Kỳ 2: 'Lằn ranh sinh tử'...
Chiếc tàu du lịch gặp nạn trên sông Sài Gòn khiến 16 người thiệt mạng. Để đưa toàn bộ nạn nhân từ đáy sông sâu hơn 21m lên bờ, Trung tá Nguyễn Chí Thành và đồng đội suýt bị chôn vùi cùng với con tàu. Suốt 22 năm trong nghề, Trung tá Thành không nhớ hết số lần đối mặt với 'lằn ranh sinh tử'...
Con tàu "định mệnh"
Lúc 19 giờ 30 phút, ngày 20/5/2011, chiếc tàu được làm bằng gỗ 2 tầng của Công ty Du lịch xanh Dìn Ký gặp nạn, chìm trên sông Sài Gòn thuộc địa bàn xã Bình Nhâm (nay là P.Bình Nhâm, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương). Trên tàu lúc đó có 22 người lớn và 5 trẻ nhỏ. Tai nạn khiến 16 người bị mắc kẹt trong khoang tàu thiệt mạng, gây chấn động dư luận.
Nhận được yêu cầu chi viện của Công an tỉnh Bình Dương, anh Nguyễn Chí Thành cùng 18 cán bộ, chiến sĩ lập tức có mặt tại hiện trường. Vụ tai nạn xảy ra trong đêm, trời đang mưa to, giông gió giật mạnh, nước sông chảy xiết. Bất chấp nguy hiểm, anh Thành và đồng đội dầm mình dưới nước suốt đêm để tìm ra vị trí tàu chìm. Đến gần 5 giờ sáng hôm sau, vị trí con tàu đã được xác định ở độ sâu hơn 21m, lực lượng cứu nạn, cứu hộ (CNCH) bắt đầu triển khai lặn tìm người. Cả hai cửa chính và các cửa sổ của con tàu đều bị đóng kín, không thể mở ra. Anh Thành cùng Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn (Phó trưởng phòng CNCH) thống nhất phương án phá cửa sổ, theo ô cửa rộng khoảng 0,5m2 để chui vào bên trong, đưa từng thi thể nạn nhân ra ngoài. Nhìn thấy người mẹ ôm chặt con trai 3 tuổi càng thôi thúc anh và đồng đội quyết tâm đưa tất cả nạn nhân ra khỏi con tàu.
Sau khi đưa được 15 người lên bờ, đang tìm người cuối cùng thì anh Thành và Thiếu tá Tuấn cảm thấy người bị chao đảo, dựng ngược lên. Thì ra, nước chảy xiết làm con tàu chìm đổi hướng lật ngược lại, như vậy sẽ bít lối thoát duy nhất. Lập tức, anh Thành phát tín hiệu. Biết đồng đội gặp nguy, chỉ huy trên bờ liền thu dây, kéo anh Thành và Thiếu tá Tuấn lên. Chỉ chậm một chút thôi, hai anh có thể đã bị chôn dưới con tàu oan nghiệt.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ cùng với kinh nghiệm lâu năm, đặc biệt là sự mưu trí, gan dạ của anh Thành, Thiếu tá Tuấn và lực lượng CNCH, sau hơn 20 giờ lặn tìm trong bán kính hơn 1km giữa dòng nước chảy xiết, toàn bộ 16 thi thể nạn nhân bị chìm ở độ sâu hơn 21m đã được đưa lên bờ.
Một vụ tai nạn chìm tàu khác xảy ra năm 2014 gần khu vực Cảng ximăng Hà Tiên thuộc địa bàn quận (nay là TP) Thủ Đức khiến một trẻ 3 tuổi mất tích. Anh Thành được giao nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân. Cùng lặn với anh có Thiếu tá Tuấn.
Đang chui vào khoang tàu ở độ sâu hơn 20m, bất ngờ ống thở của Thành gặp sự cố, khiến bình lặn mất hết dưỡng khí, không còn ôxy để thở. Nếu Thành tự trồi lên, sẽ dính vào khoang tàu thì nguy hiểm đến tính mạng. Đối mặt giữa "lằn ranh sinh tử", bằng kinh nghiệm nhiều năm và bản lĩnh của một người lính CNCH, Thành đã thoát nạn bằng cách tiếp cận, phát tín hiệu "sự cố khẩn cấp" cho Thiếu tá Tuấn. Biết Thành gặp nạn, anh Tuấn chia sẻ ngay "sự sống" cho đồng đội. Hai người cùng thở chung một bình dưỡng khí, tìm cách rời khỏi khoang tàu, trồi lên trên mặt nước an toàn.
