Kỳ 2: Phòng ngừa ung thư: không dễ nhưng cũng chẳng khó

Lts: Trên số báo 101, GS-TS-BS. Bùi Duy Tâm (Trưởng khoa Y, Đại học Phan Châu Trinh) và TS-BS. Phạm Hùng Vân (Hiệu trưởng Đại học Phan Châu Trinh) đã chia sẻ với bạn đọc một số thông tin y khoa liên quan đến nguyên nhân gây ung thư thường gặp và những khuyến cáo sàng lọc ung thư… Số báo này, hai tác giả tiếp tục chia sẻ một số phương cách có thể giúp mọi người phòng ngừa hiệu quả ung thư.

Mọi người cần biết rằng, công cuộc chống ung thư không chỉ ở vấn đề chữa trị mà quan trọng hơn, còn ở các cách phòng ngừa, vì nhiều loại ung thư có thể tránh được nếu chúng ta sớm phòng ngừa đúng cách.

Thay đổi lối sống

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khẳng định, có thể giảm ngay 50% nguy cơ ung thư bằng cách thay đổi lối sống. Theo một nghiên cứu mới đây của tổ chức này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra các ước tính bằng cách tính toán những yếu tố lối sống có ảnh hưởng nhất định đến 26 loại ung thư khác nhau ở người trên 30 tuổi. Những yếu tố nguy cơ này bao gồm: hút thuốc lá; khói thuốc lá; thừa cân; uống rượu; ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến; chế độ ăn ít trái cây, rau củ, chất xơ và canxi trong khẩu phần ăn; không hoạt động thể chất; tia cực tím (UV) bức xạ từ ánh mặt trời; các bệnh nhiễm trùng liên quan đến ung thư.

GS-TS-BS. Bùi Duy Tâm và TS-BS. Phạm Hùng Vân

GS-TS-BS. Bùi Duy Tâm và TS-BS. Phạm Hùng Vân

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét mức độ phổ biến của những yếu tố nguy cơ đã biết và nguy cơ tương đối. Họ sử dụng các thông tin này để ước lượng tỷ lệ ung thư liên quan đến những yếu tố nguy cơ. Sau đó, họ áp dụng tỷ lệ này để chẩn đoán ung thư thực tế và phân tích dữ liệu tử vong để ước tính tổng số trường hợp ung thư và trường hợp tử vong. Các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, họ nhận định, mặc dù tỷ lệ tử vong do ung thư đã giảm 25% kể từ năm 1991, tuy nhiên, gánh nặng do ung thư vẫn còn rất nặng nề. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những phát hiện của họ có thể giúp giới chức lãnh đạo đặt ra các ưu tiên cho việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh ung thư.

Sau khi phân tích các yếu tố nguy cơ đối với các trường hợp ung thư tổng thể và tử vong do ung thư vào năm 2014, các nhà nghiên cứu rút ra kết luận yếu tố nguy cơ hút thuốc lá đứng đầu danh sách. Cụ thể:

Hút thuốc lá: chiếm 19% trong tất cả các trường hợp ung thư và gần 29% trường hợp tử vong do ung thư. Thừa cân và béo phì: chiếm 7,8% số trường hợp mắc ung thư và 6,5% trường hợp tử vong do ung thư. Uống rượu: liên quan đến 5,6% trường hợp ung thư và 4% trường hợp tử vong do ung thư. Tia UV: có thể chiếm tới gần 5% số trường hợp ung thư nhưng chỉ chiếm khoảng 1,5% ca tử vong. Không hoạt động thể chất: chiếm gần 2,9% số trường hợp ung thư và chiếm 2,2% số người chết do ung thư…

Theo đó, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khẳng định, 42% trường hợp ung thư và 45% trường hợp tử vong do ung thư ở Mỹ có liên quan đến các yếu tố nguy cơ có thể ngăn ngừa được bằng cách thay đổi lối sống. Cụ thể: cai nghiện thuốc lá và tránh khói thuốc lá; duy trì cân nặng khỏe mạnh, chế độ ăn uống và mức độ hoạt động lành mạnh bằng cách làm theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về dinh dưỡng và hoạt động thể thao để dự phòng ung thư; tìm hiểu các phương pháp làm thế nào để tự bảo vệ mình khỏi tia UV, với các kiến thức phòng chống và phát hiện sớm ung thư da; kiểm tra sức khỏe định kỳ và phát hiện sớm các loại bệnh nhiễm trùng có liên quan đến ung thư như HPV, HBV, HCV…; đảm bảo các thành viên trong gia đình đều được tiêm chủng ngừa vaccine HPV, HBV...

