Kỳ 2: Hóa giải khó khăn

Bước vào năm học mới 2021-2022, các trường sau khi được sắp xếp, sáp nhập cũng dần bắt nhịp và đi vào hoạt động nền nếp. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi, quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định cần từng bước được tháo gỡ.

Trường mầm non Hanh Cù 1, huyện Thanh Ba thiếu giáo viên sau sáp nhập, gây khó khăn trong bố trí giáo viên đứng lớp.

(baophutho.vn) - Bước vào năm học mới 2021-2022, các trường sau khi được sắp xếp, sáp nhập cũng dần bắt nhịp và đi vào hoạt động nền nếp. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi, quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định cần từng bước được tháo gỡ.

Vướng mắc phát sinh
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, đa số các cơ sở giáo dục khi sáp nhập, chưa có điều kiện để dồn ghép về một điểm trường, học sinh vẫn học tại điểm trường như trước khi sáp nhập. Do vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các hoạt động giáo dục gặp nhiều khó khăn, nhất là những hoạt động lớn cần tập trung toàn trường; việc dồn lớp để xóa các điểm trường lẻ, sáp nhập trường đưa học sinh về điểm trường chính cũng làm tăng tỉ lệ học sinh/lớp, tăng số lượng học sinh có nhu cầu ở bán trú trong khi điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp thời gây khó khăn trong công tác tổ chức dạy học, quản lý học sinh…Tìm hiểu thực tế tại huyện Đoan Hùng, chúng tôi được biết sau khi sắp xếp, sáp nhập 18 trường thành chín trường mới, huyện đã giảm chín đầu mối và một điểm trường. Số trường sáp nhập thuộc địa bàn các xã: Hợp Nhất, Phú Lâm, Tây Cốc và Hùng Xuyên. Không giống như đa số các trường sau sáp nhập vẫn giữ nguyên số lượng điểm trường, xã Hợp Nhất dồn ghép hai điểm trường của Trường THCS Hợp Nhất về thành một điểm đặt tại Trường THCS Đại Nghĩa cũ. Việc này đã phát sinh những bất cập. Hơn 120 học sinh Trường THCS Phú Thứ cũ phải di chuyển quãng đường dài từ 4-8km để đến trường mỗi ngày trong điều kiện đường giao thông xuống cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sĩ số lớp học. Nhiều học sinh trước đây tự đến trường thì nay do quãng đường xa, nên phụ huynh phải đưa đón, gây tâm lý lo lắng, bức xúc trong nhân dân.Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thời gian đầu, người dân cũng phản ứng, gửi đơn thư lên nhà trường, UBND xã vì việc con em họ phải đi học xa nhà, không đảm bảo an toàn giao thông vì đường sá xuống cấp. Sau khi được nhà trường tuyên truyền về chủ trương, chính sách thì đến nay người dân cũng tạm yên tâm”. Trên thực tế, điểm Trường THCS Phú Thứ cũ có bốn lớp học với điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, không có phòng bộ môn, nhà điều hành xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, buộc địa phương lựa chọn phương án dồn hai điểm trường làm một để tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, giúp học sinh được thụ hưởng tốt hơn. Trong khi chờ hoàn thiện dãy nhà ba tầng với chín phòng học bộ môn, trường hiện phải sắp xếp cho học sinh học tạm ở dãy nhà cấp bốn được xây từ năm 1998. Còn tại huyện Tam Nông - nơi tiến hành sắp xếp, sáp nhập 12 trường thành tám trường, giảm bốn trường cũng không tránh khỏi những khó khăn ban đầu. Trường Mầm non Hương Nha sau sáp nhập đã giảm hai giáo viên và một nhân viên kế toán. Hai điểm trường có tổng số 368 học sinh thuộc 12 nhóm lớp, 100% học sinh ăn bán trú. Cô giáo Tạ Thị Trường Giang - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Bản thân tôi thấy khó khăn trong công tác quản lý, nhất là hoạt động bán trú. Hai điểm trường cách nhau 4,5km, điểm chính do Hiệu trưởng phụ trách, điểm lẻ do hiệu phó phụ trách. Tuy nhiên, tôi vẫn phải thường xuyên kiểm tra, bao quát toàn bộ hoạt động của trường. Vì thế, đôi khi cũng khó có thể xử lý kịp thời những việc phát sinh tại điểm lẻ”. Trường THCS Tứ Mỹ, huyện Tam Nông (sáp nhập từ Trường THCS Tứ Mỹ với cấp THCS của Trường TH&THCS Phương Thịnh), Trường THCS Hanh Cù, huyện Thanh Ba đều có hai điểm trường nằm cách xa nhau khó khăn chủ yếu của các trường này là giáo viên phải giảng dạy cả hai nơi, đòi hỏi nhà trường phải bố trí giáo viên giảng dạy bộ môn linh hoạt, hợp lý…Thực tế tại các huyện Thanh Ba, Đoan Hùng, Tam Nông và Lâm Thao, ngoài những khó khăn trên, một số trường còn gặp phải vướng mắc trong công tác quản lý của hiệu trưởng. Bởi theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường có không quá hai phó hiệu trưởng nên khi cán bộ quản lý tham gia hội nghị, tập huấn thời gian dài sẽ có điểm trường không có cán bộ quản lý phụ trách. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và duy trì trường học đạt chuẩn Quốc gia tại các trường cần nguồn kinh phí lớn, trong khi điểm trường chính chưa có hội trường đủ rộng để tổ chức các hội nghị cán bộ, giáo viên toàn trường.

