Kỳ 2: Phạm tội ngày càng đa dạng, manh động

Theo thống kê sơ bộ năm 2024, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng...

Hệ lụy từ thực trạng người trẻ phạm tội

Hai đối tượng L.G.B. và N.C.T.T. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Hai đối tượng L.G.B. và N.C.T.T. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Thủ đoạn tàn độc

Ngày 19/3, nhận tin báo của quần chúng Nhân dân xảy ra vụ cháy tại nhà bà N.T.L (SN 1952, ở xã Mễ Sở tỉnh Hưng Yên (trước là xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường đám cháy, phát hiện bà L đã tử vong tại đầm nước phía sau nhà, trên người có nhiều vết thương nghi do vật sắc nhọn gây ra, xác định có dấu hiệu của tội phạm giết người.

Ngay sau khi vụ án xảy ra, cơ quan Công an đã xác lập chuyên án, chỉ đạo các lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội. Sau hơn 10 giờ truy xét, điều tra, lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt giữ hai đối tượng giết bà N.T.L là N.C.T.T (SN 2009, xã Mễ Sở, tỉnh Hưng Yên) - cháu nội bà L và L.G.B (SN 2010, quê Tây Ninh).

Kết quả điều tra xác định, do thường xuyên bị bà nội mắng vì mải chơi, không chịu khó học tập, nhiều lần đi chơi khuya nên T đã nảy sinh ý định giết bà. Sau đó, T đã thuê B (là bạn quen biết qua quá trình chơi game trên mạng internet) với giá 5 triệu đồng, chi trả toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống cho B để cùng giết bà L.

Hại bà xong, T lục soát túi quần lấy số tiền 180.000 đồng rồi cùng B kéo xác bà L dìm xuống đầm nước sau nhà. Sau khi gây án, hai đối tượng lau, chùi vết máu ở bếp, B lấy mô tô có ở nhà bà L bỏ đi, T ở lại châm lửa đốt bếp và nhà ở của bà L nhằm xóa dấu vết.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ hình sự đối với N.C.T.T và L.G.B về hành vi "Giết người", quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

Hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia 1 vụ án

Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua sàn đầu tư chứng khoán quốc tế do Phó Đức Nam (tức TikToker Mr.Pips; 30 tuổi, trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ (nay là TP Hồ Chí Minh) và Lê Khắc Ngọ (tức Mr.Hunter; 34 tuổi, trú Hà Nội) cầm đầu khiến dư luận xã hội phẫn nộ. Về vụ án này, cơ quan công an đã khởi tố, bắt giữ, truy nã nhiều bị can, phong tỏa, thu giữ nhiều tài sản có tổng giá trị 5.300 tỷ đồng để sau này bồi thường thiệt hại cho các bị hại. Liên quan vụ án Mr.Pips lừa đảo, cơ quan điều tra xác định có đến hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia đường dây lừa đảo này và số người trên sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo TS, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), thống kê sơ bộ, năm 2024 trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Trong đó, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Đáng lo ngại, kết quả thống kê về tính chất, mức độ hành vi phạm tội cho thấy hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn. Trong số 858 vụ, 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật thì các loại tội phạm chủ yếu là giết người, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản... Số liệu thống kê cũng cho thấy, độ tuổi vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hóa: dưới 14 tuổi 67 đối tượng (2,1%); từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi 796 đối tượng (25,3%); từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi 2.287 đối tượng (72,6%).

Trao đổi với PV về vụ án cháu nội giết bà ở Hưng Yên được đề cập phía trên, TS, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, mối quan hệ nhân thân của đối tượng phạm tội với nạn nhân cũng là điều đáng lo ngại khi chính cháu nội sát hại bà mình, hay con cướp tiền cha mẹ. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, cho thấy sự xuống cấp của đạo đức xã hội và là vấn đề rất đáng lo ngại đối với nhiều bạn trẻ hiện nay.

Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi phạm tội. Cụ thể, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.

“Hành vi phạm tội có thể bị áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng như: có tính chất côn đồ, giết người thuê hoặc thuê giết người, thực hiện tội phạm một cách man rợ, giết người vì động cơ đê hèn, giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác, phạm tội đối với người già theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cả hai đối tượng đã đủ 14 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do cả hai đối tượng đều dưới 18 tuổi, nên việc xử lý phải tuân thủ các nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội theo Chương XII Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định từ Điều 90 đến 107. Hình phạt mà các đối tượng này có thể bị áp dụng, trong trường hợp bị chứng minh có tội, là tù có thời hạn, quy định tại khoản 1, 2 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối với đối tượng N.C.T.T (16 tuổi), mức án tối đa có thể là 18 năm tù, và đối với đối tượng L.G.B. (15 tuổi), mức án tối đa là 12 năm tù, do cả hai đều chưa đủ 18 tuổi” - TS, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Theo TS, luật sư Đặng Văn Cường, ngoài tội giết người, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi cướp tài sản, vì đối tượng đã dùng vũ lực để chiếm đoạt số tiền 180 nghìn đồng của nạn nhân. Trong trường hợp có căn cứ chứng minh rằng đối tượng đã sử dụng vũ lực để sát hại nạn nhân và chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra có thể sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cướp tài sản" theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, hành vi đốt bếp của nạn nhân cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định để xác định giá trị tài sản bị đốt có từ 2 triệu đồng trở lên hay không. Nếu giá trị tài sản bị cháy từ 2 triệu đồng trở lên, các đối tượng có thể bị xử lý thêm tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản", quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

(Còn nữa)

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-pham-toi-ngay-cang-da-dang-manh-dong-424091.html