Tâm lý cân bằng

Nhà khoa học đạt Giải Nobel Sinh lý học Elizabeth H. Blackburn từng nêu ra: con người muốn sống trăm tuổi thì ăn uống điều độ chiếm 25%, những cái khác chiếm 25%, tâm lý cân bằng chiếm 50%. Giả thuyết đó dựa trên sự thay đổi chiều dài của telomere và nội tiết hormone. Một người nổi giận đùng đùng, áp lực hormone tăng sinh, đủ để giết chết một con chuột. Vì vậy, áp lực hormone còn bị gọi là hormone độc tính.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khẳng định có thể giảm ngay 50% nguy cơ ung thư bằng cách thay đổi lối sống. Trong ảnh: Sự kiện "5000 bước chân hạnh phúc - Ngày hội đi bộ vì bệnh nhân ung thư Việt Nam”, do Dự án Sáng kiến Ung thư muối - Salt Cancer Initiative (SCI) tổ chức tháng 10.2019, nhằm lan tỏa thông điệp mỗi cá nhân tạo dựng thói quen luyện tập duy trì sức khỏe và tâm lý sống tích cực. Ảnh: T.A.T

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khẳng định có thể giảm ngay 50% nguy cơ ung thư bằng cách thay đổi lối sống. Trong ảnh: Sự kiện "5000 bước chân hạnh phúc - Ngày hội đi bộ vì bệnh nhân ung thư Việt Nam”, do Dự án Sáng kiến Ung thư muối - Salt Cancer Initiative (SCI) tổ chức tháng 10.2019, nhằm lan tỏa thông điệp mỗi cá nhân tạo dựng thói quen luyện tập duy trì sức khỏe và tâm lý sống tích cực. Ảnh: T.A.T

Y học hiện đại đã chỉ ra ung thư, xơ cứng động mạch, cao huyết áp, loét hệ tiêu hóa, kinh nguyệt không đều… có 65 - 90% triệu chứng liên quan tới áp lực tâm lý. Hormone hưng phấn khiến con người thoải mái, cảm giác vui tươi, toàn thân rơi vào trạng thái tốt, giúp điều tiết các cơ quan trong cơ thể cân bằng, khỏe khoắn. Thế thì, trong cuộc sống, chúng ta nên làm thế nào để có hormone hưng phấn, giảm hormone áp lực? Một vài phương cách:

Có mục tiêu rõ ràng, nỗ lực đạt được: Nghiên cứu mới nhất cho rằng, cảm giác đạt mục tiêu càng mạnh càng giúp cơ thể khỏe khoắn. Bởi vì trong cuộc sống, đam mê quyết định tâm thái con người, quyết định trạng thái sống. Người nỗ lực đạt mục tiêu thì não bộ luôn trong trạng thái thoải mái phát triển. Vì thế, thường dùng não bộ sẽ thúc đẩy hoạt động não, đẩy lùi tuổi già. Người trung lão niên sau khi nghỉ hưu có thể đọc sách, khiêu vũ, vẽ tranh… giúp não bộ luôn trong trạng thái hoạt động.

Giúp đỡ người khác làm niềm vui có tác dụng trị liệu tốt: Nghiên cứu chỉ ra, giúp đỡ người khác về vật chất, có thể giảm tỉ lệ tử vong xuống 42%; giúp người khác ổn định tinh thần, có thể giảm tỉ lệ tử vong dưới 30%. Bởi vì tốt với người khác, hay làm việc thiện, sẽ có cảm giác vui tươi và tự hào, giảm hormone áp lực, thúc đẩy hormone hưng phấn.

Gia đình hòa thuận là bí kíp sống lâu: Từng có hai nhà tâm lý học người Mỹ công bố nghiên cứu trong vòng 20 năm, cho thấy: trong số các nhân tố quyết định tuổi thọ, đứng số một là “quan hệ người với người”. Họ cho rằng, quan hệ con người với con người quan trọng hơn rau cỏ hoa quả, việc thường xuyên luyện tập và rèn luyện trong thời gian dài. Liên hệ người với người không chỉ bao gồm bạn bè, còn bao gồm quan hệ gia đình. Vì thế, gia đình hòa thuận, bạn bè tốt là một trong những yếu tố quyết định tuổi thọ con người.