Sau sáp nhập, Trường THCS Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng dồn ghép vào một điểm trường, khiến cho việc đi lại của một bộ phận học sinh gặp khó khăn.Giải pháp từ cơ sởNăm học 2021-2022, Trường THCS Phùng Nguyên 2, huyện Lâm Thao có 12 lớp học, trong đó điểm chính có tám lớp và điểm lẻ có bốn lớp. Để đảm bảo thời gian lên lớp, 100% giáo viên của trường phải di chuyển dạy ở cả hai điểm. Sau sáp nhập, mặc dù đã được UBND huyện, Phòng GD&ĐT quan tâm về đội ngũ, bố trí điều động giáo viên tăng cường cho bộ môn Vật Lý do trường không có đủ giáo viên bộ môn này, tuy nhiên hoạt động sinh hoạt chuyên môn đối với giáo viên tăng cường cũng gặp nhiều khó khăn. Giải pháp trước mắt của trường là sắp xếp thời khóa biểu, điều chỉnh thời gian học mỗi ngày bằng cách tăng thời gian ra chơi mỗi tiết, vào học sớm hơn và tan học muộn hơn. Với cách làm này, giáo viên có thêm thời gian di chuyển giữa hai điểm trường, nhất là những ngày thời tiết xấu. Sau sáp nhập, Trường THCS Tứ Mỹ, xã Lam Sơn, huyện Tam Nông đối diện với khó khăn vì cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thốn. Nhà điều hành của cả hai điểm trường đều đã hết khấu hao nhiều năm nay cùng với các công trình phụ trợ chưa đảm bảo theo quy chuẩn. Thầy giáo Đặng Thái Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để đảm bảo hoạt động dạy, học ở cả hai điểm trường với tổng số hơn 400 học sinh và 35 cán bộ, giáo viên, nhân viên, ngay từ đầu năm học, Trường đã xây dựng kế hoạch vận động xã hội hóa được 200 triệu đồng phục vụ cải tạo, nâng cấp một số hạng mục, công trình phụ trợ. Cùng với đó, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư 3,4 tỉ đồng để xây mới nhà điều hành, đáp ứng hoạt động GD&ĐT, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới”.Đối diện với một số khó khăn, bất cập sau sáp nhập, trong quá trình chỉ đạo tổ chức hoạt động của các đơn vị trường học, huyện Thanh Ba đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Việc sáp nhập trường học phải căn cứ vào đặc điểm thực tế của các địa phương, thực hiện linh hoạt tránh cứng nhắc. Về công tác cán bộ, một năm trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập trường học, huyện đã tạm dừng bổ nhiệm mới cán bộ quản lý, nhằm tránh tình trạng dôi dư nhiều sau sáp nhập. Đến nay, huyện cơ bản bố trí, sắp xếp hết cán bộ quản lý dôi dư do sáp nhập về các đơn vị còn thiếu. Về kinh phí, UBND huyện có chủ trương đầu tư nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ hoạt động giáo dục cho các trường mới sắp xếp, sáp nhập, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và nhân dân. UBND huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT theo dõi, bám sát hoạt động của các trường mới sáp nhập, kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc. Kinh nghiệm của huyện Thanh Ba cũng là bài học gợi mở cho các địa phương có đơn vị trường học sắp xếp, sáp nhập trong thời gian tới nhằm giảm tối đa khó khăn, vướng mắc sau sáp nhập.Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ban, ngành liên quan phấn đấu hoàn thiện việc sáp nhập, sắp xếp tổ chức lại các cơ sở giáo dục; thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh và người dân hiểu về chính sách tinh giản biên chế; chính sách rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học để tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc thực hiện chính sách. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở mỗi bậc học, mỗi địa phương.

Anh Thơ - Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202111/ky-2-hoa-giai-kho-khan-180817