Anh Thành chia sẻ: "Nghề CNCH luôn đối mặt giữa sự sống và cái chết nhưng đã dấn thân thì không màng nguy hiểm. Với lính CNCH, chia sẻ sự sống với đồng đội, cùng nhau vượt qua nguy hiểm như là điều hiển nhiên và trở thành bình thường. Trong sự cố này, để chia sẻ khí thở, hai người phải hiểu nhau và thực hiện các động tác nhịp nhàng, nếu sơ sẩy thì cả hai sẽ gặp nạn, mất mạng như chơi!".
Kỳ tích "hang sâu, núi thẳm"
Ngày 02/10/2019, Công an tỉnh Cao Bằng có văn bản báo cáo Bộ Công an về trường hợp ông Hoàng Văn Thái (SN 1988, ngụ xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) bị mất tích. Người nhà phát hiện một số đồ vật nghi của nạn nhân tại hang Cốc Chia, thuộc xã Mã Ba.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, ngày 25/11/2019, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (C07) đã có văn bản đề nghị Công an TPHCM cử đoàn công tác phối hợp Cục C07 tham gia tìm kiếm CNCH. Chiều 29/11/2019, đoàn công tác của Phòng PC07 - Công an TPHCM đến hang Cốc Chia. Đây là lần đầu tiên, anh Thành cùng đồng đội tham gia tìm hài cốt một nạn nhân rơi xuống hang sâu 220m. Anh là người xung phong xuống hang.
Khoảng 10 phút sau khi anh Thành xuống hang, bất ngờ có cơn mưa đá, nước tuôn ào ào làm nhũ đá trong hang bị vỡ, rơi trúng đầu. Vượt qua hơn 80m, hang trở nên ngoằn ngoèo, tối om, Thành phải bò, trườn từng chút một. Cứ vài mét, anh phải dừng lại lấy dưỡng khí, không ít lần tưởng đã gục ngã.
Đến độ sâu 220m, mưa như trút nước làm thiết bị ròng rọc điện bị hỏng, còn máy bộ đàm thì mất tín hiệu. Chỉ còn vài mét nữa là tới đáy hang nhưng gặp sự cố khiến Thành lại bị treo lơ lửng. Sau nhiều lần khởi động, cuối cùng bộ đàm và ròng rọc cũng hoạt động trở lại, đưa Thành tiếp cận đáy hang. Anh Thành nhớ lại: "Không có dụng cụ, tôi phải dùng tay bới, móc đất đá phủ kín nạn nhân, rồi vội vàng tìm kiếm, nhặt từng mảnh xương cho vào túi vải. Sau 2 ngày tìm kiếm, tôi cùng đồng đội đưa được hài cốt nạn nhân từ đáy hang lên mặt đất, bàn giao cơ quan chức năng xử lý. Nhìn thấy hài cốt, gia đình nạn nhân quỳ sụp, vái lạy tứ phương và rót rượu mời tôi, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn".
Vài tháng sau vụ CNCH ở Cao Bằng, anh Thành cùng đồng đội nhận lệnh ra Bắc thực hiện một vụ CNCH khác còn cam go, nguy hiểm hơn nhiều. Lần này, anh phải xuống một hang đá rất sâu ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang để tìm thi thể một thanh niên tên Say bị tai nạn. Anh Thành kể: "Đó là một hang thẳng đứng sâu khoảng 280m, chưa từng có ai xuống được đáy hang. Địa hình hiểm trở, cộng thêm mưa lũ lớn xảy ra nên việc đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hang vô cùng khó khăn. Tuy có chút kinh nghiệm CNCH dưới hang nhưng tôi cũng thấy áp lực, hồi hộp. Cảm giác đó qua rất nhanh, tôi lại xung phong xuống hang".