Tinh thần không thoải mái, khi tức giận, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động gan, dẫn đến tình trạng khô gan và khô máu ở gan. Hiện nay, theo thống kê của y tế thế giới, trên 90% bệnh đều có liên quan tới tinh thần. Hoạt động có thể sinh dương khí, đả thông âm khí, giúp tuần hoàn máu, cơ thịt phát triển, khỏe gân cốt. Tâm phải tĩnh, thân phải động, giữ cân bằng, đó là tam đại pháp bảo của bất cứ môn phái dưỡng sinh nào. Quyết định tuổi thọ con người không chỉ là ăn uống và vận động, mà tâm tính vui tươi, tâm thái tích cực còn vô cùng quan trọng! Trước kia “Ở hiền gặp lành”; “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”… chỉ là niềm tin, là phương châm đạo đức. Còn bây giờ khoa học thực nghiệm đã đo được lòng nhân ái và chứng nghiệm được sức mạnh của tinh thần, của tình yêu, bằng cách đo chiều dài telomere. Trước kia, ta thường nói “Thân thể có khỏe mạnh, tinh thần mới minh mẫn”. Bây giờ có thể nói ngược lại “Tinh thần minh mẫn làm cho thân thể khỏe mạnh”. Hai chiều xuôi ngược, đều đúng, hỗ trợ nhau. Thật hơn cả tuyệt vời!

Luật lệ quốc gia có thể làm giảm ung thư

Quốc gia nếu ban hành luật lệ bắt buộc như có giấy chủng ngừa (viêm gan B…) khi nhập học, xin việc làm; hạn chế rượu chè nhậu nhẹt; cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng… sẽ làm giảm số tử vong vì ung thư. Pháp luật đầy đủ sẽ giúp giảm tiếp xúc và hành vi rủi ro. Đơn cử, hiệp ước quốc tế đầu tiên được WHO tài trợ - Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, rất quan trọng trong việc giảm tiêu thụ thuốc lá thông qua thuế, hạn chế quảng cáo, các quy định và biện pháp khác để kiểm soát, không khuyến khích sử dụng thuốc lá. Các cách tiếp cận tương tự cũng được đánh giá cao trong các lĩnh vực khác, đáng chú ý là tiêu thụ rượu, đồ uống có đường và hạn chế tiếp xúc với các rủi ro gây ung thư nghề nghiệp và môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí.

Như vậy, luật pháp phù hợp có thể khuyến khích các hành vi lành mạnh hơn, cũng như có vai trò được công nhận trong bảo vệ mọi người khỏi các mối nguy hiểm tại nơi làm việc và các chất gây ô nhiễm môi trường. Chính nhờ vậy có thể ngừa được ung thư gây ra do các hành vi nguy cơ hay các yếu tố môi trường...

Cắt bỏ bộ phận có nguy cơ ung thư

Đây là giải pháp khá cực đoan nhưng lại khá hữu hiệu. Nguyên tắc đến tuổi dễ bị ung thư một bộ phận nào đó trên cơ thể mà bộ phận này không còn cần thiết nữa hay bộ phận đó có nguy cơ quá lớn sẽ bị ung thư (như trường hợp có đột biến BRCA) thì sẽ chủ động cắt bỏ. Angelina Jolie vào năm 2013 đã chủ động nhờ cắt bỏ tuyến vú và buồng trứng vì xét nghiệm BRCA cho thấy có đột biến và nguy cơ bị ung thư vú lên đến 87% và ung thư buồng trứng lên đến 50%.

***

Nói đến ung thư ai cũng sợ, vì lỡ mắc ung thư thì coi như đã bị án tử với thân hình tàn tạ, cái chết sẽ rất thảm khốc và đầy đau đớn. Tuy nhiên, như đã trình bày, ung thư có thể tránh được nếu chúng ta biết rõ nguyên nhân, quan tâm để chẩn đoán sớm và biết cách phòng ngừa, mà trong đó quan trọng phải biết thay đổi lối sống và giữ một tâm lý cân bằng. Tinh thần khỏe mạnh và vui tươi sẽ giữ cho thể xác được khỏe mạnh và an toàn.

GS-TS-BS. Bùi Duy Tâm - TS-BS. Phạm Hùng Vân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ky-2-phong-ngua-ung-thu-khong-de-nhung-cung-chang-kho-26089.html