Kỳ 2: Làm gì khi vô tình là 'nạn nhân' của bạo lực mạng?
'Nạn nhân' của bạo lực mạng cần bình tĩnh chia sẻ với người đáng tin cậy, lưu giữ các bằng chứng bị đe dọa và trình báo cơ quan chức năng, bên cạnh đó cần hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
Bạo lực mạng - “lời nói ảo, nỗi đau thật”:
“Gỡ” bài toán khó về bạo lực mạng
Có thể hiểu rằng, bạo lực mạng xã hội là một dạng bạo lực xã hội nhưng có những đặc thù riêng, nguy hiểm hơn, khó ngăn ngừa và khó xử lý hơn. Một người nếu chịu bạo lực xã hội về thể xác đều có thể nhìn thấy bằng mắt thường, được giám định cụ thể, điều trị và hồi phục nhưng bạo lực mạng khó có thể giám định tổn thương hay chữa trị hiệu quả khi mà hành vi này gây ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần, tâm lý lâu dài và nghiêm trọng hơn có thể khiến nạn nhân rơi vào trầm cảm, tự kết thúc cuộc sống.
Bạo lực mạng xã hội dù đã bị lên án nhiều, đồng thời được các cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp xử lý nhưng hành vi này không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng trở thành vấn nạn khó kiểm soát, nhiều nạn nhân phải vật lộn để đòi công lý trong khi kẻ bắt nạt thường chỉ phải chịu mức án nhẹ.
Trái ngược với mức độ nghiêm trọng xảy ra từ các vụ bạo lực mạng, thời gian qua “thủ phạm” gây ra các vụ bạo lực mạng vẫn chưa nhận thức rõ lời nói, hình ảnh của họ là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, các nạn nhân thì phải trốn chạy hoặc gồng mình ra chịu đựng mà không biết chia sẻ cùng ai.
“Gỡ” bài toán khó về bạo lực mạng, đòi hỏi cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ. Về mặt pháp lý, cần phải có các quy định pháp luật chặt chẽ, nghiêm khắc nhằm trừng trị, răn đe các đối tượng có hành vi bạo lực mạng.
Cụ thể, chính quyền và các cơ quan chức năng ở nước ta đã sớm quan tâm và có những nỗ lực bước đầu trong việc phòng, chống bạo lực mạng. Văn bản pháp lý cao nhất của Việt Nam là Hiến pháp ghi rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn” (Khoản 1, Điều 21).
Trong hệ thống quy phạm pháp luật hiện nay, chưa có văn bản pháp luật quy định trực tiếp về vấn đề bạo lực mạng nhưng đã có một số điều luật đề cập đến vấn đề này. Cụ thể, trong lĩnh vực dân sự, Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Ở lĩnh vực hình sự, tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định mức phạt về tội “làm nhục người khác”, với mức phạt thấp nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và cao nhất có thể lên đến 5 năm tù.
Đáng chú ý, các hành vi bạo lực trên không gian mạng cũng có thể cấu thành tội phạm theo Điều 215 Bộ luật Hình sự về tội “vu khống, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của các cá nhân, tổ chức”. Bên cạnh đó, việc xử lý các vụ việc bạo lực mạng cũng có thể dựa trên Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Trẻ em năm 2016, Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng...
Mạng xã hội không phải là tòa án
Với mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội, chúng ta cần ý thức được rằng mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật, đạo đức xã hội và phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi do mình gây ra.
Để hạn chế vấn nạn “bạo lực mạng xã hội’, mỗi cá nhân tự ý thức sử dụng mạng xã hội văn minh, không tham gia cũng như lên án các hành vi lợi dụng các diễn đàn, trang mạng xã hội để nhằm mục đích bôi nhọ danh dự nhân phẩm cá nhân, tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức mà pháp luật bảo vệ.
Khi muốn tố cáo một ai đó, cần có bằng chứng cụ thể và tuân thủ theo đúng quy định pháp luật chứ không nên dựa vào sức ảnh hưởng của mình mà đưa ra lời vu khống vô căn cứ hay đơn giản chỉ là truyền miệng không rõ mục đích. Bởi, mạng xã hội không phải là tòa án. Cá nhân chúng ta phải chịu trách nhiệm với từng bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội để có thể cùng nhau tạo ra một môi trường mạng văn minh, lành mạnh, nơi mọi người chia sẻ, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp.
Bên cạnh đó, để hạn chế bạo lực mạng xã hội, các nhà cung cấp các nền tảng mạng xã hội cần mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm soát hành vi, ngăn chặn những từ khóa nhạy cảm... để có thể bảo vệ người dùng, ngăn chặn các hành vi công kích cá nhân trên không gian mạng.
Chỉ khi các điều trên được thực hiện một cách đồng bộ, chúng ta mới hi vọng giảm các vụ bạo lực mạng xã hội, giúp cho môi trường trên không gian mạng được “sạch rác” và cá nhân mỗi người được an toàn khi tham gia mạng xã hội.