Kỳ 2: 'Rào cản' trong hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát góp phần chống thất thoát, lãng phí tại các công trình, dự án và phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của Ban giám sát ĐTCCĐ tại một số địa phương còn gặp nhiều rào cản, khó khăn, thậm chí có nơi thành lập Ban cho đủ lệ bộ, thành phần.

Ban giám sát ĐTCCĐ xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa kiểm tra hệ thống kênh mương nội đồng >>> Kỳ 1: “Tai mắt của nhân dân”

Ban Giám sát ĐTCCĐ được thành lập, hoạt động theo Luật Đầu tư công, số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội; Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ Quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng trong Quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư (thay cho Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư); Thông tri 25/TTr-MTTW-BTT ngày 10/8/2017 “Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát ĐTCĐ tại xã, phường, thị trấn”.

Năm 2020, có 487/929 công trình, dự án Ban GSĐTCCĐ ở địa phương không thực hiện được giám sát. 75% các công trình giám sát được đều thuộc các dự án sử dụng nguồn lực và công sức của cộng đồng hoặc ngân sách cấp xã, vốn tài trợ trực tiếp cho xã. Nguyên nhân không thể thực hiện giám sát chủ yếu do các cơ quan, chủ đầu tư không chịu công khai thông tin!
Đồng chí Nguyễn Hải Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Khê thông tin: Trong các văn bản hướng dẫn hoạt động giám sát ĐTCĐ hiện hành, Ban được giám sát các công trình, dự án các cấp đi qua địa bàn (trừ các công trình bí mật Quốc gia); nhưng hiện tại, Ban rất khó tiếp cận các nguồn thông tin về chương trình, dự án, nhất là những dự án do Nhà nước đầu tư hoặc chỉ định thầu liên quan đến giao thông, thủy lợi.

Thành viên Ban giám sát ĐTCCĐ khu Xóm Trong, xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê cùng Ủy ban MTTQ xã kiểm tra công trình nhà văn hóa khu dân cư trước khi nghiệm thu, bàn giao đi vào sử dụngTrong khi đó, tại mục a, khoản 2, điều 84, Luật Đầu tư công và Thông tri 25 chỉ rõ: Ban Giám sát ĐTCCĐ có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các quy hoạch khác liên quan theo quy định của pháp luật.Thực tế, trước mỗi công trình, dự án được đầu tư trên địa bàn, Ban chỉ được giám sát trong quá trình thi công; còn quá trình thiết kế chưa được tham gia giám sát. Vì vậy mới xuất hiện tình trạng một số hạng mục trong làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thiết kế không phù hợp nhưng phải đến khi thi công mới phát hiện, điều chỉnh. Nếu được tham gia ngay từ khâu đầu, Ban giám sát có thể cung cấp thêm thông tin cần thiết phục vụ việc thiết kế phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng các công trình dân sinh làm xong đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố sụt, lún, người dân có ý kiến kiến nghị về chất lượng và phải tiến hành khắc phục, sửa chữa.Theo hướng dẫn, thành viên của Ban Giám sát ĐTCCĐ thường có ít nhất từ năm thành viên trở lên. Thành phần gồm: Đại diện Ủy ban MTTQ cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân và người dân. Trong khi đó, theo Quy chế phạm vi giám sát của cộng đồng rất rộng. Ban giám sát có quyền, trách nhiệm tham gia nhiều khâu như: Đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư; đánh giá việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư; phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; theo dõi, đánh giá hiệu quả của dự án, phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của dự án; theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện các vi phạm… Muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhất là để phát hiện được các sai phạm đòi hỏi thành viên của Ban phải có năng lực, trình độ, có bản lĩnh vững vàng, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, đề xuất kiến nghị khách quan, trung thực, mang tính xây dựng. Vì thế không phải địa phương nào cũng lựa chọn được đội ngũ giám sát có năng lực, chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ. Do hạn chế về trình độ chuyên môn nên Ban giám sát ĐTCCĐ chủ yếu giám sát mang tính định lượng, trực quan có thể cân, đo còn sâu bên trong về chất thì chưa thể giám sát được. Đồng chí Hoàng Anh Tuấn – Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Lập thông tin: Tuy hàng năm Ủy ban MTTQ huyện đều tổ chức tập huấn công tác mặt trận cho cán bộ mặt trận xã, khu dân cư, trong đó có công tác giám sát đầu tư của cộng đồng song chỉ hướng dẫn được Ban Công tác mặt trận, Ban Giám sát ĐTCCĐ xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức, phối hợp tổ chức giám sát đúng quy trình chứ không thể trang bị, nâng cao kỹ năng và năng lực giám sát cho các thành viên!Bên cạnh đó, theo hướng dẫn trong Thông tri 25 và tại khoản d, Điều 88, Nghị định 29 nêu rằng chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo kế hoạch hàng năm của Ủy ban MTTQ cấp xã, do ngân sách cấp xã đảm bảo. Tuy nhiên do nguồn ngân sách địa phương eo hẹp mà rất ít Ban giám sát ĐTCCĐ được hỗ trợ kinh phí hoạt động, có người nói đội ngũ này “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” vì lẽ đó.

Nhóm PV

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202108/ky-2-%E2%80%9Crao-can%E2%80%9D-trong-hoat-dong-giam-sat-179118