Kỳ 2: Phân lô cả sân bóng, đất thổ cư đến gần 5.000m2/lô
Do vị trí rất đẹp - cạnh sân golf và khu du lịch Bà Nà Hills, giá lại khá mềm nên dù hạ tầng chưa hoàn thiện, hàng trăm nền tại dự án Khu dân cư kinh tế 'nhà vườn' Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhanh chóng có chủ, được cấp sổ hẳn hoi. Đối chiếu với chủ trương ban đầu của chính quyền thành phố, PV Báo CAND thật sự giật mình khi nhận thấy có khá đông người từ địa phương khác cách dự án cả nghìn cây số như tận TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Nội, thậm chí là Thái Nguyên, Hải Phòng… cũng tranh thủ được khá nhiều suất nền đẹp ở đây với tổng diện tích đất thổ cư được tính bằng… 'hécta'. Một trường hợp 'đúng đối tượng' nhưng sở hữu hàng loạt lô nền…
“Xẻ thịt” sân bóng
Cả ngày lân la theo sự dẫn đường, chỉ lối của một số đối tượng môi giới bất động sản tại địa bàn huyện Hòa Vang, chúng tôi phát hiện nhiều sai phạm “động trời” gắn liền với dự án Khu dân cư kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh. Khi nghe tôi bày tỏ ý nguyện ngoài việc tìm lô nền rộng phía trong ruột dự án này để cất biệt thự, nhưng cũng định tìm mua thêm lô mặt tiền đường tỉnh ĐT 602 để mở quán cà phê sân vườn, một trong số các “cò” nói ngay “giá đất nền ngoài mặt tiền đường 602 đắt gấp đôi…” nhưng lại khuyến cáo “không cẩn thận sẽ gặp rắc rối”. “Rắc rối” theo giải thích của một “cò” không phải chuyện pháp lý (do các lô nền này đều đã được cấp sổ) mà do có liên quan đến bức xúc của người dân về câu chuyện sân bóng đá.
Thăm dò việc này với một cán bộ địa phương, chúng tôi được xác nhận “anh em nói đúng”; đồng thời cho biết tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp HĐND huyện, cử tri Nguyễn Thành Trung (thôn An Sơn, xã Hòa Ninh) phản ánh huyện khi thực hiện dự án Khu kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh đã thu hồi sân bóng đá của thôn nhưng đến nay vẫn chưa bố trí sân bóng đá mới phục vụ nhu cầu của người dân tại đây.
Đi sâu tìm hiểu về chi tiết này chúng tôi được biết, ngày 7/3/2011, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1734/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu đất công trình công cộng và thể dục thể thao (TDTT - bao gồm sân bóng đá cũ – PV) thuộc Khu dân cư kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh. Theo quyết định này, chính quyền cho điều chỉnh phần diện tích 10.476m2 đang là đất công trình công cộng và TDTT sang đất ở để phục vụ cho việc chia lô nền (tựa như đất của 46 hộ dân bị thu hồi trước đó để thực hiện dự án Khu dân cư kinh tế “nhà vườn” – PV). Có 9.092m2 đất được dùng cho việc phân lô; phần diện tích còn lại (1.384m2) dành cho giao thông, mương kỹ thuật.
Xin được nói thêm, Khu dân cư kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phê duyệt chi tiết 1/500 với diện tích 531.398m2 (tương đương 53,1398 ha), với 389 lô nền “nhà vườn”, tổng diện tích đất “nhà vườn” (sau đó được thể hiện trong sổ hồng thành đất ở nông thôn như đã đề cập trong bài viết trước - PV) chiếm 75,1%, với 93 lô nền quy cách lớn hơn 1.000m2/lô; 296 lô nền quy cách từ 500 - 1.000m2/lô; đất còn lại dành cho công cộng, sân TDTT và giao thông.
