1: "Cây vàng" của nghị quyết

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến hết tháng 8/2019, tổng diện tích bưởi của toàn tỉnh đạt 4.207ha, trong đó có 1.430ha bưởi đặc sản Đoan Hùng, 2.741 ha bưởi Diễn. Tổng sản lượng bưởi ước đạt gần 32.000 tấn. Hiện nay đã hình thành 151 vùng sản xuất bưởi tập trung, trong đó có 23 vùng trồng bưởi đặc sản tập trung ở huyện Đoan Hùng và 128 vùng khác tại các huyện, thành, thị. Toàn tỉnh xây dựng được 33 trang trại; 5 HTX, 1 tổ hợp tác trồng cây ăn quả có múi; triển khai 4 dự án KHCN để nghiên cứu, chuyển giao các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm cải tạo, phục hồi, nâng cao chất lượng mẫu mã bưởi quả đặc sản, xây dựng thương hiệu.

Để phát triển cây ăn quả có múi, tránh tình trạng trồng ồ ạt dẫn tới phải “giải cứu” nông sản hoặc “được mùa rớt giá” như đối với một số sản phẩm nông nghiệp vừa qua, Phú Thọ đã xây dựng được các mô hình sản xuất, thâm canh bưởi theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Mô hình sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao với quy mô 86ha tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba do Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ nông nghiệp H2 xây dựng; mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, có hợp đồng tiêu thụ hàng năm với VinEco, tại xã Trung Thịnh, huyện Thanh Thủy, có diện tích 36ha bưởi Diễn, Da xanh, ổi và chanh Tứ thì, cho lợi nhuận khoảng gần 200 triệu/ha/năm và mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng. Trong đó, mô hình tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng 3 cửa hàng giới thiệu, quảng bá, kinh doanh bưởi đặc sản Đoan Hùng, hỗ trợ xây dựng Cổng Thông tin điện tử cho Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Đoan Hùng, tạo ra kênh thông tin, trao đổi giữa người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Mô hình sản xuất cam, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm: Tại Y Sơn, Hạ Hòa quy mô diện tích 4ha; Thu Cúc, Thanh Sơn quy mô diện tích 5ha; Tiên Kiên, Lâm Thao quy mô diện tích 4ha. Năm 2018 đã công nhận 249 cây đầu dòng bưởi Diễn và bưởi Đoan Hùng (209 cây bưởi Diễn và 40 cây bưởi Đoan Hùng) và hình thành được các cơ sở nhân giống cây ăn quả với công suất 1,3 - 1,5 triệu cây/năm, đáp ứng đủ nhu cầu giống cây ăn quả của tỉnh,... Nhiều diện tích trồng bưởi cho thu nhập cao từ 400 - 600 triệu/ha, đời sống của người dân được cải thiện góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó các huyện đã triển khai xây dựng một số mô hình sản xuất giống bưởi da xanh, Xuân Vân, một số giống cam, quýt bước đầu cho hiệu quả tốt, nhất là trên diện tích đất đồi ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập… Đối với thương hiệu bưởi Đoan Hùng, ông Nguyễn Hoàng Minh- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đoan Hùng cho biết: Để tránh tình trạng giả danh bưởi Đoan Hùng, huyện đã thực hiện tốt công tác quản lý dán tem truy xuất nguồn gốc và tăng cường kiểm tra sản xuất và kinh doanh bưởi hàng hóa trên địa bàn, xử lý các trường hợp vi phạm trong quảng cáo, lợi dụng thương hiệu bưởi đặc sản để kinh doanh kiếm lời đồng thời củng cố và phát triển các điểm, quầy hàng giới thiệu sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh phía Bắc; phát huy vai trò Hiệp hội sản xuất, kinh doanh bưởi, đây là cầu nối giữa người trồng bưởi với doanh nghiệp để tạo thị trường đầu ra ổn định.

Bên cạnh phát triển cây bưởi, để thực hiện nghị quyết hiệu quả, ngành Nông nghiệp tiếp tục có khuyến cáo, hướng dẫn để người dân lựa chọn cây ăn quả có múi phù hợp với thổ nhưỡng như trồng cam, chanh… Điển hình như bà Ngô Thị Nhi ở xóm Lở, xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn chia sẻ đã không lựa chọn cây bưởi để phát triển kinh tế hộ mà lựa chọn cây cam Cao Phong. Sau khi tận dụng đất đồi, cải tạo vườn tạp, gia đình bà Nhi đã trồng gần 200 gốc cam Cao Phong. Với đặc tính cam Cao Phong trồng và chăm sóc tương tự như cây bưởi nên không mất nhiều công, đem lại thu nhập cho gia đình vài trăm triệu đồng mỗi năm. Tại huyện Đoan Hùng, ngoài những xã trong quy hoạch phát triển cây bưởi, người dân cũng lựa chọn trồng giống chanh tứ thời hay còn gọi là chanh tứ quý. Tại xã Quế Lâm, giống chanh này đã góp phần chuyển đổi diện tích cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân, đây cũng là địa phương trồng nhiều chanh tứ thời nhất tỉnh. Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Ngọc Tuấn ở khu 8 đã chuyển đổi đất vườn rộng khoảng 1ha để trồng hơn 1000 gốc chanh tứ thời. Theo anh Tuấn, nếu chăm sóc tốt, cây chanh từ 2 năm tuổi có thể cho thu 3- 4 vụ với sản lượng lên tới 1 tạ quả/cây, thu lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ.

Ông Trần Tú Anh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT cho biết: Mục tiêu phát triển cây ăn quả có múi đến năm 2020 cơ bản đã cập với Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên ngành nông nghiệp và các địa phương cần tiếp tục quản lý quy mô sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nóng cây cam, bưởi, nhất là tại các vùng không phù hợp. Cần đẩy mạnh hình thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thương hiệu, bán hàng kém chất lượng. Từng bước thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp sơ chế, chế biến sản phẩm cây ăn quả có múi gắn với vùng sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm đồng thời huy động điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp cận được các chính sách hỗ trợ một cách tốt nhất.Trong quá trình thực hiện bài viết này, niềm vui của chúng tôi khi nhìn những vườn bưởi, vườn cam, chanh trĩu quả không đơn thuần chỉ là giải quyết bài toán thu nhập cho người nông dân, quan trọng hơn là việc nhất quán, đồng thuận trong thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh đã thay đổi quan điểm, tư duy, trình độ sản xuất nông nghiệp, góp phần đổi thay diện mạo các vùng quê Phú Thọ.

Nhóm PV điện tử

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201910/ky-2-gat-di-nhung-tran-tro-de-nang-tam-thuong-hieu-nong-san-167140