Kỳ 2: Tình huống 'dở khóc dở cười'

Ý thức tham gia giao thông của người dân đôi khi lại tạo ra những tình huống 'dở khóc dở cười' đến khó tin. Có những chuyện, xét về lý thì không đúng, nhưng xét về tình thì lại xuất phát từ cái sự 'tiện' mà ra.

Văn hóa giao thông – giải "bài toán" khó

Nhiều phương tiện vẫn di chuyển dù đèn tín hiệu đã chuyển sang màu đỏ tại ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

Nhiều phương tiện vẫn di chuyển dù đèn tín hiệu đã chuyển sang màu đỏ tại ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

Hai phút, 164 phương tiện vượt đèn đỏ

Mới đây, một đoạn video ghi lại tình hình giao thông tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (Hà Nội) được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông. Điều đáng chú ý, chỉ trong vòng hai phút ngắn ngủi, có tới 164 phương tiện vượt đèn đỏ, phần lớn là xe máy, xe đạp điện và xe đạp. Điều đáng nói là nhóm người vi phạm không phân biệt tuổi tác hay giới tính, từ người già đến người trẻ, từ nam đến nữ. Đoạn video đã khiến không ít người giật mình, bởi con số này phản ánh thực tế đáng lo ngại về ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân.

Nói về đoạn video trên, anh Trường Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh là một người dân của Hà Nội, thường xuyên tham gia giao thông tại đây đã hơn 20 năm, thực trạng giao thông ở Thủ đô anh là người hiểu hơn cả.

Theo anh, con số thực tế về số người vi phạm giao thông tại các giao lộ, cụ thể là hành vi vượt đèn đỏ chắc chắn lớn hơn nhiều số liệu thống kê trong đoạn video đã được đăng tải đó.

“Bất kể giờ nào, bất kể đâu, chỉ cần có cơ hội là người ta vượt đèn đỏ, dù có hay không sự xuất hiện của lực lượng chức năng. Họ viện lý do vội vã, nhưng thực tế, nhanh thêm cũng chỉ vài giây mà thôi” - anh Trường Vũ nói. Anh cũng thẳng thắn nhận xét, số người vi phạm áp đảo hoàn toàn với lực lượng chức năng, cùng với tâm lý “vi phạm theo số đông”, nhiều người tin rằng lực lượng CSGT cũng không thể bắt xuể và mình sẽ thoát. Thậm chí, nếu bị phát hiện, không ít người sẵn sàng bỏ chạy thay vì chấp nhận nộp phạt.

Dòng phương tiện dừng chờ đèn đỏ lấn vạch kẻ đường, lấn luôn cả vạch sang đường của người đi bộ tại ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

Dòng phương tiện dừng chờ đèn đỏ lấn vạch kẻ đường, lấn luôn cả vạch sang đường của người đi bộ tại ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

“Ý thức lái xe của nhiều người đang ở mức rất tệ, thậm chí càng ngày càng xuống thấp hơn. Tôi gặp nhiều người thường xuyên vượt đèn đỏ. Họ luôn có cả tá lý do để bao biện cho hành vi của mình. Nói chung là biết sai luật vẫn cứ cố lách” –anh Trường Vũ cho biết.

Barie chắn đường – giải pháp bất đắc dĩ của cư dân ngõ nhỏ

Cũng mới đây, một câu chuyện “dở khóc dở cười” liên quan đến giao thông. Cụ thể, trung tuần tháng 11, nhiều trang báo phản ánh tình trạng người dân các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã dựng barie chắn ngang ngõ, chặn dòng xe máy dẫn ra đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm.

Câu chuyện này tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo người dân, những con ngõ nhỏ vốn là lối đi lại nội bộ của khu dân cư, được hình thành nhờ sự tự nguyện hiến đất của người dân hai bên từ trước. Vì vậy, khi tình trạng xe máy từ phố Khương Đình đi vào để cắt ngang đường Nguyễn Trãi lên cầu vượt Ngã Tư Sở ngày càng nghiêm trọng, cư dân đã phải tìm cách ngăn chặn. Khu dân cư đã họp và đồng thuận lắp đặt các chốt barie để ngăn xe máy đi vào từ năm 2022.

