Kỳ 2: Gia đình là điểm tựa...
Tâm sự với PV Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội (Báo Kinh tế & Đô thị), anh Ngô Xuân Thưởng không giấu được niềm vui khi nhận sự giúp đỡ của cán bộ CA, chính quyền địa phương và đặc biệt là gia đình đã khiến anh vượt qua được chính mình, vượt qua mặc cảm tội lỗi, đứng lên làm lại cuộc đời.
Những mảnh ghép từng một thời lầm lỡ được “hồi sinh” ở cộng đồng:
Quyết tâm từ cơ sở
Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng CA huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: Để làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, quản lý tốt những đối tượng từng có quá khứ lầm lỡ, CA huyện đã thường xuyên phối hợp với CA xã, thị trấn, các đơn vị nghiệp vụ để cập nhật bổ sung các thông tin, tài liệu cần thiết.
Trên cơ sở kết quả phân loại người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn, CA địa phương sẽ đề xuất, tham mưu cho UBND huyện, UBND TP Hà Nội, Bộ CA những chủ trương, biện pháp làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với từng địa bàn cấp xã, thị trấn. Nhờ làm tốt công tác tham mưu, điều tra cơ bản từ khâu ban đầu và sự phối kết hợp với các ban ngành, đoàn thể, gia đình..., những năm qua, trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã có nhiều trường hợp tái hòa nhập tốt, có công ăn việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình. Trường hợp anh Ngô Xuân Thưởng, SN 1980, trú tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội là một ví dụ cụ thể.
Chia sẻ với PV, anh Ngô Xuân Thưởng không giấu được niềm vui khi được sự giúp đỡ của CA, chính quyền địa phương và đặc biệt là gia đình đã khiến anh vượt qua được chính mình, vượt qua mặc cảm tội lỗi, đứng lên làm lại cuộc đời.
Anh Thưởng không ngần ngại kể về lần vấp ngã của mình mà theo người đàn ông có vợ và 3 con này thì đó mãi là bài học nhớ đời, không bao giờ lặp lại. “Tôi vốn là người Hải Dương lên đây lập nghiệp. Gia đình có nghề lái xe nên thu nhập cũng khá nhưng vì cứ nay đây mai đó nên những lúc rảnh rỗi, tôi lại giết thời gian bằng trò đánh bạc. Đó vừa là thú tiêu khiển song cũng là lần vấp ngã đáng nhớ của tôi”, anh Thưởng bộc bạc
Một lần ngồi sát phạt, Thưởng và nhóm bạn bị lực lượng chức năng bắt giữ. Với hành vi đánh bạc bị bắt quả tang, Ngô Xuân Thưởng bị kết án 10 tháng tù giam. Thời gian chờ đi thi hành án, người đàn ông này suy nghĩ rất nhiều. “Mất 1 tuần đắn đo, suy nghĩ, tính toán thiệt hơn, tôi mới quyết định nộp đơn xin được đi trả án.
Thời điểm tôi đi thi hành án đúng lúc dịch Covid bắt đầu bùng phát nên cả một quãng thời gian dài tôi không một lần được gặp người thân. Không phải gia đình lãng quên, không đoái hoài mà tại dịch giã nên tất cả các trại giam, trại cải tạo đều dừng những cuộc thăm thân. Để có thể biết tin về bố mẹ, vợ con, tôi chỉ có thể tích cực lao động để hàng tháng được gọi điện về nhà. Dù chỉ là mấy phút ít ỏi nhưng nghe được tiếng vợ con, biết tình hình bố mẹ ở nhà vẫn khỏe mạnh là tôi mừng đến phát khóc”, anh Thưởng tâm sự.
Sự chan hòa cho tôi có cơ hội làm lại cuộc đời
Người đàn ông này kể rằng ban đầu cũng chưa có ý định đi trả án sớm nhưng sau khi cân nhắc mới quyết định “đi sớm, về sớm”. Theo lý giải của anh Thưởng thì thời điểm đó, dịch bệnh bắt đầu bùng phát nên công việc chạy xe chở hàng không còn nhận được nhiều đơn hàng như trước nên anh quyết định đi trả án sớm. Anh bảo trước khi đi, có ra thưa chuyện với bố mẹ và bàn bạc với vợ. Được cả nhà ủng hộ nên anh yên tâm ra đi.
