Kỳ 2: Hòa hợp dân tộc, phát huy dân chủ
Nhắc đến đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, nhiều người dân Ninh Bình thường yêu mến dành tặng cho họ-đại biểu dân cử của mình những câu ví von đầy ý nghĩa như: 'cầu nối tin cậy giữa tôn giáo với chính quyền' hay 'những người gieo mầm thiện nguyện, kết nối yêu thương'… Nhưng cũng ít ai biết rằng, để hoàn thành tốt 'vai trò kép' với các chức sắc, chức việc, nhà tu hành là cả một hành trình đầy gian nan và thử thách để vừa lo việc đạo lại tròn việc đời.
Hòa hợp tôn giáo thành quả của sự đồng hành
Hiện nay, Ninh Bình có 694 cơ sở thờ tự của hai tôn giáo lớn là Công giáo và Phật giáo, với hơn 1.000 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 234.000 tín đồ, chiếm 23,65% dân số toàn tỉnh. Nhiều năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng đến việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và sự đại diện của các tôn giáo trong hệ thống chính trị, nhất là quan tâm, tạo điều kiện để các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia cơ quan quyền lực Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Sự tham gia tích cực của các đại biểu đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, đồng thời xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; khẳng định tinh thần hòa hợp dân tộc, phát huy dân chủ.
Đạo Phật được truyền bá vào Ninh Bình từ rất sớm; đến thời ĐinhTiền Lê (968-1009), tư tưởng của đạo Phật đã ảnh hưởng sâu sắc đời sống tinh thần xã hội. Năm 1901, Giáo phận Phát Diệm được thành lập (gồm tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và một phần tỉnh Hòa Bình).
Đến năm 1932, Giáo phận Phát Diệm được chia, tách một phần địa giới để thành lập thêm Giáo phận Thanh Hóa. Từ đó đến nay, Giáo phận Phát Diệm có địa giới hành chính bao gồm tỉnh Ninh Bình và một phần tỉnh Hòa Bình.
Đặc biệt, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình đã luôn coi trọng và phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo, trong đó có đại biểu HĐND là chức sắc, chức việc, nhà tu hành vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Chỉ tính riêng trong hai nhiệm kỳ gần đây (2016-2021 và 2021- 2026), số lượng đại biểu HĐND các cấp là người theo tôn giáo luôn duy trì ở mức cao, với tổng cộng hơn 700 đại biểu. Trong đó, nhiều đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo. Đây đều là những người có uy tín, đạo hạnh và năng lực, có tư cách công dân tốt, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật, được các tổ chức tôn giáo lựa chọn và giới thiệu, đồng thời đạt tỷ lệ tín nhiệm cao tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri ở cơ sở, trúng cử đại biểu HĐND các cấp với số phiếu cao.
Trong vai trò là đại biểu dân cử, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã thể hiện là những người ưu tú, có trình độ, năng lực, bản lĩnh và tâm huyết với hoạt động của HĐND các cấp, thực sự là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân nói chung, của đồng bào tôn giáo nói riêng.
Đồng chí Đỗ Thị Nga, Phó Chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn cho biết: Nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND huyện có 4 đại biểu là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo (chiếm 11,43% tổng số đại biểu HĐND huyện); cấp xã có 167 đại biểu là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo (chiếm 25,69%). Thực tiễn hoạt động cho thấy, các đại biểu HĐND là chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia tích cực và có hiệu quả vào hầu hết các chương trình nghị sự của HĐND huyện, xã.
Các đại biểu đã tích cực tham gia chất vấn, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, đóng góp những ý kiến chất lượng, mang tính thực tiễn, nhờ đó, các quyết sách của HĐND ngày càng trở nên toàn diện, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Không những vậy, nhiều vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành để lại ấn tượng sâu sắc với phong thái làm việc ôn hòa, nhã nhặn, họ đã góp phần tạo nên một bầu không khí dân chủ, cởi mở tại các phiên họp HĐND.
Đảm nhận “vai trò kép”, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành làm đại biểu dân cử đã không ngừng nỗ lực tạo những “cầu nối” giữa tôn giáo với Đảng, Chính quyền và Nhân dân.
Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam là 3 địa phương tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh.
Theo kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026: Tỷ lệ đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo của HĐND tỉnh Ninh Bình là 6%; HĐND tỉnh Nam Định là 4,92%; HĐND tỉnh Hà Nam là 4%.
Đồng chí Lê Văn Kiên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo tham gia HĐND, MTTQ các cấp là “hạt nhân” trong việc tuyên truyền, vận động tín đồ và Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều phong trào thi đua yêu nước do MTTQ các cấp phát động đã nhận được sự tham gia ủng hộ tích cực của các tín đồ tôn giáo, nhất là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành là đại biểu dân cử.