Quá trình triển khai thực hiện dự án, đến tháng 8/2010, một phần diện tích kể trên của dự án này được thu hồi để làm khu tái định cư phía Nam. Để phân lô các lô đất mặt tiền đường ĐT 602 có chiều rộng tương xứng với các lô đất kế cận (cùng thuộc dự án “nhà vườn”) đã phê duyệt quy hoạch trước đó, trên cơ sở nội dung tờ trình của Sở Xây dựng, ngày 7/3/2011, chính quyền thành phố đã ban hành Quyết định 1734/QĐ-UBND như kể trên. Do đó, dự án chỉ còn 278 lô nền (trong đó có 35 lô điều chỉnh quy hoạch từ khu đất công trình công cộng và TDTT) trên diện tích đất còn lại sau quy hoạch khu tái định cư…
Gần 6,3ha đất nền do người nơi khác giữ quyền sử dụng đất
Quyết định phê duyệt quy hoạch đối với dự án Khu dân cư kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thể hiện rất rõ mục tiêu: “Phục vụ nhu cầu ở của cán bộ và nhân dân của huyện Hòa Vang và TP Đà Nẵng”. Thế nhưng sau khi được giao làm chủ đầu tư, UBND huyện Hòa Vang đã tùy tiện thực hiện việc bán chác...
Đối chiếu với chủ trương ban đầu của chính quyền thành phố, PV Báo CAND thật sự giật mình khi thấy có nhiều người từ địa phương khác, không phải chỉ ở Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Nghệ An,… mà cách xa dự án cả nghìn cây số cũng tranh thủ mua được nhiều suất nền “nhà vườn” ở đây, chẳng hạn có hộ khẩu tận TP Hồ Chí Minh có 17 người, Tây Ninh 2 người, Hà Nội 18 người; cả Thái Nguyên, Hải Phòng cũng có. Tổng diện tích đất thổ cư của 55 sổ hồng mà chính quyền huyện Hòa Vang đã ký, cấp không đúng đối tượng lên đến gần 6,3ha (62.994,5m2).
Trong danh sách những chủ sở hữu mà chúng tôi vừa đề cập, có rất nhiều người “may mắn” được nền diện tích khá lớn. Chẳng hạn như trường hợp như hai ông bà Nguyễn Văn Ch – Nguyễn Thị M ở TP Hồ Chí Minh có 1 nền rộng gần 1.900m2 tại Phân khu R14; ông Lê Văn T ở Tây Ninh có nền 2.250m2 tại Phân khu R16; ông Nguyễn Xuân T ở Thái Nguyên có 1 nền tại Phân khu 2A/N rộng 2.544,2m2. Khủng nhất là trường hợp bà Đặng Mai H, ở Hà Nội sở hữu lô nền tại Phân khu N7 rộng gần 4.860m2;…
Theo Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang đã thực hiện việc giao đất cho 55 trường hợp không đúng đối tượng nhưng không báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Đây là việc làm không đúng theo quyết định phê duyệt dự án, vi phạm các quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013.
Cũng liên quan đến câu chuyện giao đất sai đối tượng, hôm đến Hòa Ninh, chúng tôi được kể, đây là dự án “ăn theo” khu du lịch Bà Nà Hills. Nhiều trường hợp được giao đất, cấp sổ nhưng đến khi đất đai được giá đã chuyển nhượng lại cho người khác, kiếm lời. “Nếu nhìn nhận vấn đề từ góc độ thái độ tuân thủ pháp luật, tôi nghĩ trong vụ việc này có dấu hiệu tội phạm hình sự, nhất là tội cố ý làm trái…”, một người dân nói.
Hàng loạt sai phạm…
Quá trình triển khai dự án, UBND huyện Hòa Vang cùng Ban Quản lý dự án đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt khi tách thửa đối với 51 trường hợp và hợp thửa 17 trường hợp không đúng với quy hoạch đã phê duyệt trước đó.
Việc điều chỉnh, thay đổi ranh giới quy hoạch và mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt được thực hiện không theo quy định pháp luật. Cụ thể, UBND huyện Hòa Vang đã điều chỉnh ranh giới các lô đất không đúng với quy hoạch được phê duyệt (để giao đất theo nhu cầu của người dân) và chuyển mục đích sử dụng đất không đúng với quyết định phê duyệt ban đầu của Chủ tịch UBND thành phố. Cho tới khi thực hiện, dù chưa trình UBND thành phố phê duyệt nhưng huyện đã điều chỉnh quy hoạch 27 trường hợp và chuyển mục đích sử dụng từ khu đất công trình công cộng sang đất ở 8 lô đất (như chúng tôi đã kể).
Không chỉ vậy, UBND huyện Hòa Vang còn giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp cho 3 hộ được giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng đối tượng và trái với quy định pháp luật, gây thất thu ngân sách.