“Vợ tôi vốn chỉ quen với công việc nội trợ, dịch bệnh xảy ra thì càng ít va chạm với bên ngoài nên tôi cũng yên tâm phần nào. Tôi chỉ có ái ngại cho bố tôi vì ông cũng là dân lái xe, tôi đi vắng thì phần việc của tôi chắc chắn ông phải ghé lưng vào gánh vác. Mỗi tối xem tivi, nghe thông báo số người dương tính với Covid, lòng dạ tôi lại cồn cào, lo lắng. Cũng may là mọi chuyện rồi cũng qua, cả nhà tôi không ai bị sao cả”, Ngô Xuân Thưởng nhớ lại.
Do tích cực lao động cải tạo nên ngày 15/5/2022, anh Thưởng được tha tù. Trở về địa phương, việc đầu tiên người đàn ông này thực hiện chính là tạ lỗi với bố mẹ. Thưởng bảo rất biết ơn bố mẹ, trong thời gian anh ta vắng nhà đã dang tay cưu mang, giúp đỡ vợ con anh ta có được một cuộc sống đủ đầy. “Thời gian tôi vắng nhà, bố tôi vẫn duy trì công việc chạy xe để giữ chân khách hàng, vừa tìm thêm người lái để có thêm thu nhập đỡ đần cho vợ con tôi. Ngay cả khi tôi về rồi, ông vẫn tin tưởng cấp vốn cho tôi xây nhà và giao hẳn chiếc xe cho tôi làm ăn”, Thưởng kể.
Người đàn ông cho hay, đã từng rất tự ti bởi mặc cảm tội lỗi nhưng sự tin tưởng của người thân và những lời động viên, khích lệ của anh cảnh sát khu vực đã tiếp thêm cho anh ta động lực để sớm quay trở lại với cuộc sống đời thường.
“Ngay hôm đầu tiên ra trại, tôi đã lên CA thị trấn trình diện. Các anh ấy bảo tôi về rồi thì cố gắng làm ăn, đỡ đần vợ con, đừng làm gì vi phạm pháp luật nữa vì con cái lớn rồi. Sự nhắc nhở nhẹ nhàng của các anh CA và sự tin tưởng của người thân đã giúp tôi gạt bỏ những mặc cảm để quyết tâm thay đổi và làm lại”, Thưởng bộc bạch.
Do ngôi nhà mới xây đang trong giai đoạn hoàn thiện nên anh Thưởng không thể chạy xe thường xuyên được mà phải thuê người hỗ trợ mình chở hàng cho khách. Theo lời anh Thưởng thì ngoài số tiền 15 triệu đồng trả lương hàng tháng cho lái xe, vẫn còn dư một khoản tiền đủ để anh đóng học cho các con, chưa kể tiền bố mẹ phụ giúp nên cuộc sống cũng dần ổn định.
Trước khi chia tay chúng tôi, anh Thưởng nhắn nhủ: “Tôi rất may mắn vì có hậu phương vững chắc, được bố mẹ, anh em và vợ con hậu thuẫn. Tôi biết ơn điều đó và luôn tự nhủ bản thân không bao giờ tái phạm nữa. Những người từng lỗi lầm như tôi luôn khát khao được làm lại cuộc đời nên rất mong nhận được sự tin tưởng của người thân, sự giúp đỡ, thông cảm của các ban ngành, đoàn thể và bà con làng xóm.
Chính sự chan hòa không xa lánh của mọi người mới là liều thuốc tinh thần vô cùng quí giá, là cầu nối để những người lầm lỗi như chúng tôi sớm hòa nhập cộng đồng, tạo cho chúng tôi có cơ hội làm lại cuộc đời”...
(Còn nữa)
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//ky-2-gia-dinh-la-diem-tua-357996.html