Kỳ 2: Trị 'bệnh' xa dân...

PTĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy: 'Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân', cán bộ là 'người đầy tớ...

Nhiều trường hợp là lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến địa phương, thậm chí là cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua.

>>> Kỳ 1: Gần dân, trọng dân
PTĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân”, cán bộ là “người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”. Theo đó, đạo đức lớn nhất của người cán bộ cách mạng là hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Cho nên mọi biểu hiện xa dân, gây phiền hà khó dễ cho nhân dân là sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người cách mạng.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nhận định “căn bệnh” “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” là một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Đáng nói, “bệnh” vô cảm dễ dẫn đến các biểu hiện suy thoái khác, như thiếu nhiệt tình, né trách nhiệm, xa rời quần chúng, không còn hết lòng vì nước vì dân... Vì vậy, “căn bệnh” này không thể xem nhẹ, phải sớm ngăn chặn, đẩy lùi.

Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Văn Xuất – Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (giai đoạn 1997-2008), ông cho biết:

Bệnh này còn bộc lộ ở việc cán bộ cấp dưới thì mắc bệnh thành tích, làm việc qua loa, đại khái thậm chí là dối trá. Cán bộ cấp cao hơn thì không đi sâu, đi sát vào thực tiễn, xa rời quần chúng, làm việc dựa trên giấy tờ, báo cáo của cấp dưới mà thiếu kiểm tra thực tế, không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Thậm chí đó còn là một căn bệnh tập thể: một tập thể cơ quan hay đơn vị với lối làm việc “hành là chính”, ăn cắp giờ làm, chậm chễ, dây dưa trong công việc gây phiền hà, sách nhiễu thậm chí còn vòi vĩnh nhân dân.

Nhắc đến một vài trường hợp đã bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua như: Các cán bộ là người lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương, thậm chí là cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Năm 2011, kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo Phó giám đốc Sở Nội vụ nguyên là Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh do lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ gây ảnh hưởng tới ngân sách địa phương; năm 2018, kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo Chi ủy Chi bộ Bảo tàng Hùng Vương và cách chức một cá nhân liên quan trong buông lỏng công tác lãnh đạo, quản lý, sử dụng tài chính hàng năm dẫn đến sai phạm gây hậu quả; cũng năm đó, khởi tố Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy về tội tham ô tài sản… Ông Xuất khẳng định: “Nguyên nhân của những sai phạm này là do nhận thức chính trị sai lệch, rèn luyện phẩm chất đạo đức không thường xuyên, không nhận thức được hành vi của mình. “Căn bệnh” này sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng là làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Nguy hại hơn, tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, sẽ là “đồng minh tự nhiên” của các âm mưu, hành động chống phá của các thế lực phản động, trở thành mắt xích yếu nhất để kẻ thù lợi dụng lôi kéo, mua chuộc làm suy yếu chính quyền, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân.”

Ông Nguyễn Kiên Cường - Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh đang tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của người dân tại trụ sở.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Kiên Cường - Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh cho biết: “Với cương vị là một cán bộ tiếp dân, nếu luôn có suy nghĩ rằng dân tìm đến để khiếu nại, tố cáo, bới móc thì thái độ khi tiếp công dân sẽ chỉ là đối phó, đề phòng. Cần phải trực tiếp nghe tiếng nói, nguyện vọng của dân, nếu chỉ thông qua những báo cáo, con số, giấy tờ thì không thể hiểu dân để gần dân”. Ngoài bộ phận nhỏ những cán bộ có tư tưởng suy thoái, thì một nguyên nhân gây ra “bệnh” xa dân có thể kể đến là hạn chế về trình độ và nhận thức.

Về trình độ, cán bộ tiếp công dân ngoài tác phong công vụ, đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực, cần thường xuyên trau dồi các kiến thức, chuyên môn. Nhiều cán bộ còn thiếu kinh nghiệm, năng lực, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, dẫn tới việc giải thích, hướng dẫn cho người dân chưa có sức thuyết phục. Gặp vấn đề người dân khúc mắc chưa đưa ra được những hướng dẫn cụ thể hay chỉ giải quyết theo kiểu “làm cho xong”, nên chất lượng, kết quả giải quyết không đảm bảo, dẫn đến quanh co, lảng tránh, kéo dài thời gian, gây khó khăn, bức xúc cho nhân dân.

Về nhận thức, một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí, vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân. Hoặc tuy nhận thức đúng vấn đề, thấy rõ những nguy hại của căn bệnh đó, nhưng do thiếu bản lĩnh và sự rèn luyện thường xuyên nên dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự cho phép mình cái quyền đứng trên nhân dân.

Lấy dẫn chứng những năm 2011-2012, số lượng công dân cùng đơn thư kiếu nại, tố cáo thường xuyên tập trung trước trụ sở tiếp dân cấp tỉnh rất đông. Nguyên do là những khúc mắc của nhân dân không được cán bộ và lãnh đạo các cấp cơ sở giải quyết, hoặc có giải quyết cũng quanh co, luẩn quẩn, không thỏa đáng. Chính bởi vậy, người dân mang đơn thư đến những cấp có thẩm quyền cao hơn. Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương tổng hợp tất cả các ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến khiếu nại, tố cáo. Sau đó cứ 3 tháng một lần, trực tiếp lắng nghe ý kiến của người dân, mời các sở, ban, ngành có liên quan đến dự để cùng đưa ra giải pháp tháo gỡ, có sai phải sửa để cho người dân câu trả lời thỏa đáng. Việc làm này được thực hiện liên tục trong 2 năm đã giải quyết hoàn toàn và dứt điểm tất cả các đơn thư tồn đọng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và các giải pháp mang tính đột phá của các cấp lãnh đạo, công tác tiếp dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Không còn các vụ việc đông người, phức tạp, khiếu nại kéo dài do được đối thoại trực tiếp nên đã tháo gỡ ngay từ khi mới phát sinh; lãnh đạo tỉnh chỉ đạo UBND các huyện kiên quyết thực hiện các quyết định, kết luận đã có hiệu lực pháp luật từ nhiều năm trước giúp giảm đáng kể những vụ việc tồn đọng; số lượt công dân được thủ trưởng đơn vị tiếp chiếm tỷ lệ cao; cơ sở đã chủ động trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin với Ban Tiếp công dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh nên nhiều vụ việc đã được giải quyết kịp thời và được người dân chấp nhận.

Ghi nhận những thay đổi, chuyển biến tích cực trong tác phong công việc, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên những năm trở lại đây. Ông Nguyễn Văn Xuất tin tưởng các cán bộ, công chức sẽ ngày càng tu dưỡng rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Đây sẽ là tiền đề để “xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch" như trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Kỳ 3: Làm tròn nhiệm vụ "đầy tớ" của nhân dân

Phương Thúy – Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/dao-duc-ho-chi-minh/202011/hoc-bac-tinh-than-phuc-vu-174179