Kỳ 2: Nỗi ám ảnh của siêu cường (Tiếp theo và hết)

Nước Mỹ trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump đã trải qua hàng loạt thăng trầm trên nhiều lĩnh vực, để rồi bước vào cuộc bầu cử năm nay với những nỗi ám ảnh khó dứt.

Bức tranh kinh tế hai màu

Trong cuốn Nghệ thuật đàm phán (The Art of the Deal) xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ cách đây 33 năm, Tổng thống Donald Trump-khi đó còn là một doanh nhân bất động sản, từng nói về chuyện kinh doanh thế này: “Người ta đánh giá bạn không dựa trên số lượng công việc bạn đã thực hiện mà căn cứ vào hiệu quả của những gì bạn đã hoàn tất”. Giờ đây, các cử tri Mỹ cũng đang cố gắng nhìn nhận xem sau 4 năm dưới bàn tay chèo lái của ông Donald Trump, họ được gì và mất gì, trước hết là về mặt kinh tế.

Ngay từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump vốn xuất phát từ một thương gia trước khi trở thành chính trị gia được kỳ vọng sẽ đưa nền kinh tế Mỹ sôi động trở lại. Hy vọng đó càng có thêm cơ sở khi trong 3 năm đầu tiên nhiệm kỳ của ông Donald Trump, kinh tế Mỹ liên tiếp chứng kiến mức tăng trưởng trung bình 2,6%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp có giai đoạn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ, điển hình như cuối năm 2019. Tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ từng chạm vạch thấp kỷ lục trong vòng 17 năm nhờ môi trường việc làm được cải thiện. Chưa hết, thị trường chứng khoán Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump thường xuyên tăng mạnh, nếu không muốn nói là liên tục phá vỡ mọi kỷ lục. Bên cạnh đó, việc chính quyền của ông Donald Trump thông qua Đạo luật Việc làm và Giảm thuế (TCJA) vào năm 2017, trong đó giảm thuế suất doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% cũng hứa hẹn sẽ giúp thu nhập của nhiều hộ gia đình tại Mỹ tăng lên đáng kể.

 Người dân thủ đô Washington xuống đường biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc vào tháng 6-2020. Ảnh: Reuters

Người dân thủ đô Washington xuống đường biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc vào tháng 6-2020. Ảnh: Reuters

Trong thời buổi mà chuyện “bát cơm, manh áo” vẫn là nỗi lo thường trực của nhiều hộ gia đình Mỹ, những kết quả nói trên chắc chắn là thành tựu đáng được ghi nhận của Tổng thống Donald Trump. Cũng vì thế nên đã có lúc, người Mỹ cảm thấy ông thực sự là lựa chọn tốt cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhưng, đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến đã phá hỏng tất cả. Nền kinh tế Mỹ giờ đây được mô tả như đang “chìm trong bóng tối” với những con số mà có lẽ cá nhân ông Donald Trump không bao giờ muốn nhắc tới. Bằng chứng là GDP của Mỹ trong hai quý đầu tiên của năm 2020 đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh, trong khi thị trường lao động ảm đạm với hàng chục triệu người rơi vào cảnh mất việc làm, các doanh nghiệp, nhà sản xuất thì loay hoay chưa lối thoát...

Cho dù chưa đầy một tuần trước ngày bầu cử, Bộ Thương mại Mỹ công bố những số liệu cho thấy kinh tế Mỹ đang bật lên sau nửa năm đầu lao dốc vì đại dịch và Tổng thống Donald Trump trong các chuyến vận động tranh cử vào giờ chót liên tục nhắc tới cụm từ “siêu hồi phục”, thì theo dự báo của các nhà kinh tế học, đợt sụt giảm kinh tế nghiêm trọng này chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều.

Khủng hoảng và thách thức

Ngay cả khi không nhắc tới vấn đề kinh tế, nước Mỹ trước ngày bầu cử tổng thống cũng phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng được coi là nghiêm trọng nhất trong hàng thập kỷ qua.

Cuộc khủng hoảng lớn nhất với Mỹ hiện nay dĩ nhiên là đại dịch Covid-19. Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia bị đại dịch hoành hành dữ dội nhất thế giới với gần 240.000 ca tử vong trong tổng số gần 10 triệu ca nhiễm Covid-19. Chỉ tính riêng trong 3 tháng gần đây, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ đã tăng gấp đôi. Dấu hiệu cho thấy nước Mỹ sẽ thoát khỏi đại dịch toàn cầu này vẫn chưa xuất hiện khi tình hình dịch tại hầu hết các bang, đặc biệt là những bang từng được coi là “tâm dịch” cách đây vài tháng, ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Có thể khẳng định rằng, đại dịch Covid-19 không chỉ là một thảm họa thực sự đối với nước Mỹ, mà còn nguy cơ phá hỏng cả nhiệm kỳ kéo dài 4 năm qua của Tổng thống Donald Trump. Bằng chứng là suốt nhiều tháng qua, các đối thủ chính trị cũng như rất nhiều cử tri thường xuyên chỉ trích người đứng đầu Nhà Trắng bởi cách xử lý đại dịch bất hợp lý và yếu kém, khiến nước Mỹ ngày càng chìm sâu trong cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất thế kỷ tại nước này.

Không chỉ có vậy, nước Mỹ còn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng dân sự được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 1960 với hàng loạt các vụ biểu tình bạo lực tại bang Virginia vào năm 2017 và phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd hồi tháng 5 năm nay. Tình trạng này khiến người ta có thêm lý do để tin rằng, nước Mỹ đang ngày càng bất ổn và chia rẽ.

Có lẽ hiếm khi nào xứ sở cờ hoa lại bước vào một cuộc bầu cử với nhiều nỗi ám ảnh như hiện nay. Những nỗi ám ảnh đó cũng chính là thách thức mà vị tổng thống tiếp theo của nước Mỹ phải đối mặt, dù đó là ông Donald Trump hay ông Joe Biden.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ky-2-noi-am-anh-cua-sieu-cuong-tiep-theo-va-het-642865