Kỳ 2: Tiềm năng nguồn nông sản chế biến dược liệu

Sóc Trăng là tỉnh chuyên về sản xuất nông nghiệp nên nguồn nguyên liệu từ các sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng, dồi dào. Từ nguồn nông sản có sẵn tại địa phương, một số cá nhân, cơ sở, tổ chức đã tận dụng để sản xuất ra nhiều sản phẩm thảo dược và dược liệu cung ứng ra thị trường, với mục tiêu giải quyết tốt đầu ra cho các loại nông sản, giúp bà con nông dân ổn định sản xuất và tăng thu nhập, đặc biệt, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.

Trong kỳ báo trước, chúng tôi đã giới thiệu đến bạn đọc về sự sáng tạo của một số cá nhân, tổ chức trong việc tận dụng các sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương để sản xuất ra một số loại tinh dầu dược liệu, trà xem như là thảo dược, góp phần đa dạng cũng như tạo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, để phát triển trồng một số loại cây thảo dược số lượng lớn, tập trung và trồng chuyên canh thì rất cần công ty, doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra một cách ổn định.

Sinh lợi nhuận từ trồng thảo dược

Trong tự nhiên, một số loại nông sản được dùng phòng, trị một số bệnh trên người, chẳng hạn như: vỏ cam, chanh, tắc (hạnh)… dùng để trị các chứng ho khan, ho đàm, dùng các loại trái trên “chế biến” ra các loại trà thảo dược, tinh dầu dược liệu, hay một loại cây ít người trồng, chúng phát triển trong tự nhiên nhưng có tác dụng trong chữa trị các chứng đau nhức xương khớp, đó là cây nhàu. Để tìm hiểu hộ dân trồng một số loại cây cung ứng cho công ty, doanh nghiệp sản xuất dược liệu, chúng tôi đến huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Ông Nguyễn Văn Hai, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bên vườn nhàu trồng chuyên canh của gia đình cung cấp doanh nghiệp chế biến dược liệu. Ảnh:TL

Ông Nguyễn Văn Hai, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bên vườn nhàu trồng chuyên canh của gia đình cung cấp doanh nghiệp chế biến dược liệu. Ảnh:TL

Chúng tôi ghé tham quan vườn trồng cây nhàu chuyên canh của ông Nguyễn Văn Hai, ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung. Đưa chúng tôi ra thăm vườn nhàu hơn 3 năm tuổi đã thu hoạch nhiều đợt trái, cung cấp đến công ty thu mua, ông Hai bộc bạch: “Tôi trồng cây nhàu hơn 3 năm qua, diện tích vườn 5 công. Sở dĩ tôi mạnh dạn chuyển đổi cây mía sang cây nhàu, cung cấp nguồn nguyên liệu đến công ty chế biến dược liệu vì nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chúng gần như là loại cây rừng, khi trồng hầu hết không cần tưới nước hay bón phân, cây vẫn phát triển tốt, khoảng 6 tháng trồng, cây đã cho trái và cây nhàu cho trái quanh năm".

Theo ông Hai, toàn bộ số lượng trái nhàu tại vườn được công ty bao tiêu đầu ra, giá bán 7.000 đồng/kg, quân bình mỗi tháng thu hoạch hơn 2,2 tấn trái, đã đem lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình. So với các loại cây trồng khác, cây nhàu không tốn bất kỳ chi phí đầu tư, chỉ tốn tiền mua cây giống. Từ lúc cây còn nhỏ, cho đến thu hoạch trái, cứ để cây phát triển tự nhiên vẫn cho trái quanh năm, đặc biệt cây có tuổi đời rất cao, lên đến hàng chục năm, rất tiện lợi cho nhà vườn đầu tư trồng.

Nếu như ông Hai trồng nhàu chuyên canh, cung cấp cho công ty sản xuất dược liệu thì bà Nguyễn Thị Thủy, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú chọn trồng cây đinh lăng với diện tích hơn 1 công. Dẫn chúng tôi ra khu vườn đinh lăng hơn 3 năm tuổi của gia đình, bà Thủy tâm tình: “Cây đinh lăng dễ trồng nên tôi trồng loại cây này. Tôi bán cho thương lái thu mua mỗi ngày, gộp chung 1 tháng bán lá cây hơn 400kg, hầu hết thương lái họ mua đinh lăng cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng ăn tươi, ăn lẩu xem như một loại rau có phần dược liệu, bồi bổ cho sức khỏe…”.