Tiêu biểu là các phong trào, cuộc vận động, mô hình: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình Công giáo gương mẫu”, “Xây dựng xứ, họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về an ninh trật tự”, “Gia đình phật tử gương mẫu”; “Vận động chức sắc, chức việc tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương-giáo”…
Trong đó, mô hình “Vận động các chức sắc, chức việc tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương-giáo” là minh chứng rõ nét cho thấy sự đoàn kết, tương trợ giữa các tôn giáo.
Ông Nguyễn Đức Cậy ở xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) là một trong những hộ giáo dân được hỗ trợ xây nhà “Ấm tình đoàn kết lương-giáo” đã không giấu nổi niềm vui, xúc động cho biết: Bao năm qua, căn nhà nhỏ của tôi đã xuống cấp. Nhưng tuổi già sức yếu, giấc mơ về một mái ấm khang trang dường như quá xa vời. Và rồi, như “một phép màu” đã đến khi tôi được các nhà hảo tâm giúp đỡ xây mới nhà ở.
Ngôi nhà “Ấm tình đoàn kết lươnggiáo” của ông Cậy được xây dựng từ sự chung tay góp sức của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện và Ban Đoàn kết Công giáo huyện Hoa Lư. Trong đó, Đại đức Thích Thanh Cương-đại biểu HĐND huyện đã tích cực vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn ủng hộ gia đình ông Cậy 40 triệu đồng, tạo nguồn lực quan trọng hỗ trợ ông xây nhà mới.
“Ngôi nhà mới không chỉ là nơi trú ngụ an toàn mà còn là minh chứng sinh động cho tình đoàn kết lươnggiáo và sự quan tâm của các đại biểu dân cử với đời sống khó khăn của cử tri. Tôi thực sự biết ơn khi được sống trong ngôi nhà ấm áp này, nơi tôi cảm nhận được sự chia sẻ và yêu thương của cộng đồng”- ông Cậy xúc động nói.
Có thể thấy, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành trở thành đại biểu dân cử đã góp phần phát huy dân chủ, đồng thời giúp cho tiếng nói của đông đảo Nhân dân và tín đồ được lắng nghe. Nhờ sự tham gia tích cực của họ, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được phát động, góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết, nhân ái. Ninh Bình được xem là một trong những điểm sáng của toàn quốc về đoàn kết lương, giáo-nơi các tôn giáo cùng chung tay xây dựng cộng đồng phát triển.
Mang trong mình tư tưởng “từ bi, trí tuệ”, thời gian qua, các đại biểu HĐND là chức sắc, chức việc, nhà tu hành cũng đã thể hiện rõ tinh thần “sống tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục và an sinh xã hội như phối hợp tổ chức các lớp khóa tu mùa hè (tại các chùa); các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người bệnh, trẻ mồ côi…
Các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia ứng cử và trở thành đại biểu dân cử góp phần thể hiện tính dân chủ, bình đẳng của các cuộc bầu cử, thể hiện uy tín của người ứng cử và sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân và tín đồ các tôn giáo. Đây cũng là những “cánh tay nối dài”, giúp đem tiếng nói của đông đảo người dân và tín đồ các tôn giáo tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành chính sách, giám sát, giải trình, chất vấn... của HĐND các cấp. Với những giá trị cốt lõi như từ bi, bác ái, các đại biểu dân cử là chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã trở thành “cầu nối” giữa tôn giáo với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Những đóng góp quan trọng của họ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử mà còn góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sự tận tâm, trách nhiệm với tinh thần làm việc theo phương châm “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”, các đại biểu HĐND, trong đó có các chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã giành trọn sự tin tưởng của cử tri và Nhân dân. “Niềm tin” cũng chính là cầu nối bền chặt giữa đại biểu với cử tri trong hành trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Bà Phạm Thị Lan, cử tri xóm 1, xã Khánh Thiện (Yên Khánh) bày tỏ tin tưởng: Chúng tôi rất vui khi tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, nhất là cộng đồng tôn giáo được các đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành quan tâm, phản ánh tại các kỳ họp HĐND và trở thành động lực mạnh mẽ cho những quyết sách vì dân…
Giữa hai vai trò một cuộc cân bằng đầy thử thách
Một trong những khó khăn lớn nhất mà các đại biểu HĐND là chức sắc, chức việc, nhà tu hành gặp phải chính là vấn đề thời gian. Các hoạt động tôn giáo như tu tập, nghiên cứu kinh sách, làm công tác xã hội... chiếm một lượng thời gian khá lớn. Trong khi đó, công việc của một đại biểu HĐND lại đòi hỏi sự tham gia thường xuyên vào các phiên họp, các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri. Vì vậy, làm thế nào để cân bằng giữa hai vai trò này là điều không dễ dàng.