Do trời mưa to nên hang càng ẩm thấp, tối tăm. Mới xuống được vài chục mét, hang tối đen như mực, nguồn sáng duy nhất là chiếc đèn pin quả trứng gắn trước mũ bảo hiểm. Thêm vài chục mét nữa, anh Thành thấy khó thở, hồi hộp, bóng đêm trong hang như nuốt chửng lấy anh. Càng xuống sâu, hang càng hẹp, có đoạn chỉ vừa cho người lọt qua với nhiều khối đá nhọn chĩa tứ phía như ngăn không cho người đi sâu vào đáy hang.
Anh Thành chia sẻ: "Lần đầu tiên, tôi cảm giác sợ hãi, có lúc định bỏ cuộc vì hang quá sâu, lại hẹp dần, không xuống tiếp được. Nhưng rồi âm thanh từ chiếc bộ đàm vang lên, nghe tiếng chỉ huy, tiếng đồng đội đã thôi thúc, tôi nghĩ đến nạn nhân lạnh lẽo ở đáy hang. Tôi lẩm bẩm "Em ở đâu, hãy để các anh đưa em về với người mẹ đang đỏ hoe đôi mắt ngóng chờ em". Tôi tiếp tục tiến sâu hơn, qua 150, 200, 250, rồi 280m, tôi mừng thầm vì đã "đánh hơi" được mùi tử thi! Tôi được đưa lên miệng hang lấy thiết bị, cùng với mấy chai cồn và rượu đế rồi xuống hang lần hai để mang nạn nhân lên".
Anh Thành kể tiếp, lần xuống này khá suôn sẻ cho đến khi còn cách đáy hang vài mét thì sự cố xảy ra. Anh vừa nhận được tin từ đồng đội báo có mưa đá thì máy bộ đàm mất liên lạc. Ngay lúc đó, thiết bị ròng rọc cũng bị "liệt", khiến anh treo lơ lửng giữa hang sâu. Nước từ trên bắt đầu chảy xuống. Hơn 30 phút, mưa vẫn chưa tạnh. Trong hang lạnh ngắt nhưng anh Thành lại đổ mồ hôi vì lo. Nếu nước tiếp tục chảy xuống mạnh hơn, dưới tác động của ngoại lực, các vách đất, đá trong hang có thể sẽ sụp đổ, chôn vùi tất cả. Trong hoàn cảnh "sinh tử" đó, anh lại nghĩ đến vợ và hai con gái đang chờ anh về sau mỗi chuyến công tác xa. Đó là nguồn động viên lớn nhất, giúp anh Thành mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sau gần một tiếng thử thách tinh thần người lính CNCH, trời dứt mưa, các thiết bị hoạt động lại, anh Thành mừng đến rơi nước mắt. Khi chạm đáy hang, anh rút vội ba cây nhang khấn người đã khuất rồi lấy cồn, rượu tưới lên thi thể chàng trai để bớt mùi. Tiếp đến, anh đưa xác nặng khoảng 70kg vào túi nylon để đồng đội bên trên kéo lên. Do hang hẹp, anh quyết định làm ngược quy tắc khi cứu nạn là để thi thể nạn nhân phía trên đầu (thường là buộc phía dưới chân) nhằm tránh va quẹt các mỏm đá khiến dây bị đứt, rơi trở lại, sẽ rất phiền phức.
"Mùi tử thi bốc lên nồng nặc, tôi ngửi đến đau đầu, nôn ói. Nước tử thi nhiễu khắp người tôi. Phải mất gần 6 tiếng kể từ lần xuống hang đầu tiên, tôi đã đưa được nạn nhân lên miệng hang. Dù thân thể lấm lem, bốc mùi hôi thối nhưng đồng đội ôm siết tôi trong niềm xúc động, hòa với tiếng khóc và lời cảm ơn của gia đình em Say đối với nhóm cứu hộ. Sự cố gắng, nỗ lực của bản thân tôi, của anh em đồng đội đã được đền đáp xứng đáng. Hơn 20 năm làm công tác CNCH, đây là lần đầu tiên tôi tham gia một vụ cực kì nguy hiểm và khó khăn đến như vậy. Dù chưa từng được huấn luyện CNCH dưới hang sâu, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, trách nhiệm, lòng dũng cảm, chúng tôi đã đưa nạn nhân về với gia đình", anh Thành bày tỏ...
(Còn tiếp...)
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/ky-2-lan-ranh-sinh-tu_153537.html