Nhiều trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính vẫn được UBND huyện Hòa Vang cấp sổ hồng. Tìm hiểu về sai phạm này, chúng tôi được biết, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang từng có chủ trương với những hộ đã nộp tiền 50% tổng giá trị lô đất thì khẩn trương lập thủ tục cấp sổ đỏ trong… 1 tháng; đến khi người nhận chuyển nhượng nộp tiền đủ 100% thì bàn giao sổ. “Chủ trương cho phép lập thủ tục cấp sổ đỏ khi chưa hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính là trái quy định pháp luật”, Thanh tra Sở TN&MT kết luận.
Riêng đối với việc cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho hộ gia đình, cá nhân, trong tổng số 290 hồ sơ được Thanh tra Sở TN&MT “sờ” đến, phát hiện có đến 200 hồ sơ có thiếu sót, khuyết điểm vi phạm, chiếm tỷ lệ đến 68,97%.
Qua phân loại, có 36 trường hợp cấp sổ thiếu tên người sử dụng đất so với quyết định giao đất; 142 trường hợp không có hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất trong hồ sơ cấp sổ; có 110 trường hợp diện tích cấp sổ không phù hợp với hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất; một vị trí đất nhưng cấp trùng sổ;….
Với số lô nền được phân lô sau khi chuyển mục đích từ loại đất công trình công cộng sang đất ở (phân khu KV3), chúng tôi thấy có trường hợp bà Trần Thị H (ngụ quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) sở hữu đến 6 nền với tổng diện tích trên 3.074m2. Một người cho biết, bà H là người nhà một cán bộ đang công tác tại tỉnh Quảng Nam (?).
Tìm hiểu về trường hợp này, chúng tôi phát hiện thêm điều khó ngờ khi bà H từng được cấp 2 nền - sổ hồng tại hai lô số 7 và 8 (cùng Khu O) với tổng diện tích 3.290m2. Tuy nhiên đến năm 2011, UBND huyện Hòa Vang tiếp tục bố trí cấp cho bà H đến 8 nền - sổ hồng khác với tổng diện tích 4.082m2, bao gồm 6 nền như chúng tôi đã đề cập và 2 nền tại cùng lô số 10, thuộc Khu A và G.
Giải trình về sự kỳ lạ này, lãnh đạo UBND huyện cho biết thời điểm bà H yêu cầu giao đất, hạ tầng kỹ thuật của dự án chưa hoàn thiện nên huyện chưa có đất thực tế để giao (theo 3 sổ hồng đã cấp vào năm 2005). Để xử lý tình huống này, UBND huyện đã chuyển đổi ra vị trí có đất thực tế cấp cho bà H 8 sổ hồng khác (như đã nêu) theo diện tích và số tiền tương ứng đã nộp (?).
“UBND huyện Hòa Vang giải quyết hồ sơ, hoán đổi đất như trên là không phù hợp”, lãnh đạo Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết. Một cán bộ lý giải thêm, theo đúng nguyên tắc, trước khi cấp sổ hồng, chủ đầu tư dự án phải bảo đảm cơ sở hạ tầng. Trong tình huống sổ cấp cho bà H không đúng quy định, không thể giao đất thực tế và đã có thỏa thuận chuyển đổi vị trí khác thì chính quyền phải thu hồi, hủy bỏ 3 sổ đã cấp (lô số 7, 8 khu O và lô số 4 khu H) theo trình tự thủ tục của pháp luật đất đai. Tiếc rằng, UBND huyện đã không tuân thủ quy định pháp luật.
Đến năm 2008, bà H đã lập chuyển nhượng quyền sử dụng 2 lô đất số 7, số 8 nêu trên cho bà Phạm Thị L và đã được UBND huyện cấp đổi lại sổ hồng. “Sai lại tiếp tục sai. Việc lập thủ tục chuyển nhượng này là không đúng. Lẽ ra huyện phải hủy sổ hồng trên để lập thủ tục giao đất lần đầu cho bà L...”, cán bộ trên phân tích thêm.
Cũng “may mắn” làm chủ sở hữu lô nền được chuyển mục đích từ loại đất công trình công cộng sang đất ở (tại phân khu KV3 và TDTT), còn có ông Trương Công N nền diện tích 506 và Trần Viết X với nền rộng đến 4.000m2.