Gần 4 năm đảm nhiệm vai trò đại biểu HĐND huyện, Đại đức Thích Thanh Cương hiểu rõ những khó khăn mà đại biểu như Đại đức cần phải vượt qua. Đại đức chia sẻ: Là trụ trì chùa Tổ Linh (xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư), Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam huyện, công việc Phật sự tương đối lớn, nhất trong giai đoạn vừa qua, nhà chùa tổ chức chỉnh trang, tu sửa khuôn viên; rồi công việc tu tập và hướng dẫn Phật tử cũng nhiều hơn và đặt ra những yêu cầu cao hơn. Trong khi đó, trách nhiệm của một đại biểu HĐND cũng đòi hỏi phải có mặt ở nhiều nơi, giải quyết nhiều vấn đề khác nhau. Vì vậy, việc cân đối thời gian để vừa đảm bảo công tác chủ trì, tổ chức các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, vừa bảo đảm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của một người đại biểu dân cử là điều không dễ.
Mặt khác, để có thể tham gia vào quá trình hoạch định và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, các đại biểu HĐND cần trang bị một khối lượng kiến thức lớn và đa dạng. Điều này càng trở nên khó khăn hơn đối với các chức sắc, chức việc, nhà tu hành vốn chủ yếu tập trung lo việc đạo.
Ông Nguyễn Mạnh Đạt, đại biểu HĐND huyện Kim Sơn chia sẻ: Khi tham gia làm đại biểu HĐND huyện Kim Sơn, tôi thực sự lo lắng vì nhận thấy sự hiểu biết của mình ở các lĩnh vực còn có mức độ. HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, quyết định nhiều vấn đề quan trọng như kinh tế, văn hóa, chế độ chính sách, đầu tư công... Vì vậy, mỗi đại biểu HĐND cần có kiến thức phong phú, am hiểu trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Những kiến thức đó giúp đại biểu nhận diện rõ nguyên nhân, đề xuất cách giải quyết triệt để những vấn đề có thể phát sinh tại địa phương. Đặc biệt là phải có kỹ năng phân tích, đánh giá tác động và tính khả thi của các dự thảo nghị quyết trước khi biểu quyết thông qua... “Đây là yêu cầu bắt buộc và cần thiết, nhưng không phải ai cũng sẵn có”-ông Đạt khẳng định.
Một trong những rào cản lớn khác mà các đại biểu HĐND là chức sắc, chức việc, nhà tu hành gặp phải, đó chính là quan niệm hạn hẹp cho rằng việc tu hành và hoạt động chính trị là hai phạm trù đối lập nhau. Bởi, phàm đã là nhà tu hành thì cần xa rời thế sự để chuyên tâm tu tập, vì vậy e ngại nếu nhà tu hành tham gia làm đại biểu HĐND sẽ làm sao nhãng việc tu tập.
Với 64 tuổi đời và có gần 20 năm đảm nhiệm vai trò là đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã (trong đó: 1 nhiệm kỳ làm đại biểu HĐND huyện Yên Khánh (1994-1999), 3 nhiệm kỳ liên tiếp làm đại biểu HĐND xã Khánh Trung (từ năm 2011 đến nay)), hơn ai hết Ni sư Thích Đàm Toàn, trụ trì chùa Kiến Ốc (xã Khánh Trung, Yên Khánh) thấu cảm được những rào cản về mặt nhận thức này.
Bằng kinh nghiệm của người có gần 20 năm đảm nhiệm “vai trò kép”, Ni sư Thích Đàm Toàn bộc bạch: Với đường hướng “Đạo pháp-Dân tộc Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo đã luôn đồng hành cùng dân tộc. Tôi cũng như nhiều nhà tu hành tham gia làm đại biểu dân cử luôn xác định dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải thể hiện tinh thần “hộ quốc an dân”. Trên cơ sở lắng nghe, thấu cảm và sẻ chia với những khó khăn mà cử tri đang gặp, phải kịp thời chuyển tải tâm tư, nguyện vọng cử tri, tín đồ Phật tử đến cơ quan hữu quan giải quyết, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Như vậy, xét một góc độ nào đó, thì việc tham gia làm đại biểu dân cử cũng giúp tôi hoàn thành trọng trách của nhà tu hành, đó là đồng hành, sẻ chia, giúp đỡ người dân hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ. Có thể nói, giữa hai vai trò, đối với mỗi đại biểu dân cử là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đó thực sự là một cuộc cân bằng đầy thử thách. Để làm tròn sứ mệnh đại biểu dân cử đòi hỏi không chỉ nỗ lực, quyết tâm từ chính mỗi đại biểu mà còn cần sự quan tâm, hỗ trợ đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức tôn giáo.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-2-hoa-hop-dan-toc-phat-huy-dan-chu-851314.htm