Dược liệu dồi dào nhưng cần đầu ra

Nguồn nguyên liệu chế biến thảo dược, dược liệu của tỉnh Sóc Trăng rất dồi dào, có nhiều tiềm năng để công ty, doanh nghiệp sản xuất dược liệu liên kết thu mua, chế biến thảo dược, dược liệu. Các nguồn nông sản này phần lớn dùng cho việc ăn tươi nên chưa phát huy hết công dụng của các thành phần dược liệu vốn có trong các loại nông sản.

Cây sả là một trong những cây trồng phổ biến tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đây là loại nông sản dùng chế biến dược liệu. Ảnh: TL

Cây sả là một trong những cây trồng phổ biến tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đây là loại nông sản dùng chế biến dược liệu. Ảnh: TL

Theo đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cù Lao Dung: “Trên địa bàn huyện có nhiều loại nông sản có thể chế biến dược liệu như: cây bưởi, sả, gừng, cây nhàu, cây đinh lăng… chỉ với cây bưởi được trồng với diện tích khoảng 70ha, gừng khoảng 40ha và cây nhàu trước đây hộ dân cũng trồng theo hình thức chuyên canh tầm vài hécta nhưng giờ đây nhiều hộ đã chuyển sang trồng một số loại hoa màu khác. Riêng với cây sả, cây đinh lăng, phần lớn hộ dân trồng xen canh trong các vườn cây ăn trái, dọc theo các tuyến bờ bao, tuyến đê. Nguồn nông sản này cung cấp cho các chợ dùng chế biến thức ăn. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 1 hợp tác xã (HTX) chế biến tinh dầu sả đạt chứng nhận 3 sao OCOP cho loại tinh dầu sả. Theo tôi, để phát huy hết tiềm năng từ các loại nông sản có thể chế biến các loại thảo dược, dược liệu và để phát triển diện tích này thì cần phải có công ty, doanh nghiệp đứng ra liên kết thu mua, chắc chắn địa phương sẽ đảm bảo nguồn nông sản dồi dào, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các công ty, doanh nghiệp chế biến thảo dược, dược liệu đạt chất lượng tốt nhất”.

“Giống như nhiều địa phương khác, huyện Mỹ Tú chuyên sản xuất nông nghiệp nên nguồn nông sản rất lớn, trong đó có các loại cây có múi dùng chế biến tinh dầu dược liệu. Theo đó, tại huyện có 1 HTX tận dụng vỏ cam chế biến trà, mứt, khi sử dụng sản phẩm trên sẽ góp phần phòng ngừa các loại cảm cúm nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, có 1 HTX sản xuất thảo dược, dù mới thành lập chưa lâu nhưng các sản phẩm như: tinh dầu sả, tinh dầu bưởi, cam, khuynh diệp, dầu tràm của HTX được rất nhiều khách hàng tìm mua, bởi hiệu quả trong việc phòng trị một số bệnh trên người. Vì vậy, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu hơn 10ha và liên kết với hộ dân bên ngoài diện tích hàng chục hécta, nhằm thu mua nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến dược liệu tại HTX. Qua đó, tạo tiền đề để người dân địa phương phát triển trồng các loại cây dược liệu khi có liên kết thu mua của HTX” - đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) thông tin.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng Nguyễn Thành Phước chia sẻ: "Sóc Trăng rất có tiềm năng phát triển trồng cây dược liệu, vấn đề ở đây là cần đầu ra ổn định cho loại cây trồng này. Chẳng hạn như với cây bưởi, cam, quýt được trồng diện tích lớn (hàng trăm hécta) tại các địa phương. Các loại nông sản này ngoài dùng ăn tươi thì doanh nghiệp có thể dùng chế biến các loại tinh dầu dược liệu, rất tốt cho sức khỏe con người. Đối với cây gừng cũng được trồng nhiều tại các địa phương, để cung ứng thị trường chế biến thực phẩm. Riêng cây sả, cây đinh lăng, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có trồng, nhưng hình thức trồng là xen canh, nếu thống kê diện tích cũng khá lớn. Do đó, để phát triển trồng một số loại nông sản số lượng lớn, tập trung và trồng chuyên canh cần công ty, doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra. Có như thế chắc chắn bà con nông dân Sóc Trăng sẽ mạnh dạn đầu tư sản xuất các loại nông sản này, với diện tích lớn hơn nữa, khi tận dụng lợi thế sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-tiem-nang-va-phat-trien/ky-2-tiem-nang-nguon-nong-san-che-bien-duoc-lieu-58269.html