Theo họ, phần lớn các ngõ này đều thông ra đường Nguyễn Trãi nên mỗi sáng có rất nhiều xe máy đi từ phố Khương Đình vào các ngõ trên để cắt ngang đường Nguyễn Trãi lên cầu vượt Ngã Tư Sở. Do lượng phương tiện lớn đi vào giờ cao điểm nên cả khu dân cư bị ách tắc, tê liệt, không thể đi lại. Rất nhiều lần bà con trong khu dân cư đề nghị UBND phường có giải pháp để giảm bớt ách tắc. Vậy nên, đầu năm 2022, khu dân cư đã họp và lắp đặt 3 chốt barie để ngăn xe máy đi vào.

Barie do người dân dựng lên tại ngõ 127 phố Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội trước khi bị tháo dỡ. Ảnh: Khánh Huy

Barie do người dân dựng lên tại ngõ 127 phố Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội trước khi bị tháo dỡ. Ảnh: Khánh Huy

Họ cho biết thêm, đặc thù của các ngõ nhỏ này chỉ rộng từ 1m đến 1,1m nên mỗi sáng, lượng phương tiện lớn đi vào khiến ngõ tắc nghẽn, học sinh không thể ra ngoài đi học, người lớn cũng không thể đi làm đúng giờ. Vì lợi ích chung, nhiều gia đình dù sinh sống ngay sau barie cũng chấp nhận đi đường vòng xa hơn để duy trì trật tự cho khu dân cư. Sau khi dựng barie còn đỡ tình trạng mất đoàn kết, cãi vã giữa cư dân trong khu dân cư và người đi xe máy vào gây ách tắc.

Về câu chuyện này, đại diện Công an phường Thượng Đình thông tin thêm, tình trạng người dân đi xe máy từ đường Khương Đình vào các ngõ rồi đi ngược chiều để lên cầu vượt Ngã Tư Sở đã tồn tại từ năm 2021. Để xử lý tình trạng này, Đội CSGT đường bộ số 7 (Phòng CSGT CA TP Hà Nội), CA phường đã cắt cử người ứng trực, xử lý.

"Nhiều người đi ngược chiều không tuân thủ theo hiệu lệnh của Công an, thậm chí có trường hợp còn lăng mạ, đâm xe vào lực lượng làm nhiệm vụ" - đại diện Công an phường Thượng Đình nêu thực trạng.

Thời gian vừa qua, sau khi UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã gỡ bỏ nhiều barie chặn xe máy ở một số ngõ trên đường Nguyễn Trãi, thông với phố Thượng Đình, nhiều xe lại chạy vào ngõ rồi cắt ngang đường lớn để lên cầu vượt Ngã Tư Sở.

Tuy nhiên, việc gỡ bỏ lại một lần nữa khiến giao thông ở những đoạn này thêm lộn xộn. Bà N.L, người dân sống ở ngõ 127 cho biết, bà chứng kiến rất nhiều cảnh tréo ngoe. Họ tận dụng các ngõ nhỏ thông ra phố để tránh phải quay đầu ở điểm quay đầu tại đường Trường Chinh.

Người dân dừng tránh xe máy đi ra từ trong ngõ 126 phố Thượng Đình. Ảnh: Khánh Huy

Người dân dừng tránh xe máy đi ra từ trong ngõ 126 phố Thượng Đình. Ảnh: Khánh Huy

Cũng theo bà N.L thông thường, người ta đi từ ngõ ra thứ nhất là cắt ngang đầu xe máy đi từ Hà Đông lên cầu vượt Nguyễn Trãi, sẽ gây ra tai nạn giao thông ở ngay đoạn này. Thứ 2 nữa là gây ùn tắc giao thông cục bộ cho những người đi từ hướng kia lên.

Than thở với phóng viên bà N.L cho rằng, lý do vì sao các xe lại đi tắt, cắt dòng phương tiện là vì đi như thế để đi lên hướng cầu vượt sẽ nhanh hơn, còn nếu người ta đi từ Thượng Đình, rẽ phải hướng Ngã Tư Sở, rẽ đường Trường Chinh quay ngược lại mất nhiều thời gian nên người ta không thích thế thôi.

“Suy cho cùng tất cả đều do ý thức của người tham gia giao thông mà thôi” – bà N.L ngán ngẩm.

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-tinh-huong-do-khoc-do-cuoi-404521.html